Tạo sức bật cho Hợp tác xã nông nghiệp

13:50 | 26/04/2022
(LĐTĐ) Trong những năm gần đây, bên cạnh việc sản xuất rau an toàn, nhiều Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp của Thủ đô đã không ngừng nỗ lực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sự năng động của các HTX đã tạo được thương hiệu, chỗ đứng cho sản phẩm nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp Hiệu quả từ mô hình trồng rau thủy canh

Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Là một xã thuần nông nằm ở phía Tây Nam của huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội), những năm qua, xã Tiến Thịnh đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Từ những vùng đất hoang hóa, dưới đôi bàn tay sáng tạo, chăm chỉ của người nông dân đã biến nơi đây thành những vùng cây ăn quả tươi tốt, cho năng suất và thu nhập cao.

Tạo sức bật cho Hợp tác xã nông nghiệp
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Lương Hằng

Một trong số những tấm gương thành công từ nông nghiệp phải kể đến anh Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong. Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, anh Lâm cho biết, anh bắt đầu trồng cây ăn quả hữu cơ từ đầu năm 2015. Để có thành quả như hiện tại, anh đã trải qua vô vàn khó khăn, từ việc cải tạo cánh đồng đến quá trình lựa chọn cây trồng, chăm sóc cây.

Theo anh Lâm, cánh đồng cây ăn quả trù phú này trước đây là đồng trũng. Mỗi khi tới mùa mưa là nước ngập trắng đồng. Bằng những hiểu biết về nghề nông và tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng cây ăn quả, anh cùng vợ đã cải tạo khu đất trên để ngăn tình trạng ngập úng vào mùa mưa và cung cấp nước cho cây vào mùa khô. Song song quá trình cải tạo đất, vợ chồng anh Lâm cũng tiến hành trồng cây ăn quả. Chỉ sau khoảng 2 năm, các loại cây ăn quả như đu đủ, táo, bưởi… đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.

Với những cách làm sáng tạo, đổi mới, phù hợp với xu hướng của thị trường, mỗi năm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong mang lại doanh thu từ 600 tới 700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Từ 7 xã viên tham gia vào mô hình sản xuất ban đầu, tính đến thời điểm hiện tại, HTX Dịch vụ nông nghiệp Khánh Phong đã có 16 thành viên tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, diện tích trồng cây ăn quả của Hợp tác xã ngày càng được mở rộng.

Tương tự, mô hình trồng rau an toàn của HTX Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) cũng đang mang lại hiệu quả trông thấy. Nắm bắt nhu cầu sử dụng các thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, xuất xứ của người tiêu dùng, HTX Ba Chữ đã đẩy mạnh trồng rau hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ chú trọng sản xuất rau an toàn, chất lượng, HTX Ba Chữ đang ngày càng khẳng định niềm tin với người tiêu dùng.

Giám đốc HTX Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền cho biết, với mong muốn cung cấp đa dạng các loại rau ra thị trường, đầu năm 2020, HTX Ba Chữ đã ký liên kết với một số hộ dân để nhân rộng diện tích trồng các loại củ, quả. Thời điểm hiện tại, HTX Ba Chữ có hơn 30 chủng loại sản phẩm rau đa dạng, phong phú trải đều các vụ trong năm như: Rau cải bắp trắng, tím, súp lơ, cải bó xôi, su hào, rau cần, cà chua, cà rốt, rau cải các loại, mướp, rau ngót, rau muống, rau gia vị…

Theo đó, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các sản phẩm rau của HTX Ba Chữ vẫn được người tiêu dùng tin tưởng ủng hộ. Đáng chú ý, để khẳng định chất lượng sản phẩm, HTX Ba Chữ đã đăng ký sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của thành phố Hà Nội. Trong đó, năm 2019, mặt hàng rau cải xanh (cải canh, cải ngồng) được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Đầu năm 2020 sản phẩm cải chíp, mùng tơi của hợp tác xã tiếp tục được cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của các HTX nông nghiệp phải kể đến việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng suất cho các HTX nông nghiệp tại Thủ đô. Theo Giám đốc HTX Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền, sự khác biệt của các sản phẩm rau Ba Chữ so với các loại rau khác là được người dân chăm bón theo tiêu chuẩn PGS (Participatory Guarantee System) và ghi chép nhật ký trong sản xuất. PGS là một hệ thống đảm bảo cùng tham gia của các hộ, nhóm hộ, liên nhóm hộ giám sát chéo nội bộ theo hệ thống. Hệ thống này đảm bảo chứng thực cho người sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan, gồm người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý Nhà nước và các đối tượng quan tâm khác.

Mô hình PGS được HTX áp dụng khá thành công và hiệu quả. Các hộ tham gia vào mô hình sản xuất PGS đều thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký sản xuất, từng sản phẩm rau đều được bà con ghi lại một cách tỉ mỉ quá trình chăm bón theo tiêu chuẩn, theo đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về quá trình sản xuất rau.

Được biết, từ năm 2018, HTX Ba Chữ đã thực hiện chương trình dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Với cách làm sáng tạo này, các loại rau, củ, quả sau khi thu hoạch sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đến tay người tiêu dùng để tránh việc hàng giả, hàng nhái, giúp người dùng yên tâm sử dụng. Không những vậy, việc dán tem truy xuất được HTX hỗ trợ chi phí nên các xã viên yên tâm sản xuất mà không quá lo lắng về đầu ra.

Năm 2016, được sự hỗ trợ của huyện Ứng Hòa, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng (nay là HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng) đã triển khai thí điểm trồng 5ha rau an toàn. Nhờ sử dụng phân bón sinh học nên rau an toàn sinh trưởng, phát triển tốt, giảm sâu bệnh, cho giá trị kinh tế cao hơn trồng rau thông thường 40 triệu đồng/ha. Nhận thấy hiệu quả, hợp tác xã đã mở rộng diện tích sản xuất lên 27ha và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.

Cùng với phát triển vùng chuyên canh rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng còn mạnh dạn xây dựng mô hình trồng rau trong nhà kính 5.000m2, với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng (trong đó huyện hỗ trợ 70%, xã viên đóng góp 30%). Mô hình được thiết kế hiện đại, đồng bộ với giàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trong khu vườn dưa vàng xanh mướt, vừa tranh thủ thụ phấn cho dưa lưới, bà Vũ Thị Lý vừa chia sẻ: Việc trồng rau trong nhà kính có nhiều ưu điểm vượt trội như tránh được tác động của thời tiết, hạn chế dịch bệnh, chủ động được chế độ dinh dưỡng cho cây. Từ những ưu điểm này, cây rau sẽ đạt năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần so với trồng rau theo phương thức truyền thống. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao còn giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức trong quá trình trồng và chăm sóc cây.

Có thể khẳng định, lợi ích từ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là rất lớn, tuy nhiên, hiện nay nhiều HTX vẫn còn ngần ngại bởi chi phí đầu tư là khá lớn. Do đó, nhiều HTX trên địa bàn Thành phố mong muốn sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ sản xuất, từ đó, giúp các HTX có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm./.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này