Giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách mới đối với người lao động

08:45 | 19/04/2022
(LĐTĐ) Bắt đầu từ 8h30 phút sáng nay (19/4), tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Phúc Thọ, báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến và trực tiếp với chủ đề: “Chế độ, chính sách mới đối với người lao động và các quy định về an toàn, vệ sinh lao động”.
Giao lưu trực tuyến: Người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách gì? Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động bị nhiễm Covid-19

Buổi giao lưu nhằm giúp cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động, đặc biệt công nhân lao động trên địa bàn thành phố hiểu rõ hơn về chế độ, chính sách mới, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động - những vấn đề hết sức thiết thực, là mối quan tâm hàng đầu của mọi người lao động khi tham gia quan hệ lao động.

Đây cũng chính là hoạt động thiết thực của báo Lao động Thủ đô và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phúc Thọ chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (1/5), hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2022.

Đang giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách mới đối với người lao động
Đại biểu tham dự buổi giao lưu.

Đến dự buổi Giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Nguyễn Mai Anh - Phó Trưởng phòng Đoàn thể và các Hội Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đình Đạo - Phó Trưởng phòng việc làm, an toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố Hà Nội.

Về phía đơn vị tổ chức có các đồng chí: Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Nguyễn Lan Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ.

Buổi Giao lưu trực tuyến còn có sự hiện diện đại diện các ban của LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của gần 200 đoàn viên, người lao động huyện Phúc Thọ.

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động có các chuyên gia: Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Thị Hồng Luyến - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Phúc Thọ.

08h50: Phát biểu tại cuộc Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, cuộc đối thoại “Chế độ, chính sách mới đối với người lao động và các quy định về an toàn, vệ sinh lao động” phối hợp với LĐLĐ huyện Phúc Thọ tổ chức là cuộc Giao lưu trực tuyến thứ 4 trong năm 2022 của báo Lao động Thủ đô.

Đang giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách mới đối với người lao động
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi giao lưu.

“Phát huy thế mạnh và nét đặc sắc riêng của Báo, cuộc Giao lưu trực tuyến hôm nay tiếp tục làm nhiệm vụ giải đáp, cập nhật các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội; những quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động, chế độ chính sách liên quan đến người mắc Covid-19, thời kỳ hậu Covid-19… đang là những vấn đề cấp bách, thiết thực với đông đảo đoàn viên Công đoàn và người lao động”, ông Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Đinh Tuấn Anh cũng cho biết, tham gia giao lưu, giải đáp là các chuyên gia trong lĩnh vực Lao động, Công đoàn, Bảo hiểm xã hội sẵn sàng cung cấp thông tin và cũng cập nhật tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và cả người sử dụng lao động. Do vậy, Ban tổ chức mong muốn các đoàn viên, người lao động mạnh dạn chia sẻ các vấn đề, băn khoăn của mình, đặt các câu hỏi đối với các chuyên gia để có thêm thông tin, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình.

08h55: Cùng phát biểu tại cuộc Giao lưu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của LĐLĐ Thành phố, sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Phúc Thọ, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn huyện Phúc Thọ đã đạt nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị của huyện.

Đặc biệt, theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ, một trong những chức năng của tổ chức Công đoàn là thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong đoàn viên Công đoàn và CNVCLĐ. Tìm hiểu pháp luật lao động không chỉ giúp người lao động có thể tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình mà còn thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động và hoạt động Công đoàn.

Đang giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách mới đối với người lao động
Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu tại buổi giao lưu.

Nói về mục đích, ý nghĩa của cuộc Giao lưu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ nhấn mạnh: “Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, đoàn viên Công đoàn và người sử dụng lao động là rất cần thiết đối với cả người lao động và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thông qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”.

Để công tác tuyên truyền phổ biến những chế độ chính sách mới liên quan đến người lao động và quy định về an toàn vệ sinh lao động có hiệu quả thiết thực, đúng như mục tiêu đặt ra, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ đề nghị các đồng chí cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ có mặt tại hội nghị thẳng thắn, mạnh dạn nêu nhiều câu hỏi là những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc với các chuyên gia để hiểu rõ, hiểu kỹ và tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thực thi tốt chính sách pháp luật.

