Khai mạc diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 2022: Kinh tế số, động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai

20:03 | 15/04/2022
(LĐTĐ) Ngày 15/4, tại Diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) 2022 với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, kinh tế TP.HCM đang phục hồi mạnh mẽ sau môt năm bị khủng hoảng vì Covid-19.
TP.HCM: Ra quân bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp lễ 30/4-1/5 và SEA Games 31 Sở Y tế nói gì trước thực trạng hành nghề thẩm mỹ "chui" tại TP.HCM? TP.HCM: Đường thành sông sau trận mưa lớn kéo dài 30 phút

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian đầu, kinh tế bị đứt gãy nhưng các quận, huyện, doanh nghiệp đã thích ứng, sử dụng ứng dụng số để giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh.

"Chúng ta đang sống trong thế giới có 2 nền kinh tế, đó là kinh tế số và kinh tế truyền thống. Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ và áp đảo kinh tế truyền thống", ông Nên nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% trong tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM. Đến năm 2030, mục tiêu TP.HCM sẽ trở thành Thành phố dịch vụ công nghiệp, trung tâm kinh tế tài chính của khu vực Đông Nam Á và kinh tế số chiếm 40% GRDP.

Khai mạc diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 2022: Kinh tế số, động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai
Toàn cảnh tại hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông chiều 15/4.

"TP.HCM đã xây dựng kế hoạch hành động, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi và giảm thiểu tác động do đại dịch. Diễn đàn kinh tế có ý nghĩa quan trọng, chúng tôi mong mốn lắng nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tìm kiếm mô hình thúc đẩy chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.HCM trước mắt và lâu dài", Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM, đánh giá Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần này là diễn đàn của sự hành động, đồng thời khẳng định tiềm năng và lợi thế của TP.HCM trong phát triển nền kinh tế số.

Ông cho rằng TP.HCM là đầu tàu của cả nước, cần phải tiếp cận kịp thời xu thế phát triển của thế giới. Diễn đàn này là một cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế số. Ông Thắng cũng chỉ ra những vấn đề TP.HCM nên tập trung để phát triển kinh tế số.

Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế, trọng tâm hoàn chỉnh quy định pháp luật. Thứ hai là xây dựng thể chế theo đổi mới sáng tạo, mà cụ thể hơn là khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Thứ ba, trọng tâm phát triển hạ tầng như hạ tầng giao thông, đô thị, giáo dục, đào tạo… Bên cạnh công ty đổi mới sáng tạo, hệ thống tài chính số, công nghệ tài chính cũng phải đi theo.

"Phát triển đô thị phải thu hút được những nhà khoa học, doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số này. Phải có tầm nhìn toàn cầu, tư duy quốc gia và hành động của địa phương trên tiềm năng, vị trí của mình nên tiếp tục thế nào để giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước", ông Thắng cho biết.

Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm nay với chủ đề kinh tế số, TP.HCM kỳ vọng thông qua diễn đàn sẽ xác định được tầm nhìn và đưa ra thông điệp của Thành phố về định hướng xây dựng, phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh.

Với quy mô đô thị hơn 10 triệu người, TP.HCM đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi hội tụ gần 40% số lượng doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp và nhất là tiềm lực về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo.

Khai mạc diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 2022: Kinh tế số, động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: TP.HCM kỳ vọng thông qua diễn đàn sẽ xác định được tầm nhìn và đưa ra thông điệp của Thành phố về định hướng xây dựng, phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh.

TP.HCM đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025 là TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đến năm 2030, mục tiêu của TP.HCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

TP.HCM sẽ triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố giai đoạn 2020-2030" để thúc đẩy đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.

TP.HCM đã và đang triển khai nhiều chính sách, đồng thời xây dựng các giải pháp để phát huy tính năng động của người dân với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, cải cách hiệu quả các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đât đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…

TP.HCM sẽ hợp tác chuyển đổi số với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát triển đồng bộ hạ tầng số, nghiên cứu để triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng, xây dựng kho dữ liệu dùng chung, mở để cho người dân và doanh nghiệp tham gia và khuyến khích sáng tạo.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này