Để công nghiệp văn hóa phát triển

11:54 | 26/04/2022
(LĐTĐ) Ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; áp dụng thuế suất 5% hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của doanh nghiệp đầu tư trong các ngành công nghiệp văn hóa... là những đề xuất quan trọng của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội trong xây dựng chính sách sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô.
Đẩy mạnh tuyên truyền phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Để công nghiệp văn hóa Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa

Cụ thể, UBND Thành phố đề xuất bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Để công nghiệp văn hóa phát triển
Việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã giúp Hà Nội thu hút được đông đảo du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô ngàn năm văn hiến tới bạn bè quốc tế. Ảnh: Viết Thành

Trong đó, ưu tiên đầu tư bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn Thủ đô. Khuyến khích sáng tạo, phát triển giá trị văn hóa tinh thần mới dựa trên di sản; đảm bảo hài hoà với phát triển kinh tế, du lịch bền vững.

Đồng thời, Thành phố khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa bằng quy định ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi đầu tư trong các luật hiện hành. Cụ thể: Ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; áp dụng thuế suất 5% hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của doanh nghiệp đầu tư trong các ngành công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, đề xuất Thủ đô được quy định chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghệ nhân bảo vệ, truyền dạy cho đội ngũ kế cận, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng ở trong nước và ở nước ngoài. “Mức hỗ trợ cao hơn mức Trung ương quy định theo khả năng cân đối ngân sách của Thủ đô”, Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu.

Ngoài ra, Thành phố đề xuất được thành lập Quỹ bảo vệ di sản và phát triển văn hóa Thủ đô (quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách) với mục tiêu bảo vệ di sản, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa.

Đáng quan tâm, Hà Nội đề xuất việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ di sản và phát triển văn hóa.

Sử dụng nguồn lực xã hội trong lĩnh vực văn hoá còn bất cập

Theo UBND Thành phố, thực tiễn cho thấy, công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế, bề dày văn hóa lịch sử Thủ đô.

Một số di sản, giá trị văn hóa tinh thần người Hà Nội đang dần bị mai một. Hệ thống thiết chế văn hóa cả ở cấp Thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Xã hội hóa và huy động, sử dụng nguồn lực xã hội trong lĩnh vực văn hoá còn bất cập.

Lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa huy động được hết tiềm năng sáng tạo và tâm huyết của trí thức - văn nghệ sỹ, chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa chưa được chú trọng đúng mức. Phát triển công nghiệp văn hóa; quảng bá văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn.

“Văn hóa ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chuyển biến chưa đồng đều, thiếu bền vững. Văn hóa chưa thực sự trở thành nguồn sức mạnh, nguồn động lực cho cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Thủ đô”, Báo cáo nêu rõ.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là nguồn lực đầu tư cho bảo vệ, phát triển văn hóa còn rất hạn hẹp, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, các đề xuất nhằm hướng đến việc thu hút, huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội cho bảo vệ, phát triển văn hóa.

Đối với đề xuất thành lập Quỹ bảo vệ di sản và phát triển văn hóa Thủ đô: Qua nghiên cứu kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy đều tồn tại loại hình quỹ này và cơ bản hoạt động có hiệu quả, trong đó nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước chỉ mang tính chất là “vốn mồi”, có tính dẫn dắt, còn lại cơ bản là từ sự ủng hộ, đóng góp, đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngoài khu vực Nhà nước. Vì vậy, việc thành lập quỹ nêu trên là một trong những giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư cho văn hóa.

Cần nhấn mạnh đến kinh tế văn hóa, công nghiệp văn hóa

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, từ khi ban hành Luật Thủ đô, thực tiễn cuộc sống, trong đó bao gồm cả lĩnh vực văn hóa, đã có quá nhiều sự thay đổi. Chính vì thế, cần sửa đổi, ban hành Luật Thủ đô với mục đích tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển tương xứng với vị thế và tiềm lực của Thủ đô.

“Tôi cho rằng, chính sách về phát triển văn hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bao quát và xử lý được nhiều vấn đề của văn hóa Thủ đô. Các chính sách đưa ra, đặc biệt là đột phá trong phát triển công nghiệp văn hóa và cam kết tỷ lệ tối thiểu 2% chi ngân sách hằng năm cho văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa Thủ đô, để Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa lớn nhất của cả nước, là biểu tượng của niềm tự hào văn hóa Việt Nam”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ngoài chính sách hỗ trợ đất đai, hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp, khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển các doanh nghiệp văn hóa, chúng ta cũng cần hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án, hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô.

“Cũng như chúng ta không chỉ có chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân mà cần chú ý đến cả các tài năng nghệ thuật, thể thao của Thủ đô. Tôi nghĩ, đây là những yếu tố quan trọng để chúng ta hình thành một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển bền vững văn hóa cũng như lan tỏa sức mạnh của văn hóa đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của Thủ đô”, ông Sơn nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, Hà Nội có rất nhiều thế mạnh về văn hóa. Thế mạnh này đến từ lịch sử ngàn năm là Thủ đô của đất nước, tụ hội, kết tinh và tỏa sáng những giá trị tinh túy của cả văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện trong kho tàng đồ sộ các di tích đình, đền, chùa, qua lối sống, cách ứng xử tinh tế, ẩm thực phong phú, nghề thủ công truyền thống độc đáo, hay phong tục tập quán, lễ hội giàu bản sắc.

“Không những thế, chúng ta còn có đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ tài năng có thể khai thác kho tàng văn hóa để kết nối quá khứ, hiện tại với tương lai, tạo ra những giá trị kinh tế, sức mạnh tổng hợp cho Hà Nội. Đặc biệt hơn, chúng ta còn có quyết tâm phát triển văn hóa từ lãnh đạo Thành phố.

Các chính sách văn hóa trong Luật Thủ đô cần nhấn mạnh đến kinh tế văn hóa, công nghiệp văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ, tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Đây chắc chắn sẽ là những điểm mới để Luật Thủ đô không chỉ giúp quản lý mà còn kiến tạo cho văn hóa Thủ đô phát triển’, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đề nghị Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nêu việc xây dựng Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, cũng như ghi nhận Hà Nội trở thành thành viên trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019 như là những cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc đưa ra các chính sách phát triển văn hóa Thủ đô. /.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này