Đang giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách mới đối với người lao động
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi giao lưu.

09h00: Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, thay mặt lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành Phố Lê Đình Hùng biểu dương, hoan nghênh báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Phúc Thọ đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến rất thiết thực và ý nghĩa. Theo Phó Chủ tịch Lê Đình Hùng, giao lưu trực tuyến là hoạt động mà báo Lao động Thủ đô đã phối hợp với các cấp Công đoàn phối hợp tổ chức rất hiệu quả trong thời gian qua.

Thời điểm hiện nay, sau hơn 2 năm chịu nhiều ảnh hưởng dịch Covid-19, chúng ta đang trở lại trạng thái bình thường mới, mỗi cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đều phải cố gắng khắc phục khó khăn, thích ứng linh hoạt, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Có nhiều chính sách mới đã được hình thành trong thời kỳ dịch bệnh liên quan đến quyền lợi của người lao động, do đó, chủ đề của buổi giao lưu lần này là rất sát với thực tiễn.

“Các đồng chí ngồi đây có người là cán bộ công đoàn, có người là công nhân lao động, người làm việc ở khu vực hành chính sự nghiệp, người làm việc ở khu vực doanh nghiệp. Có những vấn đề mà các đồng chí đã hiểu nhưng chưa đầy đủ, cũng có những vấn đề mới phát sinh chưa kịp cập nhật, hoặc có thể bản thân các đồng chí không có vấn đề cần tìm hiểu nhưng đồng nghiệp, người thân của mình cần tìm hiểu. Do đó, tôi đề nghị các đại biểu tích cực trao đổi, đặt câu hỏi với chuyên gia để nắm bắt đẩy đủ hơn, làm giầu thêm thông tin, hiểu biết về kiến thức pháp luật của mình để trước tiên là bảo vệ chính bản thân mình trong quan hệ lao động, sau đó là bảo vệ đoàn viên của mình, hoặc tư vấn, giải đáp hỗ trợ cho đồng nghiệp, người thân…”, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng đề nghị.

Đang giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách mới đối với người lao động
Lãnh đạo LĐLĐ thành phố, huyện tặng hoa các chuyên gia tham dự giải đáp tại buổi giao lưu.

09h10: Các chuyên gia giải đáp câu hỏi, thắc mắc của người lao động, bạn đọc

- Chị Nguyễn Thị Thu Hương (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Sen Chiểu): Tôi mới làm lại căn cước công dân, xin hỏi khi làm thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) có bị ảnh hưởng gì không?

- Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Luyến: Gần đây, chúng ta đã thay đổi từ chứng minh thư sang căn cước công dân gắn chip. Về việc này người lao động hoàn toàn yên tâm các thủ tục hưởng chế độ BHXH không bị ảnh hưởng gì, mọi quyền lợi vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, nếu để các thủ tục không bị vướng mắc, người lao động nên đi khai báo lại.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Chị Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch Công đoàn trường THCS Long Xuyên đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chị Hà Thị Thu Hương (Công đoàn Trường Mầm non Long Xuyên): Chế độ thai sản dành cho giáo viên mới nhất năm 2022 như thế nào? Tình trạng NLĐ hưởng bảo hiểm một lần rất nhiều, vậy việc này ảnh hưởng như thế nào?

Đang giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách mới đối với người lao động

- Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Luyến: Hiện chế độ thai sản dành cho giáo viên năm 2022 không có thay đổi so với năm cũ. Theo quy định, lao động nữ đóng bảo hiểm đủ 6 tháng trong 12 tháng trước sinh mới được hưởng BHXH.

Và khi sinh, nữ lao động sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách từ BHXH như: Hưởng đầy đủ lương trong 6 tháng nghỉ sinh; trong quá trình khám thai, sảy thai, hay nạo hút thai… cũng được hưởng chế độ.

