Miền đất hạnh phúc trên đỉnh mây ngàn

13:12 | 12/04/2022
(LĐTĐ) Nắng ấm lên, nhưng chẳng biết có phải do nằm ở độ cao với những dãy núi dựng đứng, trùng điệp, chờn vờn mây phủ mà ở Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) tiết trời vẫn mát và cho cảm giác se lạnh. Vùng đất này cũng thật lạ, thôi thúc làm người ta muốn đi, muốn đến. Đến để thấy những tia nắng mới bung tỏa trên những nếp nhà, đến để trải nghiệm miền đất hạnh phúc bên đỉnh Sơn Bạc Mây.
10 họa sĩ bày tranh, quyên tiền tặng học sinh vùng cao Sin Suối Hồ Nam Cát Tiên - Khu rừng cổ tích

Thêm một sải tay để chạm tới trời

Tôi đã đi nhiều nơi, ghé nhiều chốn nhưng quả thực, chẳng đâu lại làm tôi nhớ da diết như vùng đất Sin Suối Hồ này. Để đến được vùng đất được ví von là nơi “địa đàng Tây Bắc” nằm mãi bên đỉnh núi Sơn Bạc Mây cao 1.400m so với mực nước biển, quanh năm mây bay không hề dễ. Hôm ấy, chiếc xe 16 chỗ phải rù rì hơn mười cây số đưa tôi từ Lai Châu đến Thèn Sin, rồi từ đây ngược thêm hơn hai chục cây số đường núi chênh vênh mới lên đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Sin Suối Hồ.

Miền đất hạnh phúc trên đỉnh mây ngàn
Đến với bản du lịch cộng đồng, du khách sẽ không thể quên hình ảnh thân thiện của đồng bào nơi đây. Ảnh: Giang Nam

Đến nơi, giữa bồng bềnh mây trắng, tôi bất chợt nhận ra, lên Sin Suối Hồ tuy khó song sau chặng đường đầy gian nan, phần thưởng thích đáng là mây trắng bồng bềnh ôm lấy bản làng, vờn quanh núi rừng, khe suối như chốn bồng lai tiên cảnh. Mây che kín những dãy núi phía xa lẫn thung lũng bên dưới, chỉ còn lại những ngôi nhà như đang bay trên tấm thảm trắng. Tôi ngơ ngẩn ngắm nhìn ánh mặt trời len lỏi qua tầng mây dày đặc, thầm nghĩ, có lẽ chỉ cần thêm một sải tay nữa là chạm tới trời.

Thấy có khách ghé, luôn miệng “quý quá…!” đầy sự mộc mạc, thân thiện của đồng bào dân tộc Mông, ông Chẻo Quẩy Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bảo, Sin Suối Hồ là một địa phương vùng cao biên giới, xã hiện có trên 1.000 hộ dân. Hiện đời sống người dân đã có nhiều cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm.

Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”. Nơi được gọi tên “suối có vàng” này, thì tiềm năng tự nhiên và nét văn hóa đặc sắc chính là “mỏ vàng” vô giá, vô tận giúp đồng bào Mông vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương. May mắn thay, người dân nơi đây đã tìm ra “vàng” của bản thân, để từ đó thay đổi cuộc sống.

Có một điểm rất sáng từ những thông tin ông Chẻo Quẩy Hòa chia sẻ đó là địa phương xác định rõ du lịch là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế và đang đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao đời sống người dân. Chẳng khó để thấy khi lượng khách tìm đến nơi đây mỗi năm một tăng. Ở xã còn có bản Sin Suối Hồ, một điển hình trong phát triển du lịch cộng đồng. Không chỉ đơn thuần sống nhờ cấy lúa, dặm thêm ngô, thảo quả, sơn tra… bản Sin Suối Hồ mỗi năm còn thu về hàng tỷ đồng từ tiền bán địa lan. Như để lý giải cho luận cứ của mình, ông Chủ tịch xã tách bạch, mỗi chậu địa lan của Sin Suối Hồ bình quân 10 cành/chậu, thương lái lên tận đây đặt giá 200.000 đồng/cành, đổ đồng 2 triệu mỗi chậu địa lan. Dĩ nhiên, đó là giá bán tại vườn, ngay khi rời bản Sin Suối Hồ này, giá địa lan sẽ được thương lái đẩy lên gấp nhiều lần.

Để địa lan cho “trái ngọt”, công đầu có lẽ phải kể đến cho Trưởng bản Vàng A Chỉnh. Anh Chỉnh là người được đồng bào tín nhiệm bầu là trưởng bản hơn 10 năm qua. Không chỉ vậy, anh còn là người tiên phong đưa mô hình du lịch cộng đồng đến với đồng bào Mông nơi đây.

