Khu vực Bắc Trung Bộ là động lực thi đua của cả nước trong Chương trình “1 triệu sáng kiến”

09:15 | 17/04/2022
(LĐTĐ) Trải qua 227 ngày triển khai thực hiện, Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” đã đạt được con số gần 150 nghìn sáng kiến, đạt 50% kế hoạch. Đóng góp vào kết quả trên, nhiều tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đang đứng trong Top đầu, là động lực cho các địa phương trên địa bàn cả nước.
Công nhân Sakurai Việt Nam đóng góp hơn 500 sáng kiến vào Chương trình “1 triệu sáng kiến” Công đoàn Thủ đô triển khai hiệu quả Chương trình 1 triệu sáng kiến Công nhân, viên chức, lao động Thủ đô bứt phá, xếp thứ hai toàn quốc trong Chương trình 1 triệu sáng kiến

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị thực hiện các chỉ đạo về công tác thi đua khen thưởng và tham gia ý kiến một số định hướng phục vụ xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 tại khu vực Bắc Trung Bộ. Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì.

Tham dự có các đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng; Nguyễn Văn Toản - Phó Chánh Văn phòng; đại diện Thường trực 6 LĐLĐ tỉnh Bắc Trung Bộ và LĐLĐ tỉnh Ninh Bình.

Khu vực Bắc Trung Bộ là động lực thi đua của cả nước trong Chương trình “1 triệu sáng kiến”
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì Hội nghị.

Nhiều giải pháp sáng tạo thúc đẩy Chương trình

Tại Hội nghị, đại diện Thường trực 6 LĐLĐ tỉnh Bắc Trung Bộ đã cùng thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (Chương trình 1 triệu sáng kiến”).

Đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến ngày 13/4/2022, Nghệ An đã có 13.386 lượt nộp sáng kiến (đạt 446,2% giai đoạn 1), xếp thứ ba toàn quốc. Để đạt được kết quả đó, các cấp Công đoàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp tích cực như: Tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm của Chương trình “75 nghìn sáng kiến”; xây dựng kế hoạch thực hiện, ban hành tài liệu, hướng dẫn cụ thể, chi tiết, nhất là về cách thức, phương pháp thực hiện; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để chỉ đạo thực hiện Chương trình; phân công các đồng chí thường trực, thường vụ đến các cụm thi đua để chỉ đạo triển khai, lắng nghe ý kiến từ cơ sở…

Công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức như: Tận dụng tối đa hiệu quả mạng xã hội và báo chí, thiết kế phương tiện truyền thông đa dạng, biểu dương hàng tuần, liên tục cập nhật…

“Để triển khai, hướng dẫn thực hiện tốt Chương trình, cán bộ công đoàn phải làm trước, làm mẫu nên chúng tôi tổ chức phát động ngay tại Công đoàn cơ quan. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, các ngành, các tổ chức liên quan để thực hiện, đơn cử như phối hợp với Tỉnh đoàn, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh để phát động tham gia Chương trình nhằm phát huy sức trẻ, sức mạnh khối doanh nghiệp”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Là đơn vị đang dẫn đầu cả nước với 31.293 sáng kiến cập nhật trên Cổng trực tuyến, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cũng có những cách làm riêng để thu hút người lao động quan tâm, hưởng ứng. Cụ thể, LĐLĐ tỉnh đã gắn chương trình “1 triệu sáng kiến” với phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng”, giai đoạn 2021-2030; với thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn, việc triển khai chương trình được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Công đoàn từ tỉnh đến huyện đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác để hướng dẫn đoàn viên, người lao động tham gia cuộc thi.

“Đối với Thanh Hóa, các sáng kiến tập trung nhiều ở khối doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức biểu dương, khen thưởng và tặng các món quà ý nghĩa cho người lao động có sáng kiến nổi bật.”, đồng chí Võ Mạnh Sơn cho biết.

Khu vực Bắc Trung Bộ là động lực thi đua của cả nước trong Chương trình “1 triệu sáng kiến”
Toàn cảnh Hội nghị.