Khi sinh, lao động nữ nghỉ chế độ thai sản 6 tháng (sinh 1 thai); 7 tháng đối với thai đôi. Sau 6 tháng nghỉ thai sản, khi đi làm trở lại, nếu người lao động yếu, mệt được hưởng tiếp chế độ nghỉ sau sinh. Cụ thể, đối với nữ lao động sinh thường 5 ngày, sinh đôi 10 ngày.


Anh Nguyễn Mạnh Lâm (Chủ tịch Công đoàn Quỹ Tín dụng xã Tam Hiệp): Trong các cuộc họp bàn về cổ phần hóa, lãnh đạo công ty không mời đại diện Công đoàn tham dự và đưa ra danh sách lao động đôi dư, trong đó có 1 đồng chí là ủy viên Công đoàn công ty. Lãnh đạo Công ty làm thế là đúng hay sai, và đồng chí ủy viên ban chấp hành Công đoàn có phải nghỉ việc không?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Chị Nguyễn Thị Thu Hương – Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Sen Chiểu đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Chính sách cổ phần hóa là chính sách lớn. Tất cả quá trình sắp xếp, xây dựng phương án lao động cổ phần hóa bắt buộc đều phải có sự tham gia của Công đoàn. Không những là phương án cổ phần hóa mà tất cả các hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến quyền lợi người lao động đều phải có đại diện người lao động tham gia trong quá trình đó.

Trường hợp của bạn hỏi, trong quy định của Bộ luật Lao động tất cả các nội dung người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có một số trường hợp, đặc biệt là trường hợp cán bộ công đoàn là trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Thậm chí, theo Bộ luật Lao động nếu người lao động hết hạn hợp đồng lao động mà nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn chưa hết thì phải kí thêm hợp đồng lao động kéo dài cho cán bộ công đoàn đó. Điều này đã được quy định rất rõ trong Luật.


Chị Cao Thị Bích Duyên (Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học thị trấn Phúc Thọ): Xin hỏi chuyên gia, người tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục được hưởng quyền lợi gì khác so với người tham gia bảo hiểm y tế chưa đủ 5 năm?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Chị Hà Thị Thu Hương – Công đoàn trường Mầm non Long Xuyên đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Luyến: Theo Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục, gián đoạn không quá 3 tháng theo quy định thì thẻ Bảo hiểm y tế sẽ xác định thời gian đủ 5 năm liên tục.

Khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 có nêu: Người bệnh được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng nếu có thời gian tham gia Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

Tức là, khi tham gia Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến), người dân sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo.

Để được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh, người bệnh phải đáp ứng đủ 3 điều: Tham gia Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên (nếu có thời gian gián đoạn thì chỉ được gián đoạn tối đa không quá 3 tháng); Có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; Khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Về thủ tục hưởng Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục, theo Thông báo 2298/TB-BHXH ngày 14/11/2018, người có đủ điều kiện hưởng Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm: Thẻ Bảo hiểm y tế; Giấy tờ tùy thân có ảnh (bản sao); Hóa đơn, chứng từ thanh toán viện phí (bản chính).

Sau khi có đủ các giấy tờ này, người bệnh nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi tham gia Bảo hiểm y tế để được giải quyết.


Chị Trần Thị Luận (Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Thượng Cốc): Đồng nghiệp tôi thấy ở các cơ quan khác khi bị Covid-19 sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm. Vậy, xin chuyên gia nói rõ hơn các chính sách này, đặc biệt là với cán bộ giáo viên như chúng tôi có được hưởng các độ chính sách gì không?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Anh Nguyễn Mạnh Lâm – Chủ tịch Công đoàn Quỹ Tín dụng Tam Hiệp đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Luyến: Theo quy định của BHXH, nếu người tham gia BHXH khi mắc Covid-19 sẽ được hưởng bảo hiểm ốm đau, hưởng 75% lương tham gia BHXH. Để được thanh toán bảo hiểm, người lao động cần chú ý, nếu người bệnh điều trị tại bệnh viện thì cần có giấy xác nhận của bệnh viện; còn nếu điều trị tại nhà cần có xác nhận của chính quyền, địa phương.

