Nhiều ngành lương cao, sẵn việc nhưng khó tuyển sinh

08:32 | 14/04/2022
Mỗi mùa tuyển sinh đại học, câu hỏi: "Ngành nào dễ tìm việc sau khi ra trường?" thường được đặt ra. Có một số ngành dù được quan tâm chào đón với nhiều hứa hẹn, thậm chí được lo cả đầu ra với mức lương hấp dẫn, thế nhưng vẫn ít thí sinh để mắt.
Hà Nội: Giảm sĩ số học sinh/lớp, hạn chế tuyển sinh trái tuyến đầu cấp năm học 2022-2023 Chú trọng tuyển sinh, đào tạo nghề chương trình 9+

Người học né tránh

Một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá tình hình, xu hướng đăng ký ngành nghề tuyển sinh là số liệu đăng ký NV1 bởi điều đó thể hiện nhu cầu và mong muốn lựa chọn ngành nghề của thí sinh.

Thí sinh cần tìm hiểu giá trị nghề nghiệp mà mình lựa chọn
Thí sinh cần tìm hiểu giá trị nghề nghiệp mà mình lựa chọn

Năm 2021, những ngành được nhiều thí sinh đăng ký ở NV1 nhất là: An ninh Quốc phòng (566,82%), Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật (210,7%); Du lịch khách sạn, dich vụ cá nhân (201%), Khoa học xã hội và hành vi (197,97%). Ngược lại, nhóm ngành ít được lựa chọn là: Kỹ thuật (98,77%), Khoa học sự sống (26%) và Khoa học tự nhiên (20,1%.).

Đáng chú ý, nhóm ngành khoa học cơ bản không chỉ có số lượng thí sinh đăng ký NV1 ở mức thấp mà tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học cũng khiêm tốn, trong đó Khoa học tự nhiên là lĩnh vực có tỷ lệ nhập học thấp nhất; tiếp đến lần lượt là: Khoa học sự sống; Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội.

Thấm thía tình trạng trên, GS.TS Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Các ngành khối nông - lâm - thủy sản trong tuyển sinh gồm 4 khối ngành: Nông nghiệp truyền thống, Kinh tế, Công nghệ, Thú y; trong đó Nông nghiệp truyền thống dù được hỗ trợ từ nhà trường, DN nhưng vẫn khó tuyển sinh. Hàng năm, Học viện tổ chức ngày hội việc làm và nhận thấy nhu cần tuyển dụng của DN rất lớn đối với nhóm ngành này. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT có chương trình hỗ trợ sinh viên ngành nông, lâm, thủy sản như miễn giảm học phí và thực hành, thực tập, tìm kiếm việc làm… “Ngành này DN, xã hội và đất nước cũng cần. Song việc tuyển sinh còn khó khăn” - GS.TS Phạm Văn Cường nói.

Nếu trước đây, các ngành nghề thuộc lĩnh vực giao thông là “hot” thì giờ đã đổi khác rất nhiều. PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải thẳng thắn nêu: Có những ngành học từng là thế mạnh của trường như Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (các công việc việc áp dụng công nghệ sửa chữa mặt cầu đường, đường sắt tốc độ cao...), kỹ thuật máy xây dựng, đường sắt… nhưng nay tuyển sinh rất khó vì người học cho rằng tính chất công việc của ngành quá vất vả. PGS.TS Nguyễn Ngọc Long viện dẫn: “Thậm chí có những DN ở Tây Nguyên sẵn sàng trả mức lương 14 triệu đồng/tháng nhưng nhiều sinh viên vẫn từ chối vì ngại đi xa. Các em chấp nhận với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/tháng để làm gần nhà hơn…”.

Đẩy mạnh công tác truyền thông

Thực tế, vẫn còn tình trạng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học theo tên gọi của ngành và có xu hướng chỉ chọn ngành “hot”, mới nghe tên đã thấy sang và có triển vọng như kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing…. mà không hiểu hết thế mạnh của bản thân và tiềm năng của ngành mình chọn. Bên cạnh đó cũng phổ biến hiện tượng thí sinh không hình dung, không đánh giá được thị trường lao động trong tương lai bởi lười tìm hiểu, không được tư vấn, hỗ trợ, định hướng và truyền thông.

Một buổi truyền thông hướng nghiệp tại trường THPT Dương Xá, huyện Gia Lâm
Một buổi truyền thông hướng nghiệp tại trường THPT Dương Xá, huyện Gia Lâm

Các chuyên gia cho rằng, hiểu đúng giá trị của các ngành nghề mình định xét tuyển có ý nghĩa rất quan trọng. GS.TS Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong Bộ GD&ĐT và các cơ quan truyền thông, nhà trường tích cực thông tin đến các học sinh lớp 12 và cha mẹ học sinh rằng ngành nông- lâm- thủy sản đang rất thiếu nhân sự; từ đó có các biện pháp tư vấn để học sinh hiểu giá trị của ngành giúp tăng số lượng thí sinh chọn Học viện Nông nghiệp Việt Nam và ngành Nông nghiệp truyền thống để học tập.

Đồng ý quan điểm trên, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy khẳng định, cần đẩy mạnh công tác truyền thông và đào tạo theo đặt hàng, giao nhiệm vụ. Đối với lĩnh vực khó tuyển sinh, cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm, kết nối doanh nghiệp.

Còn PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, muốn tuyển sinh tốt, các cơ sở đào tạo phải đổi mới và tích hợp chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng hơn; đồng thời tổ chức các hội thảo hướng nghiệp, kết nối nhà tuyển dụng, xây dựng các chương trình học bổng riêng để có sức hút với học sinh hơn nữa.

Các ngành khó tuyển sinh hiện đã được nhận diện và cơ sở đào tạo cũng có nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút thí sinh. Với người học, tìm hiểu về các ngành nghề khó tuyển sinh cùng việc phân tích thực tế nhu cầu việc làm và giá trị dài lâu của ngành nghề trong tương lai cũng góp phần tích cực giúp học sinh chọn đúng nghề xã hội cần, đất nước cần, DN cần.

Theo Nam Du/kinhtedothi.vn

https://kinhtedothi.vn/nhieu-nganh-luong-cao-san-viec-nhung-kho-tuyen-sinh.html

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này