Giao lưu trực tuyến: Người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách gì?

08:36 | 15/04/2022
(LĐTĐ) Bắt đầu từ 8h30 phút sáng nay (15/4), tại phòng họp của Quận ủy Hoàng Mai diễn ra buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động bị nhiễm Covid-19”, do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàng Mai tổ chức.
Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động bị nhiễm Covid-19 Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại về chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe cho người lao động bị nhiễm Covid-19 Giao lưu trực tuyến: Chế độ, chính sách cho người lao động bị nhiễm Covid-19

Hoạt động này nằm trong chương trình công tác năm 2022 của báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Hoàng Mai nhằm thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ thành phố Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến kiến thức mọi mặt, đặc biệt là kiến thức pháp luật, kiến thức chăm sóc sức khỏe, các chế độ chính sách liên quan tới người lao động.

Giao lưu trực tuyến: Người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách gìGiao lưu trực tuyến: Người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách gì
Đại biểu tham dự buổi giao lưu.

Đây cũng là hoạt động thiết thực của báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Hoàng Mai chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc tế Lao động (1/5), hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2022.

Đến dự buổi Giao lưu trực tuyến có các đồng chí: Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; Dương Tuyết Mùi - Phó Trưởng phòng Lao động tiền lương và BHXH (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố Hà Nội).

Về phía đơn vị tổ chức có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Bùi Thị Ngọc Thuỷ - Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid 19
Đoàn viên, người lao động thực hiện 5K trước khi vào hội trường.

Buổi Giao lưu trực tuyến còn có sự hiện diện đại diện các ban của LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của gần 200 đoàn viên, người lao động quận Hoàng Mai.

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động có các chuyên gia: Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội.

08h30: Phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hôm nay, tại LĐLĐ quận Hoàng Mai, báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Hoàng Mai, tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chế độ, chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19”.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh phát biểu khai mạc buổi Giao lưu trực tuyến.

“Đây là hoạt động thiết thực của báo Lao động Thủ đô, LĐLĐ quận Hoàng Mai chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc tế Lao động (1/5), hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2022”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Tuấn Anh cũng cho biết: Thời gian qua, rất nhiều người lao động đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có nhiều người bị mắc Covid-19, do đó, buổi giao lưu trực tuyến hôm nay nhằm trang bị, cập nhật tới đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và cả người sử dụng lao động kiến thức pháp luật nói chung, nhất là những quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động bị mắc Covid-19; giải đáp những băn khoăn về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình sau khi mắc Covid-19.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn được giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về lao động, các chế độ, chính sách đối với người lao động như: Chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động… để người lao động/người sử dụng lao động hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật để cùng xây dựng quan hệ lao động hài hòa”, ông Tuấn Anh cho hay.

08h35: Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Bùi Thị Ngọc Thủy - Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai cho biết, trong thời gian qua, phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), hoạt động Công đoàn Hoàng Mai đạt nhiều kết quả quan trọng, qua đó khẳng định được vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị. LĐLĐ quận đã chú trọng thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, văn nghệ thể dục thể thao, chăm lo toàn diện đời sống vật chất tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Bà Bùi Thị Ngọc Thủy – Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai phát biểu tại buổi Giao lưu.

Riêng trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, LĐLĐ quận Hoàng Mai đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, chia sẻ, hỗ trợ đoàn viên, người lao động và đồng hành với doanh nghiệp vượt khó, duy trì sản xuất kinh doanh, qua đó lan tỏa rộng rãi hình ảnh đẹp của tổ chức Công đoàn.

“Hiện nay, dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng ta trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên, việc tuyên truyền chế độ, chính sách đối với người lao động nói chung, những chế độ chính sách đối với người lao động bị nhiễm Covid-19 nói riêng, và những vấn đề khác như chăm sóc sức khỏe khi bị Covid-19, hậu Covid-19… là những vấn đề cấp bách, thiết thực với đoàn viên người lao động. Thay mặt LĐLĐ quận Hoàng Mai, tôi xin chân thành cảm ơn báo Lao động Thủ đô đã phối hợp, tạo điều kiện để các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chính sách pháp luật, chăm sóc sức khỏe tới dự, trực tiếp trao đổi, tư vấn về các chế độ chính sách liên quan tới người lao động, việc chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho người lao động bị nhiễm Covid-19”, bà Bùi Thị Ngọc Thủy nói.

Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai đề nghị cán bộ đoàn viên thẳng thắn mạnh dạn nêu câu hỏi còn băn khoăn, vướng mắc, những vấn đề mà mỗi đoàn viên, đồng nghiệp, người thân mắc phải sau khi mắc Covid-19 để hiểu rõ hơn, kỹ hơn và có thể bảo đảm quyền lợi cũng như chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19.

08h40: Phát biểu chỉ đạo tại cuộc Giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng chia sẻ, hoạt động phối hợp của báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ quận Hoàng Mai tổ chức là rất đáng ghi nhận. Góp phần không nhỏ trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố Lê Đình Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi Giao lưu.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, hoạt động này rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn các chế độ, chính sách pháp luật hỗ trợ đối với người lao động, để đảm bảo được quyền lợi của mình đồng thời có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe của bản thân, người thân và gia đình nếu không may bị nhiễm Covid-19. Và đặc biệt, người lao động sẽ hiểu hơn về quyền lợi khi tham gia BHXH để có lựa chọn đúng đắn.

Nhấn mạnh 3 chuyên gia của chương trình là những người am hiểu về chính sách, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội mong muốn người lao động mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiến thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để thông tin đầy đủ tới đoàn viên công đoàn và người lao động.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Lãnh đạo báo Lao động Thủ đô, LĐLĐ quận Hoàng Mai tặng hoa các chuyên gia tham dự giải đáp trong buổi giao lưu.

09h00: Các chuyên gia giải đáp câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, người lao động và bạn đọc

- Chị Nguyễn Bích Ngọc (Toyota Pháp Vân) hỏi: Nhà tôi có 2 cháu nhỏ bị mắc Covid-19 từ 15/2, tuy nhiên hiện tại Nhà nước triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em, vậy tôi có nên cho 2 cháu tiêm vắc xin hay không? Việc tiêm vắc xin cho các cháu có an toàn hay không?

Giao lưu trực tuyến: Người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách gì?

- Chuyên gia Khổng Minh Tuấn: Hiện nay, đối với vắc xin dùng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đã được Mỹ và rất nhiều nước châu Âu cấp phép. Việt Nam chúng ta cũng đã cấp phép cho vắc xin tiêm cho trẻ em. Việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi hoàn toàn giống như tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi hoặc người lớn.

Trên thực tế, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi và đến nay chưa có trường hợp nào bị phản ứng phụ. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Hiện nay, có 2 loại vắc xin được cấp phép triển khai cho trẻ em dưới 12 tuổi là Moderna và Pfizer. Đối với trường hợp con của bạn, cháu mới bị nhiễm Covid-19 hôm 15/2, theo quy định của Bộ Y tế, người lớn sau khi mắc Covid-19 nếu ổn định sức khỏe thì có thể tiêm ngay, còn trẻ em thì sau khi mắc bệnh đủ 3 tháng mới tiêm. Con bạn mắc bệnh 15/2 thì phải chờ đến 15/5 mới tiêm được.


- Chị Nguyễn Thị Hòa (Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Định Công): Cách đây nửa tháng tôi bị mắc Covid-19, sau đó tôi bị hụt hơi, khó thở, sức khỏe bị ảnh hưởng. Vậy, tôi có nên đi khám hậu Covid-19 hay không? Nếu không đi khám thì có phương pháp nào điều trị hay không?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Chị Nguyễn Bích Ngọc - Toyota Pháp Vân đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

Chuyên gia Khổng Minh Tuấn: Trong thực tế, bất kì người nào sau khi mắc các bệnh về truyền nhiễm cấp tính đến giai đoạn hồi phục thì các triệu chứng của bệnh vẫn còn tồn tại. Do đó, các yếu tố bệnh còn tiềm tàng trong cơ thể dẫn đến trạng thái mệt mỏi và các triệu chứng khác.