Đối với giáo viên công lập khi đang tham gia BHXH bị mắc Covid-19 sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bởi, bảo hiểm thất nghiệp chỉ những đơn vị doanh nghiệp ngoài nhà nước, tư thục mới được hưởng.


Anh Nguyễn Văn Lương (Quỹ Tín dụng xã Phúc Hòa): Trước đây tại công ty, bạn tôi được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với vị trí kế toán viên ở một doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng 1/2014 thì giám đốc công ty điều chuyển bạn tôi sang vị trí thủ quỹ. Bạn tôi không đồng ý thì giám đốc đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lý do bạn tôi không chấp hành điều động, không hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Trong trường này hành động của giám đốc là đúng hay sai?

Đang giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách mới đối với người lao động

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Phải khẳng định rằng hành động của giám đốc doanh nghiệp anh nêu là trái pháp luật. Trong giao kết hợp đồng, bạn của anh làm ở vị trí kế toán nhưng công ty lại điều chuyển sang thủ quỹ.

Theo quy định của luật, Giám đốc chỉ được điều chuyển công việc khác khi có sự đồng ý của người lao động bằng phụ lục hợp đồng, nếu người lao động không đồng ý thì không được chuyển. Như vậy, công ty đã làm sai, trái pháp luật công ty phải bồi thường cho người lao động và nhận người lao động vào vị trí công việc cũ đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động trong thời gian chấm dứt hợp đồng lao động.


Anh Khuất Đình Tâm (Hợp tác xã nông nghiệp Tích Giang): Bạn tôi làm việc ở một Công ty đã 6 tháng nhưng chưa ký Hợp đồng lao động, vậy có đúng không, Công ty có vi phạm luật không?

Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Đây là nội dung rất nhiều người lao động quan tâm. Hợp đồng lao động là việc đầu tiên để xác nhận quan hệ lao động. Nếu người sử dụng lao động không kí với mình thì nên từ chối công việc đó.

Trong trường hợp bạn chia sẻ, người sử dụng lao động đã sai và có thể bị phạt theo từng trường hợp cụ thể.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Chị Cao Thị Bích Duyên – Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học trị trấn Phúc Thọ đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chị Trần Thị Hợp (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Tam Hiệp): Thưa chuyên gia, tôi có một người bạn đang có nhu cầu chuyển chỗ ở và thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu. Bạn tôi được đơn vị bảo hiểm nói sẽ trả lời việc này vào quý sau, vậy BHXH trả lời như vậy có đúng không?

- Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Luyến: BHXH đã trả lời thay đổi nơi khám chữa bệnh sẽ bắt đầu từ đầu tháng là chính xác. Bởi theo quy định, việc thay đổi thông tin nơi khám chữa bệnh ban đầu sẽ được thực hiện từ ngày 1 đến hết tháng của quý đó.


- Anh Khuất Văn Tám (UBND xã Phúc Hòa): Xin hỏi các chuyên gia, trong quá trình làm việc mà người lao động phát hiện ra nguy cơ mất an toàn lao động thì phải báo cáo với ai? Nếu báo cáo rồi mà tình trạng mất an toàn vẫn diễn ra thì phải làm thế nào?

Đang giao lưu trực tuyến: Giải đáp chế độ, chính sách mới đối với người lao động

- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Trong quá trình lao động sản xuất, việc phòng ngừa nguy cơ tai nạn là vô cùng cần thiết. Khi người lao động phát hiện ra sự cố, nguy cơ mất an toàn lao động thì phải báo cáo cho người phụ trách trực tiếp, người phụ trách an toàn toàn lao động hoặc chủ sử dụng lao động. Tại nơi không có quan hệ động thì báo cho chính quyền địa phương.

Trong trường hợp đã báo mà tình trạng mất an toàn vẫn diễn ra, người lao động có quyền từ chối hoặc rời khỏi công việc mà vẫn được trả lương, không bị xem là mất kỷ luật lao động, cho đến khi các điều kiện về an toàn lao động được khắc phục.