Đến với chương trình “1 triệu sáng kiến”, Hà Tĩnh là tỉnh nhỏ với tổng số 69.000 đoàn viên, nhưng đến ngày 15/4 đã đóng góp 8.973 sáng kiến, xếp thứ tư toàn quốc. Đồng chí Ngô Đình Vân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Kinh nghiệm của Hà Tĩnh là phải giao chỉ tiêu cụ thể cho các cấp Công đoàn, phân công cán bộ quản trị, tập hợp, thống kê sáng kiến của các đơn vị để báo cáo thường xuyên với Ban Thường vụ. Để tăng số lượng sáng kiến và sáng kiến có chất lượng, LĐLĐ tỉnh đã làm việc với Sở Y tế để đề nghị chỉ đạo các bệnh viện tổ chức phát động sáng kiến. LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu Tháng Công nhân năm 2022 sẽ hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 1”.

Tại Hội nghị, đại diện 6 LĐLĐ tỉnh Bắc Trung Bộ và LĐLĐ tỉnh Ninh Bình cũng nêu những khó khăn, hạn chế khi thực hiện chương trình, như: Hệ thống phần mềm đăng ký sáng kiến đôi lúc bị lỗi, nhiều người lao động có sáng kiến nhưng doanh nghiệp sợ lộ thông tin nên không muốn để người lao động tham gia hoặc để cho Công đoàn tuyên truyền; khi người lao động tại doanh nghiệp có sáng kiến, doanh nghiệp thường ghi nhận và khen thưởng bằng tiền và không tổ chức hội đồng đánh giá sáng kiến…

Cán bộ Công đoàn đã khơi dậy tinh thần, khát vọng sáng tạo cho đoàn viên

Ghi nhận ý kiến của các tỉnh và trả lời ngay nhiều vấn đề các đại biểu thắc mắc, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, trải qua 227 ngày, chương trình Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” đã đạt được con số 145 nghìn sáng kiến, đạt 50% kế hoạch.

Theo đồng chí Trần Thanh Hải, đến 1/9/2023, thứ hạng của các địa phương có thể thay đổi nhưng hiện nay khu vực Bắc Trung Bộ đang là động lực cho các địa phương trên địa bàn cả nước. Từ những đơn vị dẫn đầu đã phản ánh tinh thần trách nhiệm, năng lực sáng tạo, tính chuyên nghiệp của cán bộ chuyên trách công đoàn.

Đồng chí Trần Thanh Hải cũng biểu dương sự nỗ lực của LĐLĐ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tỉnh này luôn thực hiện chương trình nghiêm túc, trách nhiệm.

Nhấn mạnh ý nghĩa của Chương trình "1 triệu sáng kiến" đối với quá trình phục hồi kinh tế và nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn, đồng chí Trần Thanh Hải nói: "Phải làm sao để nói đến Chương trình "1 triệu sáng kiến" là đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, chính quyền các cấp biết rằng đây là chương trình ý nghĩa của tổ chức Công đoàn. Không chỉ chương trình này, mà các phong trào thi đua khác, phải làm sao để thấy tự hào khi được đạt thành tích, được biểu dương, khen thưởng. Khi đó, vai trò, vị thế của Công đoàn được nâng lên".

Đối với vai trò của cán bộ công đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn khơi dậy được tinh thần, khát vọng sáng tạo, truyền cảm hứng sáng tạo cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Và khi làm được điều đó rồi, thì phải đẩy mạnh truyền thông, phải lan tỏa được quá trình sáng tạo của người lao động để họ tự hào, chung sức khôi phục kinh tế, đóng góp tích cực cho xã hội.

"Tôi kỳ vọng sự cố gắng, quyết tâm, sáng tạo, đồng bộ của đội ngũ cán bộ công đoàn 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục là nhân tố quan trọng dẫn dắt, tạo nên thành công của Chương trình" - đồng chí Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tính đến ngày 15/4, cả nước có gần 150 nghìn sáng kiến được cập nhật tại Cổng trực tuyến https://congdoanvietnam.org. Trong đó, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và Ninh Bình có vị trí như sau: LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa với 31.035 lượt nộp sáng kiến, 9.988 người đăng sáng kiến, khẳng định vị trí đứng đầu trong suốt 3 tháng qua; LĐLĐ tỉnh Nghệ An với 13.626 sáng kiến khẳng định vị trí thứ ba toàn quốc. LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh với 8.761 lượt sáng kiến khẳng định vị trí thứ tư toàn quốc. Ngoài ra, LĐLĐ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng đang nỗ lực bứt phá.

N.Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này