Giữ vững “trận địa” để phát triển

20:27 | 26/04/2022
(LĐTĐ) Với những bước chuyển mình, thích ứng phù hợp, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã định hình một tâm thế mới kiểm soát đại dịch, từng bước thực hiện “mục tiêu kép” đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Nhìn lại bức tranh kinh tế những tháng đầu năm: Cơ hội đi liền với thách thức Tham mưu cho Thành phố chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Từ những hướng đi thích ứng linh hoạt

Cách đây một năm, ngày 17/4/2021 là khoảng thời gian đáng nhớ. Khi người người đang chuẩn bị háo hức cho một kỳ nghỉ lễ, cũng vào lúc này, đợt dịch thứ 4 Covid-19 nhen nhóm, lan rộng. Đợt dịch thứ 4 tại Hà Nội bắt đầu sau chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Đông Anh). Đến giữa tháng 7/2021, dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp hơn ở Hà Nội, Thành phố quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, chủ động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Thành phố kịp thời khoanh vùng.

Giữ vững “trận địa” để phát triển
Hà Nội nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới trong bối cảnh cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19.

đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao; khoanh vùng rộng nhưng phong tỏa hẹp; thiết lập các “vùng xanh” tại mỗi tổ dân phố, mỗi thôn xóm, khu chung cư…Cùng với đó là thực hiện “2 mũi chủ công” là tiêm vắc xin phòng Covid-19 và xét nghiệm diện rộng. Chỉ trong một tuần, ngành y tế Hà Nội đã tiêm lượng vắc xin Covid-19 cao gần bằng 6 tháng trước cộng lại. Chiến dịch “thần tốc” tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 100% người dân Hà Nội đủ điều kiện tiêm chủng đã về đích đúng tiến độ, tạo cơ sở vững chắc để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô.

Sau giãn cách xã hội, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động, sau đó là cùng với cả nước thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Chủ trương của Thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt; chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch.

Để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu phải quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch; tuyệt đối không được có tâm lý thỏa mãn; luôn giữ tinh thần quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh trong mọi tình huống; thường xuyên rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế để có giải pháp tốt hơn; phải đặt mục tiêu an toàn là trên hết; tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch bệnh phải cao hơn tiêu chí chung của cả nước.

Đến khi biến chủng Omicron lan rộng, số ca F0 của Hà Nội tăng “chóng mặt”, có giai đoạn ghi nhận hơn 30.000 ca mắc Covid-19/ngày, Hà Nội linh hoạt trong công tác chữa trị, nhanh chóng chuyển sang triển khai chăm sóc F0 tại nhà nhằm giảm tải cho cơ sở y tế. Mặc dù số ca bệnh tăng nhưng do tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ nên tỷ lệ tử vong lại rất thấp (chỉ chiếm 0,09%). Ngay cả khi số ca nhiễm tăng cao nhất cả nước, Hà Nội cũng không lúng túng, bị động, mà luôn có sự điều tiết, khoa học, có hệ thống từ Thành phố đến cơ sở, thể hiện rõ nét phương châm “4 tại chỗ”.

Thời điểm hiện tại, Hà Nội đã bước qua đỉnh dịch. Từ nền tảng kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời rút kinh nghiệm từ một số hạn chế đã được chỉ ra trong công tác phòng, chống dịch, Thành phố tự tin cùng cả nước “mở cửa”, phát triển kinh tế - xã hội. Hàng quán, các loại hình dịch vụ đã hoạt động trở lại bình thường. Các điểm du lịch mở cửa hoạt động, nhất là tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, kéo theo nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật diễn ra đang thu hút khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội. Sinh viên, học sinh các cấp phấn khởi khi được quay lại trường học sau một thời gian dài học trực tuyến tại nhà. Sự kiện SEA Games 31 đang được gấp rút triển khai là cơ hội để phục hồi, phát triển du lịch Hà Nội. Điều đó cho thấy Hà Nội đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất và đang nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Đến mở cửa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Trước những bước đi phù hợp, thận trọng, người dân Hà Nội đang dần thích ứng để an toàn khi “sống chung với dịch”. Ông Phạm Văn Hà (Bí thư Chi bộ - Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 3, phường Ô Chợ Dừa) không giấu được sự phấn khởi khi hằng ngày cảm nhận được nhịp sống sôi động của Thủ đô đang dần quay trở về như cách đây khoảng hai năm trước khi có dịch.