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Về quy trình, khi phát hiện nguy cơ tai nạn lao động đe dọa đến tính mạng người lao động có quyền từ chối hoặc rời khỏi công việc sau đó báo cho người quản lý trực tiếp của mình và từ chối quay trở lại làm việc nếu mối nguy hiểm chưa được khắc phục.


- Một bạn đọc hỏi: Hiện nay có tình trạng nhiều người lao động rút BHXH một lần. Xin chuyên gia cho biết, ưu và nhược điểm của việc rút BHXH một lần?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Anh Nguyễn Văn Lương - Quỹ Tín dụng xã Phúc Hòa đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Luyến: Người lao động không nên thanh toán BHXH một lần, nên để đủ 20 năm mới thanh toán bảo hiểm để được hưởng đầy đủ các chế độ.

Khi thanh toán BHXH một lần người lao động sẽ bị thiệt nhiều. Trong đó, người lao động không thu được đủ số tiền tham gia bảo hiểm. Hết tuổi lao động không được hưởng quyền lợi như: Bảo hiểm y tế trọn đời, lương hưu; nếu không may mất thì sẽ không được hưởng mai tang phí…

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung: Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, sắp tới sẽ có những chính sách như kéo dài thời gian được rút BHXH, nhằm hạn chế người lao động rút BHXH nhiều như hiện nay.


- Chị Đỗ Thị Hợi (Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Liên Hiệp): Đơn vị tôi có trường hợp người lao động tham gia BHXH 19 năm 2 tháng, xin hỏi trường hợp này có được thanh toán bảo hiểm 1 lần không và cách tính thế nào, gặp cơ quan nào để được giải quyết?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Chị Trần Thị Luận – Chủ tịch Công đoàn trường THCS Thượng Cốc đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Với thời gian như vậy, thì trường hợp người lao động mà bạn hỏi còn thiếu 10 tháng tham gia BHXH bắt buộc nữa thì đủ điều kiện về hưu. Người lao động đó nên đóng BHXH tự nguyện thêm 10 tháng nữa để hưởng chế độ hưu trí sẽ có lợi hơn chứ không nên rút BHXH một lần.

- Chuyên gia Hồ Kim Ngân bổ sung: Việc rút BHXH một lần không phải bây giờ mới xảy ra mà đã có từ lâu do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, việc rút BHXH một lần người lao động sẽ có nhiều thiệt thòi về quyền lợi như: Số tiền được hưởng thấp hơn tiền lương thực tế, không được được chính sách bảo hiểm y tế, cũng như các các chế độ như ốm đau, thai sản, các phúc lợi ngắn hạn khác của Nhà nước, Công đoàn … do dó, theo tôi người lao động không nên rút BHXH một lần.

Đối với trường hợp chị hỏi, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì phải sau một năm nữa mới biết trường hợp đó có đủ điều kiện rút BHXH một lần không vì theo quy định người lao động ngừng tham gia BHXH bắt buộc thì cơ quan BHXH sẽ bảo lưu sau một năm, trong thời gian một năm đó nếu người lao động tiếp tục ký hợp đồng lao động và tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ không đủ điều kiện hưởng BHXH một lần.

Nhưng như tôi đã phân tích ở trên, cũng giống như ý kiến chuyên gia Tạ Văn Dưỡng, bạn nên tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thêm 10 tháng nữa để đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn là rút BHXH một lần. BHXH tự nguyện hiện nay rất thông thoáng, luôn tạo điều kiện cho người lao động.


- Chị Trọng Thị Huệ (Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Hát Môn): Anh A là 1 công nhân làm việc theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, tiền lương được trả hàng tháng là 5 triệu đồng. Nhưng tháng trước anh A làm hư hỏng thiết bị tại công ty và được xác định giá trị hư hỏng là 4 triệu đồng. Giám đốc Công ty đã ra quyết định yêu cầu anh A bồi thường và phải trả 1 lần trong tháng. Vậy quyết định của giám đốc công ty như vậy là đúng hay sai?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Anh Khuất Đình Tâm – Hợp tác xã nông nghiệp xã Tích Giang đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương, mức khấu trừ không quá 30% tiền lương hàng tháng cho đến khi đền bù đủ giá trị thiệt hại.

