Có ai còn nhớ đám cưới đầu thập niên 90?

13:57 | 14/04/2022
(LĐTĐ) Kỳ nghỉ lễ, tôi tranh thủ dọn lại phòng đọc sách. Kéo ngăn tủ cũ, tôi tìm thấy những tập album ảnh của nhiều năm được xếp gọn gàng trong đó. Tôi cứ miên man, trôi theo dòng ký ức với những hình ảnh được in ra, ép plastic cẩn thận. Và... lòng chợt bâng khuâng khi ngắm lại tập ảnh cưới nhuốm màu thời gian của mình những năm đầu thập niên 90.
Neo giữ miền ký ức bình an Có ai còn nhớ bữa cơm thời “bao cấp”? Đông Hà Nội thấm trong ký ức

Thập niên 90, đám cưới đã có một vài đổi khác so với thời kỳ bao cấp trước đó. Đây là giai đoạn giao thời, các phong tục cũ – mới đan xen nhau tạo ra nhiều điều khá thú vị. Nếu như thời bao cấp, thanh niên nam nữ lập gia đình sẽ mua bánh, kẹo, chè, thuốc theo tiêu chuẩn thì đến thời kỳ đổi mới, mọi người sẽ tự chủ động mua sắm theo ý thích. Việc tổ chức cỗ cưới cũng đơn giản hơn trước vì có thể thuê người về nấu tại nhà hoặc đặt tại nhà hàng, khách sạn, tùy theo điều kiện của từng gia đình.

Có ai còn nhớ đám cưới đầu thập niên 90?
Một đám cưới ở Hà Nội do phóng viên người Mỹ David Alan Harvey chụp.

Có lẽ, thiệp cưới là thông điệp quan trọng của đôi trẻ gửi tới mọi người. Thời đó, các thiệp cưới bán sẵn trên phố Hàng Mã thường in hình ảnh trang trí bàn tay cầm bông hoa hồng hoặc nâng ly rượu. Tấm thiệp của tôi không mua sẵn mà được thiết kế riêng, in lưới với chữ lồng tên cô dâu chú rể và hai họ cùng ngày giờ, địa điểm tổ chức đám cưới. Gần đến ngày cưới, tim tôi rộn vui khi cầm trên tay những tấm thiệp còn thơm mùi mực trao đến các khách mời. Có một điều khá thú vị, bởi tôi cưới khi còn ít tuổi nên khi đưa thiệp, nhiều người còn nghĩ tôi đi mời hộ anh trai. Bao năm tháng trôi, nhiều biến cố xảy đến, nhưng tôi vẫn giữ lại tấm thiệp cưới dung dị của ngày xưa.

Trang phục cưới thập niên 90 đã có một số đổi khác so với trước đó. Cô dâu có thể mặc áo dài hoặc váy cưới. Thời đó, có các hàng váy cưới, trang điểm cô dâu khá nổi tiếng ở Hà Nội như: Bích Sinh ở phố Hàng Bông, Tuyết Nhung ở phố Hàng Bột... Chú rể mặc vest trang trọng. Đặc biệt, hoa cưới thời kỳ này đã có sự biến tấu với hoa hồng, hoa phăng... nhưng vẫn còn giữ nguyên kiểu kết một dải hoa hồng thật dài bên dưới bó hoa. Các gia đình khá giả, có điều kiện đón dâu bằng xe ô tô, đa số vẫn đón bằng xe máy.

Ngày cưới thường được chọn vào thứ bảy, chủ nhật để mọi người đến dự được đông đủ. Hội trường thường được trang trí đôi bồ câu cắn mỏ nhau bay trên chữ Phúc ở chính giữa. Một bên là tên cô dâu chú rể quấn quýt vào nhau cùng trái tim quấn quýt và hoa hồng hàm tiếu... Ngay từ sớm, dàn loa Akai “thần thánh” đã mở nhạc ABBA, BONEY xập xình đầy sôi động. Khi cô dâu chú rể tiến vào hôn trường, những bản nhạc nhẹ nhàng được trỗi lên như: “Tình ca trên thảo nguyên”, “Đôi bờ”, “Chiều Matxcơva”... Sau khi chủ hôn tuyên bố lý do, đại diện hai họ lên phát biểu ý kiến, cô dâu chú rể đi các bàn chào hỏi các khách mời. Tiếp đó là tiết mục văn nghệ, các bạn trẻ lên sân khấu biểu diễn các bài hát vui tươi, rộn rã chúc mừng cô dâu chú rể. Cuối hôn lễ, cô dâu chú rể ra đứng trước sảnh, cảm ơn các khách đã tới dự đám cưới.

Đám cưới mỗi thời một khác và đều mang phong vị riêng. Mưa nắng thời gian khiến tôi và những người cùng thế hệ không còn trẻ nữa. Nhưng tôi tin rằng, những hình ảnh, cảm xúc về đám cưới thập niên 90 sẽ mãi được lưu dấu trong ngăn ký ức của mỗi người.

Tường Vy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này