Tùy vào từng loại bệnh mà triệu chứng có thể kéo dài trong thời gian bao lâu, có thể là vài ngày thậm chí là nhiều tuần. Riêng về Covid-19, các triệu chứng sau cấp tính nhẹ hơn nhưng có thể kéo dài đến 6 tháng, tùy thuộc vào thể trạng của từng người.

Những triệu chứng sau Covid-19 rất nhiều, riêng về ho và rát họng bạn nên đi khám khi các triệu chứng nặng, ho quá nhiều ảnh hưởng hẳn đến giấc ngủ.

Về hụt hơi khi đi cầu thang nếu cảm giác này chỉ thoáng qua trong 1, 2 ngày thì hoàn toàn yên tâm, nhưng nếu kéo dài thì có thể không phải do ảnh hưởng của Covid-19, bạn có thể kiểm tra sức khỏe thêm về tim mạch, huyết áp.


- Chị Kiều Thị Hoàn (Công ty TNHH Trung Thành) hỏi: Liên quan tới việc tai nạn lao động, tôi xin hỏi các chuyên gia, trong trường hợp cơ quan đang nợ BHXH, mà người bị tai nạn sau khi được xác định là tai nạn lao động thì người lao động có được hưởng chế độ gì không?

Giao lưu trực tuyến: Người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách gì?

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm là có đóng có hưởng. Nếu đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH thì người lao động sẽ không được hưởng quyền lợi gì. Nếu sau đó đơn vị đóng đủ BHXH, hồ sơ tai nạn lao động vẫn còn đó thì chúng tôi sẽ hồi tố quyền lợi cho người lao động.

Trên thực tế, cũng có việc doanh nghiệp thực hiện tách đóng cho một số trường hợp và được BHXH giải quyết quyền lợi, nhưng chủ yếu là tách đóng để giải quyết quyền lợi hưu trí, quyền lợi thai sản chứ tôi chưa thấy trường hợp nào tách đóng để giải quyết quyền lợi về tai nạn lao động cả.

Câu chuyện ở đây là cần phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong đôn đốc, giám sát doanh nghiệp đảm bảo các chế độ chính sách cho người lao động, trong đó có việc thực hiện nghiêm chính sách về BHXH.


- Chị Lê Thị Nga (Cán bộ Công đoàn Công ty Xuất nhập khẩu và Thương mại Hòa Phát) hỏi:

1, Công ty tôi có một bác đã về hưu, xin làm tại công ty và không đóng BHXH. Đợt vừa qua bác bị Covid-19, vậy tôi muốn hỏi với trường hợp này sau khi bị Covid-19 có được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ Covid-19 hay không?

2, Một cán bộ nhân viên của công ty tôi về quê chữa Covid-19 nhưng không xin được giấy xác nhận của chính quyền. Vậy, với trường hợp này có được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ Covid-19 không thưa chuyên gia?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Đặng Ngọc Anh - Cán bộ Công đoàn trường tiểu học Giáp Bát đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu:

1, Trường hợp người lao động đã nghỉ hưu khi mắc Covid-19 thì hoàn toàn không có chế độ chính sách hỗ trợ Covid-19. Trường hợp này, Công ty nên xem xét và hỗ trợ cho người lao động.

2, Đối với trường hợp người lao động về quê và chữa Covid-19, nếu muốn được thanh toán các chế độ chính sách hỗ trợ Covid-19 của BHXH thì cần lưu ý, nếu điều trị tại bệnh viện phải có giấy ra viện; còn nếu điều trị ở nhà thì phải có giấy chứng nhận nghỉ việc của BHXH.