Đối chiếu với trường hợp bạn hỏi, anh A vô ý gây thiệt hại trị giá 4 triệu đồng là không phải thiệt hại nghiêm trọng và Công ty yêu cầu bồi thường luôn 1 lần trong tháng vậy là Công ty thực hiện chưa đúng quy định.


- Chị Nguyễn Thị Vân Anh (Công đoàn Trường Tiểu học Hát Môn): Người thân của tôi làm cho công ty được 16 năm, giờ thanh toán bảo hiểm thất nghiệp thì có được lấy 1 lần không? Hàng tháng thì chế độ tính như thế nào?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Chị Đỗ Thị Hợi – Phó Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Liên Hiệp đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Luyến: Bảo hiểm thất nghiệp là để phòng ngừa trong khoảng thời gian thất nghiệp. Đối với người lao động tham gia BHXH, nếu đóng cả 16 năm Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng tối đa 12 tháng lương. Và người lao động không được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp một lần, mà hưởng hàng tháng. Người lao động sẽ tới Trung tâm giới thiệu việc làm để được hướng dẫn các thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, người lao động sẽ được cấp thẻ Bảo hiểm y tế trong quá trình hưởng Bảo hiểm thất nghiệp.


- Chị Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoàng Nguyên): Xin chuyên gia cho biết, việc người sử dụng lao động sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng với người lao động cần phải đảm bảo những quy định nào?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Chị Trần Thị Hợp – Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Tam Hiệp

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Bạn phải làm rõ các trường hợp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và sa thải.

Trước tiên, doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc (doanh nghiệp cần phải xây dựng quy chế đánh giá mức độ công việc để làm căn cứ); người lao động ốm đau điều trị dài ngày mà không hồi phục, nghỉ dài ngày liên tục; thiên tai, dịch bệnh, địch họa, sắp xếp lại doanh nghiệp (nếu đơn phương chấm dứt từ 2 người trở lên thì doanh nghiệp phải phối hợp với công đoàn xây dựng phương án sử dụng lao động, niêm yết cho người lao động được biết); người lao động đủ chế độ hưu trí; người lao động gian dối trong thủ tục tuyển dụng.

Doanh nghiệp có quyền sa thải lao động trong các trường hợp người lao động vi phạm kỷ luật lao động như: Người lao động cờ bạc, rượu chè, đánh nhau; người lao động nghỉ việc không có lý do chính đáng (5 ngày cộng dồn trong 30 ngày và 20 ngày cộng dồn trong 365 ngày); lạm dụng tình dục; tiết lộ bí mật kinh doanh công nghệ…


- Chị Nguyễn Thị Hiệp (Trường Mầm non Vân Phúc): Một lao động nữ nuôi con 7 tháng tuổi, đang trong chế độ nuôi con nhỏ, quản lý của Công ty lại xếp lịch làm thêm từ 15h-22h. Tôi muốn hỏi việc xếp lịch như vậy là đúng hay sai?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Chị Trịnh Thị Hợp – Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Thanh Đa đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, đối với lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì doanh nghiệp không được bố trí làm thêm giờ, làm ca đêm, đi công tác xa nếu người lao động nữ đó không đồng ý.

- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân bổ sung: Trong trường hợp bạn hỏi là có đúng hay không thì tôi chia sẻ thêm như sau. Giờ làm thêm theo quy định là từ 22h-6h sáng hôm sau, như vậy, trong trường hợp bạn hỏi, giờ làm việc từ 15h-22h là giờ làm việc bình thường theo ca của doanh nghiệp. Cho nên việc sắp xếp đấy không phải làm thêm.


- Chị Doãn Thị Điều (Công đoàn xã Vân Nam): Xin hỏi các chuyên gia, trường hợp nào người lao động không được bồi thường từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Chị Trọng Thị Huệ - Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Hát Môn đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ bồi thường tai nạn lao động khi bị tai nạn lao động: Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.


