"Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội" năm 2022: Liên kết để phát triển du lịch

09:15 | 17/04/2022
(LĐTĐ) Tối qua (16/4), tại Vườn hoa - Tượng đài Lý Thái Tổ đã diễn ra lễ khai mạc "Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội" năm 2022.
Huyện Ba Vì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch năm 2022 Tăng cường liên kết giữa các ngành để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam Những gợi ý đi cắm trại quanh Hà Nội dịp Giỗ Tổ

Sự kiện nằm trong Chương trình "Qua những miền di sản Việt Bắc", được tổ chức hằng năm nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển văn hóa du lịch giữa 6 tỉnh vùng Việt Bắc: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Tới dự sự kiện, về phía Trung ương, có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Về phía Hà Nội, dự sự kiện có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Quí Tiên.

Cùng dự có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo các tỉnh: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Các đại biểu cắt băng khai mạc. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Năm 2022 là năm thứ 13 chương trình "Qua miền di sản Việt Bắc" được tổ chức, với dấu ấn đặc biệt là các chương trình hợp tác mở rộng của 6 tỉnh Việt Bắc và thành phố Hà Nội, trong đó, Tuần văn hóa du lịch là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động liên kết hợp tác phát triển văn hóa du lịch giữa các tỉnh Việt Bắc và Hà Nội trong năm 2022, do tỉnh Hà Giang là đơn vị trưởng nhóm.

Theo đó, "Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội" năm 2022 diễn ra từ ngày 15 đến 17/4 tại nhiều khu vực thuộc không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá sắc màu văn hóa đa dạng và độc đáo của các tỉnh Việt Bắc, như: Không gian giới thiệu di sản văn hóa, sản vật đặc trưng tại khu vực Nhà Bát giác; giới thiệu mô hình điểm đến di sản tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại không gian vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng; trưng bày tranh, ảnh giới thiệu về văn hóa, du lịch các tỉnh Việt Bắc tại khu vực vườn hoa - tượng đài Lý Thái Tổ; triển lãm ảnh phong cảnh đặc sắc của các miền di sản Việt Bắc... Bên cạnh những sản phẩm văn hóa tiêu biểu, công chúng và du khách còn có cơ hội thưởng thức đặc sản, trải nghiệm nghệ thuật dân ca, dân vũ của đồng bào các tỉnh Việt Bắc...

Tham gia "Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội" năm nay, thành phố Hà Nội tổ chức trưng bày tranh, ảnh, mô hình về lịch sử, văn hóa Thủ đô; tham gia chương trình biểu diễn nghệ thuật chung tại khu vực sân khấu chính trong các tối 15 và 16/4.

Chương trình văn nghệ tại Lễ khai mạc. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Cụ thể hóa nội dung hợp tác giữa các địa phương, chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã trải qua 13 năm luân phiên tổ chức giữa các tỉnh trong nhóm hợp tác, trở thành sự kiện thường niên, góp phần tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch liên vùng, thúc đẩy khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về du lịch các địa phương.

Đây đồng thời là sự kiện lần đầu tiên do các tỉnh Việt Bắc phối hợp tổ chức ngoài khu vực nhằm nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch vùng Việt Bắc thông qua tổ chức sự kiện chung, gắn kết, lồng ghép với các chuỗi sự kiện của các địa phương.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của du khách, các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư tại Hà Nội, đồng thời thúc đẩy hợp tác liên kết du lịch giữa thành phố Hà Nội và các địa phương.

Cũng tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, điểm đến du lịch, điểm trung chuyển khách du lịch quốc tế hàng đầu cả nước. Sự liên kết giữa 6 tỉnh Việt Bắc với Hà Nội sẽ tạo nên thế mạnh tổng thể phát triển du lịch cả vùng.

Sự phục hồi du lịch của 6 địa phương Việt Bắc và Hà Nội đồng thời tác động lan tỏa, thúc đẩy du lịch của các địa phương lân cận cũng như các liên minh, liên kết vùng khác phát triển.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các tỉnh Việt Bắc chú trọng thực hiện các từ khóa của du lịch Việt Nam năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “kết nối,” “hòa bình,” “xanh hóa," “số hóa."

Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh hoàn thiện cơ chế liên kết vùng để phát triển du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả, đồng thời, tập trung xây dựng môi trường "du lịch xanh” đúng như chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2022, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Các tỉnh cũng thực hiện kiểm tra, rà soát các điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ nhằm đảm bảo chất lượng, đáp ứng việc mở cửa lại hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Trong những năm qua, lĩnh vực du lịch dịch vụ trở thành trọng điểm của khu vực với hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, tiêu biểu như: Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn; Khu di tích quốc gia Bắc Bó, Thác Bản Giốc; Hồ Ba Bể Bắc Kạn; Hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa Thái Nguyên; Di tích lịch sử đặc biệt Tân Trào; Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì…

Đến với Việt Bắc, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, du lịch mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Lô Lô cùng rất nhiều dân tộc thiểu số khác được thể hiện qua các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, chợ phiên vùng cao.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này