- Chị Nguyễn Bích Ngọc (Toyota Pháp Vân) hỏi: Với những trẻ sơ sinh mắc Covid-19, sau khi khỏi bệnh thì các cháu rất hay quấy khóc. Các chuyên gia có thể chia sẻ chế độ chăm sóc phù hợp cho các cháu? Sau khi mắc Covid-19 tôi bị mất ngủ thường xuyên, tôi có dùng một số sản phẩm thuốc như bổ não. Theo các chuyên gia, tôi nên dùng thuốc này trong bao lâu, dùng nhiều có ảnh hưởng gì không? Các thành viên trong gia đình tôi sau khi mắc Covid-19 đều bị đau đầu rất nhiều. Tôi có nên đưa cả nhà đi khám chuyên sâu không?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Anh Phạm Hùng Minh – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Khổng Minh Tuấn: Kể cả trẻ em và người lớn sau khi mắc Covid-19 đều gặp một triệu chứng đó là rối loạn giấc ngủ. Giấc ngủ không đảm bảo sẽ sinh ra cáu gắt, mệt mỏi. Đối với người lớn thì dễ nhận biết nhưng trẻ sơ sinh chỉ biết thể hiện qua tiếng khóc. Do đó, bạn nên theo dõi và có chế độ chăm sóc trẻ phù hợp.

Để cải thiện giấc ngủ, mọi người nên có kế hoạch sinh hoạt khoa học, tận dụng tối đa thời gian nghỉ ngơi, điều tiết nhịp sinh học. Mỗi người hãy luôn luôn lắng nghe cơ thể mình, cung cấp cho bản thân những kiến thức cơ bản về y tế. Tôi khuyên bạn nên dùng các thực phẩm hỗ trợ an thần, nếu dùng thuốc ngủ thì phải có chỉ định của bác sĩ.


- Một bạn đọc hỏi: 1, Gia đình tôi có cháu bị tim bẩm sinh và đã mổ. Cô giáo của cháu hỏi gia đình tôi cóđăng ký cho cháu tiêm vắc xin hay không khiến gia đình tôi rất băn khoăn. Tôi xin hỏi chuyên gia, gia đình tôi có nên cho cháu tiêm hay không?

2, Hiện nay tôi là Chủ tịch Công đoàn tại 1 trường mầm non công lập, chúng tôi nhận được thông báo được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi đã lập danh sách từ trước tết nhưng tới nay vẫn chưa có hồi âm. Tôi xin chuyên gia cho biết chúng tôi có nhận được khoản hỗ trợ này không?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Chị Đoàn Thị Hậu – Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non 10/10 đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Khổng Minh Tuấn: Việc tiêm vắc xin cho trẻ em chỉ chống chỉ định với các trường hợp như: Cơ địa dị ứng, mẫn cảm với một trong các thành phần của vắc xin. Thứ hai là các cháu đang phải dùng thuốc chống suy giảm miễn dịch. Còn lại những trường hợp khác chúng ta có thể tiêm được.

Với những trường hợp trẻ bị bệnh tim không nằm trong trường hợp chống chỉ định, chỉ tạm hoãn tiêm chủng khi trường hợp đó có bệnh cấp tính. Thông thường đối với những trường hợp trẻ đã được mổ tim thì sức khỏe gần như trở lại bình thường.

Tuy nhiên những trường hợp này, khi đến tiêm phải được khai báo cụ thể để các bác sĩ khám sàng lọc và cân nhắc cho trẻ tiêm hay không. Đồng thời, những trường hợp này sẽ được tiêm trong bệnh viện để đảm bảo an toàn.

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: Theo quy định, những người lao động trong các trường công lập là những đối tượng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.


- Chị Hoàng Thị Thu Hương (Trường Trung học cơ sở Hoàng Liệt) hỏi: Đầu tháng 12/2021, nhiều cán bộ giáo viên trường tôi bị mắc Covid-19 nhưng chưa được tiêm mũi 3. Sau khi khỏi bệnh đi khám thì nhiều đồng chí bị đông đặc phổi, ăn chậm tiêu, phát ban, ngứa, vậy có nên đi chụp CT hay không? Có nên kiểm tra sức khỏe trước khi nên tiêm mũi thứ 3 hay không?

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Chị Hoàng Thị Thu Hương – Trường Trung học cơ sở Hoàng Liệt đặt câu hỏi tại buổi giao lưu.

- Chuyên gia Khổng Minh Tuấn: Như ban đầu tôi đã nói, đối với những người mắc Covid-19, sức khỏe ổn định chúng ta có thể tiêm vắc xin. Tuy nhiên, khoảng cách các mũi phải tuân thủ theo đúng quy định theo từng loại vắc xin.

