Giảm chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh

19:26 | 26/04/2022
(LĐTĐ) Do tác động của dịch Covid-19, cùng sự “leo thang” của giá dầu và diễn biến chiến sự giữa Nga - Ukraina,…khiến chi phí vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, hàng không tăng vọt; điều này đã và đang khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Do đó, việc tìm giải pháp kéo giảm các chi phí vận tải đang là yêu cầu cấp thiết để nâng sự cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Doanh nghiệp đuối sức vì chi phí logistics tăng Hà Nội sẽ xây dựng 2 cảng cạn ở Gia Lâm và Hoài Đức phát triển dịch vụ logistics

Nhiều thách thức với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đồng thời đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

Giảm chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh
Chi phí logistics tăng cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt đánh mất sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Mặc dù đang có tiềm năng lớn để phát triển, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang thay đổi xu hướng thương mại toàn cầu. Bảo hộ thương mại đang diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia thay vì toàn cầu hóa giờ đây muốn đưa sản xuất về nước mình, tăng cường trừng phạt lẫn nhau. Đại dịch cũng đẩy mạnh thương mại điện tử, kéo theo cách phân phối khác với kênh truyền thống trước đây theo hướng tổ chức giải quyết đơn hàng lớn,… là những nguyên nhân khiến chuỗi cung ứng và chi phí logistics bị thay đổi, đội giá lên nhiều lần. Điều này đã tạo ra sự bất lợi lớn đối với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,80%, so với bình quân thế giới là 10,70%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,50%, Malaysia 13,00% và Thái Lan là 15,50%.

Trong khi đó, tính chung cả năm 2021, khối lượng vận chuyển hàng hóa của nước ta ước tính đạt 1,62 tỷ tấn, giảm 8,7% so với năm 2020. Luân chuyển đạt 333,4 tỷ tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay vận chuyển hàng hóa trong nước chiếm tỷ trọng chính khoảng 98,81%, trong khi vận tải ngoài nước chỉ chiếm 1,19%. Cũng trong năm 2021, vận chuyển bằng đường sắt, đường biển và đường hàng không tăng lần lượt là 8,5%, 3,3% và 4,2%. Ngược lại vận chuyển bằng đường thủy nội địa giảm 6,4%, còn vận chuyển bằng đường bộ giảm 10,1%.

Đáng lưu ý, do đại dịch Covid-19, vận tải biển gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân công, sự tắc nghẽn tại các cảng biển, thiếu container rỗng... dẫn đến giá cước tăng vọt; kéo theo việc vận tải hàng không được hưởng lợi từ nguồn hàng đường biển chuyển sang. Qua đó, tạo nên sự bùng nổ về thị trường vận tải hàng không từ đầu năm 2021 đến nay, kéo theo sự tăng trưởng hàng không quốc tế tại Việt Nam tới 20% so với năm 2020 và tăng 19% so với năm 2019, khi chưa có đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, tại buổi tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” vừa diễn ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, giá cước vận chuyển từ châu Á đi Mỹ bằng đường hàng không đã tăng lên hơn 10 lần; trong đó, chi phí logistics chiếm tới 20 -25% đã bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu. Vì thế, để tăng sức cạnh tranh các doanh nghiệp đề nghị, cần kéo giảm các chi phí vận tải.

Đề cập đến nguyên nhân khiến chi phí logistics khó kéo giảm thời gian qua, ông Trần Việt Huy, Trưởng ban Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại thuộc VLA cho biết, chi phí logistics của Việt Nam tăng rất cao do các tuyến hàng container đều nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu doanh nghiệp trong nước lấy được một phần nhỏ thị phần này thì giá sẽ khó loạn như hiện nay. Trong khi đó, chi phí logistics đội giá lên nhiều lần do sự đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch bệnh cũng như xu hướng thương mại toàn cầu đang thay đổi. Trong đó, thủ tục hành chính là một trong nhiều yếu tố làm chi phí tăng lên.

Chủ động chuyển dịch sang logistics thế hệ mới

Khẳng định định hướng và hiệu quả của những chính sách phát triển lĩnh vực logistics Việt Nam, tuy nhiên, theo ý kiến của các doanh nghiệp tại Tọa đàm “Chính sách trong lĩnh vực logistics” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Cơ quan Xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc tổ chức, hiện vẫn còn một số thủ tục hành chính làm thủ công, nhiều quy định ban hành ra chưa theo kịp thực tiễn, trong quản lý chuyên ngành còn chồng chéo,... Bởi vậy,các doanh nghiệp kiến nghị một số vấn đề cần được Chính phủ và các Bộ, ngành tập trung tháo gỡ để lĩnh vực tiềm năng này phát triển hiệu quả hơn và tăng sự cạnh tranh với các nước trong quá trình xuất, nhập khẩu trong thời gian tới.

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong cho rằng, cơ quan quản lý phải coi logistics là ngành công nghiệp hỗ trợ để có chính sách phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được thuận lợi. Cùng đó, Chính phủ tiếp tục hiện đại hoá quá trình quản lý trong lĩnh vực logistics, cho phép doanh nghiệp gia công đóng gói, dán nhãn hàng hóa tại kho ngoại quan.

Cụ thể, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong cho rằng, cơ quan quản lý phải coi logistics là ngành công nghiệp hỗ trợ để có chính sách phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được thuận lợi. Cùng đó, Chính phủ tiếp tục hiện đại hoá quá trình quản lý trong lĩnh vực logistics, cho phép doanh nghiệp gia công đóng gói, dán nhãn hàng hóa tại kho ngoại quan.

Ông Thạnh cũng cho rằng, để logistics phát triển và cạnh tranh với các nước, cần phải tạo sự liên kết giữa các thành tố trong chuỗi cung ứng như: Hải quan, kho cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu,… giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Đồng thời, áp dụng công cụ quản lý mới, cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Để lĩnh vực logistics đạt hiệu quả cao hơn và bắt kịp xu hướng phát triển của thương mại điện tử, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các chính sách về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 cũng đang được triển khai thực hiện nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics. Bên cạnh đó, với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, hiện nay các trung tâm logistics theo kiểu truyền thống đã dần chuyển đổi sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0 để đạt hiệu quả hơn, năng suất cao hơn.

Đại diện Cục Xúc tiến Thương mại cũng cho rằng, hiện nay, các giải pháp thúc đẩy ngành logistics cũng đang được thực hiện như: Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi, tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics…

Có thể thấy, chi phí logistics của Việt Nam hiện phát triển theo nền kinh tế thị trường, giá cước do các doanh nghiệp quyết định dựa trên sự điều tiết của cung-cầu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Trong khi đó, dịch vụ logistics phát triển sẽ góp phần tăng cường hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đất nước. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu như giai đoạn hiện nay thì sự cạnh tranh giữa nền kinh tế của các quốc gia là vô cùng khốc liệt và gay gắt. Vì thế, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt khơi thông chính sách, cần sự vào cuộc tích cực và chủ động và mở rộng thị trường logistics từ các doanh nghiệp,...

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này