Phối hợp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động

18:09 | 12/04/2022
(LĐTĐ) Ngày 12/4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động.
Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng mức 7-8% từ 1/7/2022 Mong muốn sớm được tăng lương tối thiểu vùng

Chủ trì lễ ký kết có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Phối hợp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ ký kết.

Cùng tham gia lễ ký kết có các đồng chí: Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề xuất với Đảng, Nhà nước, trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch; kịp thời tham mưu, cảnh báo và đề xuất thực hiện các biện pháp không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, phục hồi nhanh và ổn định thị trường lao động; chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp và chính sách phục hồi và đảm bảo an sinh xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, do tình hình đại dịch Covid-19 kéo dài, một bộ phận doanh nghiệp và người lao động còn gặp nhiều khó khăn trong công việc và đời sống. Do nhu cầu trang trải cuộc sống trước mắt, do tác động, lôi kéo của một số đối tượng dẫn đến một bộ phận người lao động đã chuyển sang hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động và sự ổn định, phát triển lâu dài của thị trường lao động.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động và đẩy nhanh phục hồi thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, kịp thời hỗ trợ người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thống nhất Chương trình phối hợp triển khai các giải pháp về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Phối hợp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Lễ ký kết.

Theo đó, các bên thống nhất 5 nội dung phối hợp, trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nghiên cứu, tổng kết mô hình "Chi lương linh hoạt" để tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ theo đúng tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bên cạnh đó, các bên sẽ phối hợp triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, chính xác, trong đó tập trung phổ biến để người lao động nắm rõ chính sách và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện thông qua các cấp Công đoàn; tuyên truyền cho các doanh nghiệp về chính sách và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách; phối hợp với các địa phương rà soát, xác định danh sách doanh nghiệp thuộc phạm vi thực hiện chính sách; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, quan hệ lao động ở thuê, ở trọ tạo thuận lợi người sử dụng lao động, người lao động trong việc tiếp cận chính sách…

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang bày tỏ cảm ơn các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống của người lao động vượt qua dịch Covid-19.

Phối hợp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã động viên, tuyên truyền để người lao động thực hiện nghiêm các quy định cụ thể về phòng, chống dịch. Bên cạnh chính sách hỗ trợ Chính phủ, tổ chức Công đoàn kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ người lao động từ nguồn tài chính công đoàn như chính sách hỗ trợ người lao động mắc Covid-19, cách ly tập trung, hỗ trợ cho con em người mất do dịch, lực lượng cho tuyến đầu chống dịch...

"Có những chính sách chưa có tiền lệ. Từ trước đến nay, tài chính công đoàn chưa bao giờ chi ra nguồn lực lớn như vậy chăm lo cho người lao động", Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Về chương trình phối hợp với các bên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị, trước hết, cần tập trung phối hợp triển khai chính sách hỗ trợ với người lao động, người sử dụng lao động một cách nhanh nhất. Hội đồng Tiền lương Quốc gia sớm có đề xuất với Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu. Từ đó, sẽ hỗ trợ cho người lao động giảm bớt khó khăn khi người lao động mới quay trở lại làm việc.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này