Thứ 2 là câu hỏi về các triệu chứng sau khi mắc Covid-19. Khi vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh cư trú ở vùng hô hấp. Đối với những chủng vi rút ban đầu thì sẽ cư trú chủ yếu ở đường hô hấp dưới dưới, với chủng mới Omicron thì cư trú ở hô hấp trên. Do vậy, khi 1 người mắc Covid-19 ngày trong 1, 2 ngày đầu tiên đã có thể lây lan rồi. Đối với những người đã bị đông đặc phổi, theo tôi, trước đó nếu mắc Covid-19 đã phải điều trị ở các cơ sở y tế rồi, ít nhất ở tầng 2 trở lên rồi.

Trong trường hợp bạn vừa chia sẻ, người mắc Covid-19 đã khỏi được 4 tháng rồi thì không thể có tình trạng đông đặc phổi được nữa.

Giao lưu trực tuyến: Người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách gì?
Các chuyên gia trả lời tại buổi giao lưu.

Hiện nay, nếu muốn kiểm tra các vấn đề về phổi, người bệnh có thể chụp CT để kiểm tra chính xác những tổn thương do phổi gây nên. Còn đối với trường hợp cụ thể, phải được khám mới có thể biết được chính xác. Tất nhiên, sau khi mắc Covid-19 thì cũng có rất nhiều triệu chứng. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên những người mắc Covid-19 là tinh thần là điều quan trọng nhất, không nên quá lo lắng.

Vấn đề mấu chốt vẫn là hãy tự lắng nghe cơ thể mình, các triệu chứng đó là do Covid-19 hay là các vấn đề của bệnh khác. Đừng cái gì cũng đổ lỗi cho Covid-19. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, nếu ai mắc Covid-19 mà quan tâm đến dinh dưỡng thì phục hồi rất nhanh.

- Chị Trương Thanh Hiền (Công ty Ford) hỏi: Tôi xin hỏi các chuyên gia 2 câu hỏi: 1, Khi nào thì người sử dụng lao động được phép sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động? 2, Thỏa ước lao động tập thể có bắt buộc phải thực hiện không?

Giao lưu trực tuyến: Người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách gì?

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Đối với câu thứ nhất, ở đây chúng ta cần phân biệt 2 trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khác mà sa thải lao động lại là khác, trường hợp sa thải thì nặng hơn đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động.

Vối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong các tình huống sau: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc. Tuy nhiên, nhiên để áp dụng tình huống này thì doanh nghiệp phải xây dựng quy chế đánh giá mức độ công việc để có căn cứ đánh giá.

Tình huống thứ 2 là do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa ví dụ như đại dịch Covid-19 thì doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng trong trường hợp này, nếu đơn phương chấm dứt với từ 2 người lao động trở lên thì doanh nghiệp phải xây dựng được phương án, có sự tham gia của tổ chức Công đoàn, gửi lên cơ quan chức năng Thành phố phê duyệt.

Tình huống nữa là khi người lao động không trung thực trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình ví dụ sử dụng bằng cấp giả, khai thông tin cá nhân không trung thực khi được tuyển dụng thì doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Đối với trường hợp sa thải người lao động, doanh nghiệp có thể sa thải người lao động trong các tình huống như người lao động trộm cắp, cờ bạc, sử dụng ma túy, lạm dụng tình dục hoặc là nghỉ việc 5 ngày cộng dồn trở lên trong một tháng mà không có lý do…

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid 19
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng trao quà cho đoàn viên Công đoàn tham gia trả lời câu hỏi giao lưu.

Về câu hỏi thứ 2, việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể thì pháp luật không bắt buộc, nhưng lại có những ràng buộc. Cụ thể, Thỏa ước lao động tập thể là kết quả thương lượng giữa Công đoàn cơ sở với doanh nghiệp, như vậy là chỉ có những doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở mới phát sinh Thỏa ước lao động tập thể.

