Để trẻ vị thành niên không bị trầm cảm

13:56 | 14/04/2022
(LĐTĐ) Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra một số sự kiện đau lòng là trẻ em vị thành niên tự tử. Có nhiều nguyên nhân, song theo các chuyên gia sức ép học tập, căn bệnh thành tích trong học tập giữa gia đình, nhà trường dẫn đến học sinh bị trầm cảm là nguyên nhân chính.
Những video xấu độc ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào? Làm gì để tránh trầm cảm cho học sinh do nghỉ học dài ngày tránh dịch covid-19

Những câu chuyện xót xa

Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị trầm cảm hay gặp các vấn đề về tâm lý thậm chí muốn giải thoát bản thân khi bị áp lực học tập từ nhà trường, gia đình và chính bản thân các em. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy mà nó để lại đầy xót xa.

Để trẻ vị thành niên không bị trầm cảm
Những áp lực tưởng đơn giản lại khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng tâm lý và nghĩ đến điều dại dột. Ảnh minh họa.

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi nhập viện do cố ý uống thuốc giảm đau liều cao. Được biết, trẻ cảm thấy thất vọng vì bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ, lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với gia đình do bất đồng quan điểm về phong cách sống và định hướng tương lai mà trẻ đã có ý định tiêu cực. Một trường hợp khác là bệnh nhi 14 tuổi, trẻ đã uống thuốc ngủ sau khi bị mẹ đánh mắng. Rất may mắn, trong cả hai trường hợp trên, trẻ đã được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên, tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng đến suốt đời.

Những sự việc đau lòng trên tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên, vì trẻ có hành động tiêu cực ở lứa tuổi này là vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại khi ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua, Khoa Sức khỏe vị thành niên đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên muốn chấm dứt cuộc sống liên quan đến mâu thuẫn trong gia đình và trường học. Một số lý do vì bị cha mẹ đánh, cha mẹ chưa hiểu mình nên uất ức, tủi thân, bị bạn bè trêu chọc, điểm kém… mà trẻ đã có ý định từ bỏ cuộc sống của mình.

Theo Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) công bố, trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Tại Việt Nam, tình trạng này ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng gia tăng nhưng đáng buồn là người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp kịp thời.

Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Những áp lực vô hình trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực trong trẻ ngày càng nhiều thêm. Đây là yếu tố có thể dẫn đến rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên.

Bên cạnh đó, tư duy muốn con phải nghe lời tuyệt đối của nhiều cha mẹ ở Việt Nam dễ gặp phải sự chống đối ở trẻ. Với những trẻ không chống đối, sự dồn nén tâm lý lâu ngày có thể đưa đến hành vi phản ứng không ngờ. "Một số trẻ có hành vi tiêu cực vì không giải tỏa được cảm xúc, cảm giác lạc lõng trong cuộc sống. Một số khác hành động tiêu cực vì “giận cha mẹ”, uất ức, tủi thân, một số vì lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, thậm chí một số trẻ chỉ vì muốn gây sự chú ý của người khác, để mọi người mãi nhớ đến mình", bác sĩ Ngô Anh Vinh cho biết.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến, Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Qua điều trị có một thực tế vô cùng quan ngại, đó là khi trẻ chớm bộc lộ ý nghĩ về tự sát, về chán sống thì nhiều bậc cha mẹ lại gạt đi và cho rằng không nên nghĩ đến những điều tiêu cực.

“Đây là tín hiệu kêu cứu mà các bậc cha mẹ phải đặc biệt lưu tâm. Khi trẻ bày tỏ cảm xúc đó là lúc con rất cần sự đồng cảm, sự chia sẻ, sự lắng nghe… Các bậc cha mẹ, người thân khi bắt được tín hiệu này nên hỏi han, khơi gợi để con nói ra những bất an, sự đau khổ, tuyệt vọng của mình”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ.

Cha mẹ hãy quan tâm con đúng mực

Cũng theo các bác sĩ, ở tuổi vị thành niên, song song với việc phát triển thể chất thì trẻ sẽ có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý. Trong giai đoạn này, sự phát triển cái “tôi” ở trẻ sẽ khiến con có xu hướng cần cha mẹ tôn trọng những sở thích cá nhân và quyết định của mình hơn. Cha mẹ cần tập cho con kỹ năng tự lập và chịu trách nhiệm, dần trao cho con quyền quyết định một số vấn đề trong cuộc sống. Tuy nhiên, cha mẹ cần luôn dõi theo con để kịp thời can thiệp, giúp đỡ con giải tỏa lo âu, thay đổi suy nghĩ lệch lạc của con.

Ngoài ra, cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cha mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào để hướng cho con đi đúng theo sở thích, niềm đam mê của con. Đừng cố áp đặt con theo mong muốn của cha mẹ. Đặc biệt, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Cha mẹ tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là cấm đoán, ép buộc, bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ. Cha mẹ hãy động viên, đừng nên phán xét những lỗi sai, mục tiêu, cố gắng mà trẻ đang hướng đến.

Thông thường những biểu hiện của trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm lý bao gồm: Giảm các mối quan hệ tương tác với bạn bè, gia đình; giảm tham gia các hoạt động xã hội; giảm sút học tập, không quan tâm đến vẻ ngoài, dễ cáu gắt, giận giữ… 90% các trường hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần đều có bộc lộ ít nhất một biểu hiện ra ngoài. Các cha mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm chia sẻ cùng con cái như những người “bạn” của con mình.

Theo Phó Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ đã từng gặp nhiều trường hợp cha mẹ luôn coi mình là đúng, không biết động viên, khích lệ mà lại áp đặt cho con mình. “Ví dụ như con muốn thử làm một trải nghiệm mới nhưng thay vì khích lệ người cha lại nói “không thành công đâu, làm làm gì mất thời gian, con tập trung học đi”; hay khi con muốn tập thể thao để giảm cân thì lại nhận được phản hồi của cha, mẹ “không giảm được đâu, đừng mất thời gian”... Những điều này làm trẻ hụt hẫng, không cảm nhận được sự tin tưởng, đồng cảm và thấu hiểu từ gia đình, đây là điều rất không tốt cho sự phát triển của trẻ. Các bố mẹ hãy lắng nghe trẻ nhiều hơn”, bác sĩ Ngô Anh Vinh cho hay.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trên 98% người muốn tự sát bị rối loạn tâm thần. Một trường hợp tự sát ảnh hưởng ít nhất đến 6 người khác. Chúng ta phải kết hợp đa ngành, đa nghề, đa chuyên khoa để chia sẻ, hỗ trợ cho bệnh nhân. Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

“Việc quản lý thông tin mạng cũng cần được lưu ý. Trước đây, tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… có làn sóng bắt chước hành vi tự sát. Tức là người bệnh đọc tin tức về các nghệ sĩ tự tử từ đó có hành vi tương tự. Một người bị sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều người”, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn phân tích.

Với thâm niên hơn 20 năm trong chuyên ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Việc tham gia tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên, không bắt buộc phải là các bác sĩ, chuyên gia, mà phụ huynh, giáo viên cũng cần có kiến thức phát hiện để hỗ trợ cho trẻ về tâm lý, nhận biết các yếu tố nguy cơ từ đó ngăn chặn hành vi tự sát của trẻ.

“Những thời gian xã hội lock down (đóng cửa) hoặc trong bối cảnh gia đình có những biến động bất thường: Bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc người thân mất… thì trẻ dễ đối diện với nguy cơ trầm cảm. Việc nhận diện các dấu hiệu bất thường ở trẻ là chìa khóa giúp các em vượt qua những vấn đề về tâm lý”, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này