Theo lời anh Chỉnh, khoảng năm 2009, khi ấy bản thân anh hay đi rừng, thấy một loại cây cho hoa rất đẹp nên lấy về trồng thử ở trước cửa nhà 2 chậu. Giáp Tết 2011, cả 2 chậu hoa ấy đều cho nhiều nụ rất đẹp. Tình cờ có mấy người dưới xuôi lên chơi, họ nhìn chậu hoa tỏa sắc rực rỡ nên trả giá luôn 3 triệu đồng/chậu. Thấy thứ cây của mình cho thu nhập cao, anh Chỉnh đã hướng dẫn người trong bản tìm và nhân giống địa lan. Sau 2 năm thì lứa lan bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi hộ thu gần 100 triệu đồng. Thấy lợi nhuận từ địa lan rất cao nên các hộ trong bản đã cùng nhau làm và ngày càng mở rộng.

Đến giờ, địa lan đã trở thành “đặc sản” của bản Sin Suối Hồ. Chỉ tay về những nụ hoa địa lan e ấp giọt sương mai, anh Chỉnh tâm sự: “Chẳng biết có phải là một đặc ân từ thiên nhiên hay không, nhưng có một điều đặc biệt là hoa địa lan rất đẹp. Dù quanh năm buốt giá nhưng cứ đúng dịp, khi những ngọn nắng mang hơi ấm của mùa xuân về thì địa lan lại khoe sắc thắm”.

Miên man về giá trị của địa lan, bất giác những lối nhỏ ngập hoa đưa tôi dạo một vòng quanh bản Sin Suối Hồ. Tôi càng thêm ấn tượng bởi sự sạch sẽ, ngăn nắp của bản nhỏ này. Những gia đình người Mông trong bản đã biết làm nhà trình tường trệt cách xa chuồng trại gia súc. Trên những lối nhỏ quanh bản tuyệt nhiên không có rác rưởi hay chất thải của gia súc. Ngay đầu bản là không gian sinh hoạt chung, nơi đám trẻ vui đùa hồn nhiên, nơi những người phụ nữ Mông ngồi dệt thổ cẩm, may áo, khâu túi làm mặt hàng lưu niệm.

Chuyển mình bên đỉnh Sơn Bạc Mây

Anh Vàng A Chỉnh kể, năm 2015, khi có chủ trương gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sin Suối Hồ, anh và bà con trong bản rất bỡ ngỡ. Anh đúc rút ra rằng, bắt tay vào làm không khó nhưng để thay đổi tư duy của bà con là điều khó nhất. Bởi người Mông ở Sin Suối Hồ vốn quen làm nương rẫy, nuôi trâu bò, khi vận động làm đường bê-tông thay đường đất, chuyển đàn vật nuôi ra xa khỏi nơi sống… nhiều người đã phản đối. Nhưng sau những ngày kiên trì vận động, và thấy những lợi ích lâu dài mà những việc trên mang lại, tất thảy bà con đều đồng lòng, hưởng ứng.

Miền đất hạnh phúc trên đỉnh mây ngàn
Bản Sin Suối Hồ có hơn 20 hộ làm homestay, có thể phục vụ hơn 200 khách lưu trú/ngày.

Anh Chỉnh khoe, từ 1 - 2 hộ ban đầu, đến nay cả bản Sin Suối Hồ có hơn 20 hộ làm homestay, có thể phục vụ hơn 200 khách lưu trú/ngày. Nhà nào không làm homestay thì nuôi lợn, nuôi gà, trồng địa lan, trồng đào, mận, táo mèo, thảo quả, dệt vải… mô hình kinh doanh khép kín, cùng hưởng lợi.

Ngoài cảnh quan, môi trường phong quang, anh Chỉnh đúc rút kinh nghiệm rằng, đồng bào Mông bên cạnh thay đổi nếp ở thì cũng cần phải giữ bản sắc của mình thì khách mới quý. Bởi vậy, các căn nhà trong bản đều giữ nét truyền thống làm bằng gỗ. Hằng ngày, người dân vẫn tự tay dệt vải thổ cẩm để may trang phục cho mình.

Tôi hỏi anh Vàng A Chỉnh, năm vừa rồi kinh doanh du lịch nhìn chung là ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Sin Suối Hồ có chật vật lắm không? Trưởng bản cười tươi bảo, bản thân anh và bà con xây dựng bản như ngày nay là để ở, để sống, đẹp và sạch. Khách du lịch chỉ là những người đến rồi đi, không ai ghé thăm thì Sin Suối Hồ vẫn hằng ngày an lành, hạnh phúc.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này