Trong đó, đối với tổ chức Công đoàn thì hoạt động thương lượng là nhiệm vụ bắt buộc để để thực hiện chức năng nhiệm vụ của Công đoàn. Khi Công đoàn thương lượng thì doanh nghiệp không có quyền từ chối. Và khi thương lượng thành công thì sẽ xây dựng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể và khi Thỏa ước được ký kết thì những nội dung trong thỏa ước là nội dung bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Tóm lại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể đây là nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn.


- Một người lao động hỏi: Trong thời gian người lao động đang nghỉ chế độ thai sản, mà cả hai mẹ con cùng bị Covid-19. Trong trường hợp này, hai mẹ con có hưởng chế độ chính sách từ BHXH hay không?

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Đối với người phụ nữ đang nghỉ chế độ thai sản sẽ được hưởng 100% lương. Trong thời gian nữ lao động đang nghỉ chế độ thai sản thì không được hưởng các chế độ ốm đau, trong đó có bệnh Covid-19.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid 19
Ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội trao quà cho đoàn viên Công đoàn.

Nghỉ theo chế độ ốm đau chỉ có 75% lương nhưng người lao động nghỉ thai sản được hưởng 100% lương. Còn con ốm, nhưng người mẹ vẫn đang nghỉ chế độ thai sản nên con cũng không cũng được hưởng chế độ ốm đau.


- Một bạn đọc hỏi: Tôi đang công tác tại một trường tiểu học, sắp tới trường tôi sẽ triển khai tiêm vắc xin cho các em học sinh. Tuy nhiên, một số phụ huynh băn khoăn là nhiều con dậy thì sớm, tiêm vắc xin có ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển, chức năng sinh sản của các em không?

- Chuyên gia Khổng Minh Tuấn: Bất kì loại vắc xin nào trên thế giới khi đưa vào sử dụng thì đều đã qua kiểm định và được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Với nhiều nước đã thực hiện tiêm có trẻ, các nghiên cứu cho thấy chưa có một bằng chứng nào nói lên vắc xin ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ nam và trẻ nữ.

Khi Bộ Y tế Việt Nam cấp phép vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thì bộ đã tham khảo, đánh giá rất nhiều tài liệu, bằng chứng quốc tế. Nếu có bằng chứng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ thì đương nhiên Bộ đã không cấp phép. Trước khi thực hiện tiêm, Bộ đã nghiên cứu liều lượng vắc xin phù hợp với thể trạng của trẻ, dùng loại vắc xin dành riêng cho trẻ em.

Tuy nhiên hiện nay vẫn có dư luận, thông tin ngoài luồng, thực chất tất cả các loại vắc xin ít nhiều sẽ có phản ứng phụ. Các phản ứng này là phản ứng thông thường. Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tiêm cho trẻ và cũng chưa ghi nhận bất kì trường hợp nào. Hà Nội cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong các chiến dịch têm chủng, đảm bảo an toàn do đó bạn nên hoàn toàn yên tâm. Ngay trong chiều nay, CDC Hà Nội sẽ có kế hoạch tham gia công tác hướng dẫn tiêm chủng đến tất cả các cơ sở tiêm để chiến dịch tiêm chủng được tổ chức bài bản, kĩ lưỡng, có kế hoạch với bất kì trường hợp nào, đảm bảo sức khỏe của trẻ em sau tiêm.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid 19
Ông Hồ Xuân Minh – Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai trao quà cho đoàn viên Công đoàn có câu trả lời giao lưu đúng.

- Anh Phạm Hùng Minh (Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu) hỏi: Những người lao động bị tai nạn lao động nghề nghiệp được hưởng những chế độ chính sách gì? Một lao động nữ làm việc cả ngày tại công ty và về lúc 5h. Sau đó, đi mua thức ăn cho gia đình lúc 5h30 và bị tai nạn. Tôi xin hỏi trường hợp này có được hưởng chính sách hỗ trợ tai nạn lao động hay không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo Luật An toàn vệ sinh lao động, khi bị tai nạn lao động, cả người sử dụng lao động và quỹ bảo hiểm tai nạn lao động đều phải có trách nhiệm hỗ trợ người lao động. Cụ thể, đối với người lao động bị tai nạn lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đủ 3 nội dung: Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định; trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; sau khi tai nạn, vết thương ổn định, doanh nghiệp có trách nhiệm giới thiệu người lao động đi giám định sức khỏe, căn cứ vào tỉ lệ thương tật để thực hiện chê độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động tương đương với tỉ lệ thương tật mà cơ quan y tế xác nhận.