- Anh Khuất Duy Hải (Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thượng Cốc): Tôi được biết sắp tới sẽ triển khai việc hưởng lương theo vị trí việc làm, vậy hệ số và thăng hạng còn ý nghĩa khi triển khai việc hưởng lương này?

- Chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân: Theo Nghị quyết 27/NQ-CP về cải cách tiền lương, hướng tới xây dựng vị trí việc làm và sẽ trả lương theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, do 2 năm Covid-19 vừa rồi thì Nghị quyết 27 vẫn chưa được thông qua và chưa được thực hiện, sẽ tiếp tục nghiên cứu đề án đến năm 2023.

Về nguyên tắc sẽ trả lương theo vị trí việc làm và không tính thâm niên. Khi chúng ta chuyển đổi như thế thì một trong những nguyên tắc của cải cách tiền lương thì không giảm quyền lợi của người đang được hưởng.


- Chị Nguyễn Thị Tuyết (Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Long Xuyên): Trong thời gian nghỉ thai sản, giáo viên nghỉ trùng với nghỉ hè thì được hưởng chế độ như thế nào?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách mới với người lao động
Anh Khuất Duy Hải – Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Thượng Cốc

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Nếu giáo viên nghỉ thai sản trong thời gian hè thì giáo viên đó chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản (6 tháng), không được cộng bù thời gian nghỉ hè.


- Một bạn đọc hỏi: Một người lao động đi làm tăng ca, lúc từ công ty về nhà, có ghé vào quán nhậu, uống 1 vài chén, sau đó đi về bị tại nạn. Trường hợp này có được hưởng chế độ về tai nạn lao động không?

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Điều kiện cần đã đủ rồi, đó là bị tai nạn trên đường đi làm về nhà. Tuy nhiên, có 1 yếu tố như chuyên gia Hồ Thị Kim Ngân đã chia sẻ 1 trong số các yếu tố không được hưởng chế độ bảo hiểm đó là sử dụng chất kích thích (rượu, bia). Trong trường hợp này, chúng ta phải điều tra chính xác nguyên nhân trực tiếp vụ tai nạn này có phải do uống rượu, bia hay không. Tất cả các sự cố, vụ tai nạn liên quan đến người lao động đều phải được điều tra và kết luận. Nếu uống rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn thì không được hưởng chế độ.

11h00: Bế mạc chương trình

Phát biểu bế mạc cuộc Giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc cho biết: Sau khoảng thời gian hơn 2 giờ, buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay đã thành công tốt đẹp.

Đây là buổi Giao lưu trực tuyến thứ 4 mà báo Lao động Thủ đô tổ chức trong năm 2022, cũng là lần thứ 4 chúng tôi phối hợp với LĐLĐ huyện Phúc Thọ tổ chức hoạt động này. Mỗi lần tới Phúc Thọ, chúng tôi luôn gặp được không khí vô cùng sôi nổi, hào hứng, chứng tỏ các buổi giao lưu trực tuyến rất thiết thực và cuốn hút đối với cán bộ đoàn viên, CNVCLĐ huyện Phúc Thọ.

Tai buổi giao lưu hôm nay, Ban tổ chức đã nhận được khoảng 40 câu hỏi trực tiếp tại hội trường và trên 100 câu hỏi gửi trực tuyến qua hộp thư điện tử của báo Lao động Thủ đô, tập trung vào những vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến người lao động như: Chế độ chính sách đối với người bị nhiễm Covid-19, bảo hiểm y tế, BHXH, hợp đồng lao động, đặc biệt còn có cả những vấn đề nóng hổi là về an toàn lao động nhân dịp Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động đang tới gần. Đa số câu hỏi đã được giải đáp thỏa đáng.

Do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, chúng tôi sẽ gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên báo Lao động Thủ đô. Bạn đọc có thể tiếp tục gửi các thắc mắc đến báo Lao động Thủ đô để chúng tôi gửi các cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng.

Nhóm PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này