Làm rõ khả năng cân đối ngân sách các cấp

13:33 | 12/04/2022
(LĐTĐ) Tại kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố cần làm rõ khả năng cân đối của ngân sách các cấp để đáp ứng nhu cầu vốn của Kế hoạch, nhất là tính khả thi từ nguồn ngân sách cấp huyện. Có ý kiến cho rằng, đối với các huyện khó khăn, đề nghị ngân sách Thành phố ưu tiên hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư để hỗ trợ dự án, còn đối với các huyện đang thực hiện đề án lên quận và huyện có nguồn thu tốt, đề nghị ngoài việc tự cân đối, cần quan tâm hỗ trợ cho các huyện khó khăn...
Phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 Tăng thu ngân sách tháng 2 do hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tốt Giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, Bí thư Quận ủy Hà Đông, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, Thành phố đã chỉ ra được một số hạn chế tại các quận, nhất là về quỹ đất chưa đáp ứng đủ trường học cho học sinh, chỉ tiêu giáo viên được giao chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa… nên ngay sau khi ban hành Nghị quyết, cần có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tránh việc thực hiện dự án không đồng bộ. Đại biểu cũng đề xuất giao cho một đơn vị cụ thể nghiên cứu trình chủ trương đầu tư, đảm bảo đơn vị đủ năng lực đầu tư mới trình lên các cấp để thẩm định phê duyệt, giúp cải cách hành chính, rõ người, rõ việc.

Làm rõ khả năng cân đối ngân sách các cấp
Ảnh minh họa.

Từ thực tế địa phương, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên, đại biểu Lê Ngọc Anh cho rằng, để đạt chuẩn quốc gia và nông thôn mới nâng cao, các huyện cần sự quan tâm đặc biệt của Thành phố mới có thể đạt được các tiêu chí.

Về y tế, tại Phú Xuyên, các trạm y tế xã đều có diện tích rộng, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực còn thiếu, cần được ngành Y tế Thành phố quan tâm giúp đỡ nhiều hơn để huyện triển khai đồng bộ, nhất là về trang thiết bị, đào tạo nhân lực.

Về việc tôn tạo các di tích, đại biểu Lê Ngọc Anh cho biết, huyện có hơn 120 di tích đã xếp hạng, đa số đã xuống cấp, nhưng thủ tục xin tu bổ, nâng cấp rất khó khăn. Do đó, Nghị quyết này khiến chính quyền và người dân rất phấn khởi. Song, cần thêm vấn đề xã hội hóa trong đầu tư và quản lý sau đầu tư, và việc đầu tư cho giai đoạn tiếp theo cần gắn với chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các ngành y tế, văn hóa… có sự liên thông để phát huy hiệu quả.

Quy hoạch cần đáp ứng chiến lược giáo dục lâu dài

Theo đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín), một số trường học tại Thành phố hiện diện tích có hạn, nhưng số lượng học sinh cao, nên quy hoạch cần đáp ứng chiến lược giáo dục lâu dài, đặc biệt là phòng học.

Trong lĩnh vực y tế, đại biểu cho rằng, xác định đầu tư cho y tế cơ sở là hoàn toàn đúng đắn, vì lực lượng này là người tiếp cận ngay được với bệnh nhân. Do đó, cần có đội ngũ y bác sỹ đủ về số lượng biên chế, trang thiết bị phù hợp, liên thông chặt chẽ với các tuyến trên để hội chẩn, thăm khám được từ xa.

Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Nguyễn Ngọc Việt nhận định, giáo dục luôn là lĩnh vực được các địa phương ưu tiên đầu tư, chiếm từ 40% tổng ngân sách địa phương. Song, đầu tư để các trường đạt chuẩn quốc gia tại các huyện còn nhiều khó khăn, nhất là “đuổi theo” các văn bản của cấp trên.

Còn về lĩnh vực văn hóa, rất cần bảo tồn các giá trị văn hóa mà với Hà Nội có những vấn đề nếu ngay bây giờ không làm, sau này không thể bảo tồn được, nên HĐND Thành phố đưa vấn đề này vào Kỳ họp là rất phù hợp.

“Để tránh tình trạng hơn 3.000 dự án bị đầu tư dàn trải, nhất là về văn hóa, cần tất cả các cấp, ngành có sự phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong đó, có sự đầu tư nhiều hơn cho các huyện để đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, nhất là về y tế và văn hóa”, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt đề xuất.

Xác định rõ lộ trình thực hiện

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị UBND Thành phố rà soát, có báo cáo cụ thể về khả năng thực hiện, thứ tự ưu tiên đầu tư cho 3 lĩnh vực này trong giai đoạn 2021-2025 (số dự án, số vốn đầu tư, cấp ngân sách đầu tư) cũng như làm rõ khả năng hấp thụ vốn, lộ trình thực hiện trong những năm tiếp theo và tránh nợ xây dựng cơ bản.

UBND Thành phố cần làm rõ lộ trình cụ thể tập trung, ưu tiên đầu tư và nêu rõ quan điểm ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho các công trình trường học, y tế của các địa bàn phấn đấu hoàn thành nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và các huyện đang xây dựng đề án lên quận.

Trong lĩnh vực y tế, một số ý kiến cho rằng, cần đầu tư đồng bộ các cơ sở y tế song song giữa cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hiệu quả sau đầu tư.

Với khối lượng đầu tư lớn, thủ tục phức tạp, các đại biểu đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư đặc biệt đối với các dự án di tích. Bên cạnh đó, rà soát kỹ lưỡng việc đầu tư cải tạo, tu bổ di tích, xếp hạng di tích trên tinh thần phát huy giá trị di tích gắn với tiềm năng du lịch, tránh đầu tư dàn trải, phát sinh khiếu kiện. Theo các đại biểu, có thể đầu tư từ 3 nguồn vốn đối với di tích tại địa phương gồm: Ngân sách Thành phố hỗ trợ, ngân sách địa phương và từ nhân dân nhằm bảo tồn và phát huy giám sát của người dân đối với di tích, nâng cao giá trị di tích và giảm gánh nặng bố trí nguồn lực của Thành phố.

Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát đầu tư cộng đồng để phát huy dân chủ và hiệu quả đầu tư; áp dụng công nghệ số để quản lý sau đầu tư; có giải pháp cụ thể tăng cường quản lý tiền công đức tại các di tích; thực hiện các giải pháp bổ sung nhân sự quản lý; tuyên truyền, quản lý di tích để phát huy hiệu quả đầu tư.../.

XS-H.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này