Những trách nhiệm này không xác định lỗi, kể cả lỗi người lao động gây ra doanh nghiệp cũng phải sử dụng 3 trách nhiệm này.

Ngoài ra, người lao động còn được hưởng chế độ BHXH. Căn cứ tình trạng, mức độ thương tật và mức suy giảm khả năng lao động mà người lao động được nhận các khoản trợ cấp khác nhau.

Đối với tình huống bạn vừa hỏi, người lao động bị tai nạn trong quãng đường đi, về công ty làm việc. Tuy nhiên, địa điểm của người ta bị tai nạn là 1 việc rất khó. Theo tôi, trong trường hợp này, Công ty phải tiến hành điều tra theo mẫu, biên bản quy định để xử lý các vấn đề liên quan đến an toàn lao động cho hợp lý.

- Chị Kiều Thị Hoàn (Công ty Trung Thành) hỏi: Tôi có bạn làm việc tại 1 công ty được 3 năm và có đóng BHXH. Hiện nay, bạn tôi đã chuyển sang công ty mới làm được hơn 1 năm. Tuy nhiên, công ty cũ đang nợ BHXH. Việc này có ảnh hưởng tới chế độ BHXH của bạn tôi sau này hay không?

- Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Doanh nghiệp nợ thì tất nhiên ảnh hưởng đến người lao động. Hiện nay, BHXH đối với 1 số doanh nghiệp nợ hoặc doanh nghiệp đã giải thể, chúng tôi đang thực hiện việc chốt sổ cho người lao động đến thời điểm doanh nghiệp nợ để tiếp tục tham gia đóng BHXH. Còn sau này doanh nghiệp nợ mà tiếp tục đóng nốt thì thời gian đó sẽ tiếp tục được ghi nhận.

Còn khi chuyển sang công ty khác, bạn vẫn tham gia đống BHXH bình thường. Ngắt quãng không ảnh hưởng gì, bạn vẫn được cộng dồn. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý, khi người lao động dừng hợp đồng lao động thì quên mất việc mua thẻ bảo hiểm y tế tại địa phương. Do vậy, người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động nên tiếp tục mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình để tránh việc bị mắc bệnh nặng mà không có thẻ bảo hiểm y tế.

- Chị Kiều Thị Hoàn (Công ty Trung Thành) hỏi thêm: Nếu ở công trình có nhiều lao động thuộc nhiều chủ sử dụng lao động cùng làm việc thì an toàn vệ sinh lao động được thực hiện như thế nào?

- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trong quy định riêng của bộ xây dựng, trong một dự án thi công có nhiều nhà thầu thì chủ đầu tư có trách nhiệm lập kế hoạch phương chung về an toàn vệ sinh lao động, đồng thời giám sát chung. Các nhà thầu phải thực hiện phương án chung đó cũng như thực hiện phương án riêng về an toàn lao động trong khu vực của mình.

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19
Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình bế mạc chương trình

10h45: Phát biểu kết thúc cuộc Giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết: Sau gần 3 giờ diễn ra Giao lưu trực tuyến với hơn 30 câu hỏi tập trung vào những vấn đề như: Người lao động mắc Covid-19 được hưởng những chính sách hỗ trợ gì, điều kiện thủ tục được hưởng ra sao, chăm sóc sức khỏe trong thời gian nhiễm bệnh và hậu Covid-19 như thế nào, chế độ bảo hiểm xã hội, tiền lương, thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… nhưng do thời lượng có hạn, vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, chúng tôi sẽ gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên báo Lao động Thủ đô. Bạn đọc có thể tiếp tục gửi các thắc mắc đén báo Lao động Thủ đô để chúng tôi gửi các cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng

Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid 19Trực tuyến hình ảnh: Đối thoại chính sách và chăm sóc sức khỏe hậu Covid 19
Ê kíp truyền trực tuyến

Nhóm PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này