Để người lao động không nhận bảo hiểm xã hội một lần

17:40 | 12/04/2022
(LĐTĐ) Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ người lao động, việc phải tăng chi phí nuôi con và giảm sút thu nhập do mất việc làm là nguyên nhân chính khiến gia tăng số người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Cùng với đó, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.
Cùng so sánh thiệt - hơn khi người lao động lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần Công đoàn vào cuộc góp phần giảm thiểu tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần Rút bảo hiểm xã hội một lần cần cân nhắc kỹ

Thực trạng đáng báo động

Tại Hội nghị tư vấn, đối thoại với người lao động, cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH diễn ra ngày 8/4 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức, ông André Gama - Phụ trách chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam cho biết: Nghiên cứu từ ILO cho thấy, 60% phụ nữ rút BHXH một lần trong năm 2019 là phụ nữ dưới 35 tuổi. Việc tăng chi phí nuôi con và giảm sút thu nhập do mất việc làm chính là nguyên nhân lớn nhất ở Việt Nam khi rút BHXH một lần.

Để người lao động không nhận bảo hiểm xã hội một lần
Để nâng cao nhận thức cho người lao động, báo Lao động Thủ đô tích cực phối hợp với các cấp Công đoàn tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH.

Cũng theo ông André Gama, trong nghiên cứu do ILO Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trả lời câu hỏi tại sao họ lại làm như vậy, có nhiều trường hợp cho biết: Khi sinh con, gia đình không có đủ tiền để nuôi con. Họ quyết định đẻ con và 1 trong 2 người nghỉ việc, hưởng BHXH một lần, lấy tiền nuôi con trong một vài năm đầu. Do vợ là người có thu nhập thấp hơn và là người chủ yếu làm công việc chăm sóc trong gia đình, nên họ quyết định người vợ sẽ nghỉ việc để lấy BHXH một lần.

Từ thực tế tại địa phương, bà Lê Thị Thu Cúc - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cho rằng: Quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn. Cụ thể, theo quy định của Luật BHXH, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Thực tế, trong thời gian qua công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Long An làm việc tại khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa có người nào được hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH.

Từ thực tế trên, bà Lê Thị Thu Cúc kiến nghị kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho phù hợp với thực tiễn tình hình mới hiện nay, cần xem xét giảm số năm đóng BHXH làm điều kiện để người tham gia BHXH được hưởng lương hưu xuống còn 10 năm nhằm hạn chế người lao động rút BHXH một lần, ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới.

Tình trạng số người rút BHXH một lần nhiều và có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới “mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân” như Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đã xác định.

Nhận định về tình trạng gia tăng số người lao động rút BHXH một lần, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, người lao động nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Đảm bảo việc làm bền vững gắn với củng cố lòng tin

Bình luận về việc nhiều lao động tại Việt Nam rút BHXH một lần, ông Andre Gama - Phụ trách chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức và xây dựng lòng tin của người lao động với hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Hiện nay, công nghệ, thị trường lao động, cơ cấu dân số thay đổi nên chính sách pháp luật cũng cần có sự thay đổi định kỳ phù hợp với thực tế để bảo vệ người lao động Việt Nam.

Để giữ người lao động ở lại với hệ thống an sinh, đảm bảo quyền lợi lâu dài, ông André Gama khuyến nghị, cần phải tìm cách củng cố hệ thống an sinh xã hội, bổ sung một số chế độ an sinh đảm bảo giải quyết vấn đề mà người lao động phải đối mặt - những vấn đề mà họ chỉ giải quyết được bằng cách rút BHXH một lần.

Trước tình hình báo động trên, nhằm đảm bảo quyền lợi, chế độ lâu dài cho người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên là phối hợp với cơ quan BHXH đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nói chung và BHXH một lần nói riêng, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho đoàn viên Công đoàn và người lao động.

Bên cạnh đó, Công đoàn tại cơ sở cần đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xác định nhóm đoàn viên, người lao động có nhu cầu hưởng BHXH một lần để tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của việc hưởng BHXH một lần, đó là người lao động đã tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai cũng như chính sách an sinh xã hội chung.

Cùng với đó, tổ chức Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, tìm kiếm các đối tác tín dụng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tiếp tục đồng hành với người sử dụng lao động trong sản xuất, kinh doanh.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu các cấp Công đoàn nâng cao hiệu quả các hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên Công đoàn và người lao động của tổ chức Công đoàn. Chú trọng các hoạt động bảo vệ và duy trì việc làm bền vững cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Đi liền với đó, tăng cường công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên Công đoàn và người lao động để người lao động an tâm, tiếp tục tham gia, gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.

Theo ông Lê Đình Quảng, giải pháp quan trọng nhất là Công đoàn các cấp cần chủ động, tích cực tham gia với chuyên môn đồng cấp đảm bảo việc làm bền vững, tiền lương, thu nhập ổn định, môi trường làm việc tốt… cho người lao động. Chỉ khi đời sống người lao động và gia đình họ được đảm bảo, người lao động sẽ yên tâm ở lại với hệ thống BHXH, không nghĩ tới giải pháp tình thế là chọn hưởng BHXH một lần.

“Về lâu dài, để người lao động ở lại với hệ thống BHXH, để chính sách BHXH thực sự trở thành điểm tựa khi về già của người lao động, thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH một cách đồng bộ, như xem xét: Tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí…”, ông Lê Đình Quảng đề xuất.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này