“Tôi rất vui khi Hà Nội dần mở cửa tất cả các dịch vụ, hoạt động. Một bầu không khí thoải mái, lạc quan, vui vẻ hơn bắt đầu xuất hiện trên khắp mọi ngả đường, nhiều lao động có thể “thở phào” vì không còn phải lo lắng sinh kế sau nhiều ngày phải đóng cửa phòng dịch. Khó khăn đã qua, nhờ có sự quyết liệt của chính quyền Thành phố nên người dân cũng có thêm hi vọng. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang còn, song tôi tin dưới sự lãnh đạo của các cấp, ngành, cuộc sống của người dân sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Kinh tế xã hội sẽ sớm được phục hồi và phát triển”, ông Hà chia sẻ.

Từ những kết quả trên có thể thấy, dù trong bối cảnh nào, Hà Nội cũng luôn chủ động chuẩn bị các kịch bản, giữ vững “trận địa” và bảo vệ thành quả mà cả hệ thống chính trị cùng người dân chung tay ra sức chống dịch. Những giải pháp đúng hướng, quyết sách phù hợp trong từng thời điểm đã mang đến hiệu ứng tích cực, đặt lộ trình để Thủ đô bứt tốc phát triển trong thời gian tới.

Tại hội nghị giao ban công tác quý I/2022, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định Hà Nội đã nỗ lực, thúc đẩy kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế xã hội mạnh mẽ, hiệu quả. Kinh tế Thành phố phục hồi rõ nét, toàn diện, đồng bộ và quan trọng là đã theo đúng lộ trình.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I /2022 tăng 5,83%, gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), bằng với kịch bản tăng trưởng (từ 5,7-6,2%) Thành phố đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện quý I là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng 6,1% (cùng kỳ giảm 1%), kim ngạch nhập khẩu tăng 18,5% (cùng kỳ tăng 4%). FDI thu hút 575 triệu USD, trong đó đăng ký mới 64 dự án và 28 dự án bổ sung vốn đầu tư 209,3 triệu USD…

Từ giữa tháng 3, Hà Nội cùng cả nước mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Khách du lịch đến Hà Nội (có lưu trú) trong tháng 3 đạt 111 nghìn lượt, tăng 2,78% so với tháng 2 và tăng 22% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Các con số tăng trưởng trên của ngành du lịch có được là nhờ chính sách mở cửa đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững.

Phát huy những thành quả, trong thời gian tới (tháng 4 và Quý II), Hà Nội tiếp tục đề ra những giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đồng thời, tập trung triển khai công việc một cách trọng tâm, trọng điểm, chọn việc và giải quyết dứt điểm các công việc có tác động lan tỏa ngay đến phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong điều hành chỉ đạo. Một trong số đó là tiếp tục kiểm soát công tác phòng chống dịch; triển khai các nhiệm vụ trong dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5; tổ chức SEA Games 31; tăng tốc phát triển kinh tế; tập trung quyết liệt giải ngân đầu tư công.

Từ những kết quả trên có thể thấy, dù trong bối cảnh nào, Hà Nội cũng luôn chủ động chuẩn bị các kịch bản, giữ vững “trận địa” và bảo vệ thành quả mà cả hệ thống chính trị cùng người dân chung tay ra sức chống dịch. Những giải pháp đúng hướng, quyết sách phù hợp trong từng thời điểm đã mang đến hiệu ứng tích cực, đặt lộ trình để Thủ đô bứt tốc phát triển trong thời gian tới./.

Ngân Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này