Tăng lương tối thiểu – đã đến thời điểm chín muồi

12:30 | 10/04/2022
(LĐTĐ) Trong bối cảnh người lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chỉ số giá tiêu dùng đang tăng nhanh thì việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Từ đó, sẽ có căn cứ để các doanh nghiệp, người lao động và Công đoàn thương lượng xây dựng thang bảng lương, tăng thu nhập cho người lao động.
Mong muốn sớm được tăng lương tối thiểu vùng Tiếp tục đề xuất tăng lương tối thiểu vùng Để thu hút lao động: Đảm bảo việc làm phải gắn liền với tiền lương và phúc lợi

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương tối thiểu là sàn để bảo vệ người lao động yếu thế và là căn cứ để thương lượng tiền lương cho người lao động, đồng thời để điều tiết thị trường lao động.

Tăng lương tối thiểu – đã đến thời điểm chín muồi
Trong bối cảnh người lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chỉ số giá tiêu dùng đang tăng nhanh thì việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết.

Thực tế cho thấy, đời sống của người lao động hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều cuộc khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam đều khẳng định tiền lương của người lao động chỉ đủ trang trải cuộc sống, thậm chí nhiều người làm thêm giờ mới đủ để trang trải cuộc sống, nghĩa là họ không có tích lũy. Mặt khác, hiện nay giá cả các mặt hàng không ngừng tăng lên, khiến cho đời sống của người lao động càng thêm khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu rất cần thiết để người lao động đảm bảo đời sống.

Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, mức lương trung bình của người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay là khoảng 6 triệu đồng/tháng. Thực tế, với mức lương này, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cuộc sống hằng ngày, chưa nói đến việc tích lũy hay tái tạo sức lao động. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của người lao động giảm sút, cuộc sống càng khó khăn hơn.

“Chính vì vậy, người lao động rất mong Chính phủ sớm ban hành Nghị định tăng mức lương tối thiểu vùng; tiền lương tối thiểu vùng phải thực sự đáp ứng được mức sống tối thiểu cho người lao động. Từ đó, sẽ có căn cứ để các doanh nghiệp, người lao động và Công đoàn cơ sở thương lượng xây dựng thang bảng lương, tăng thu nhập cho người lao động”, ông Lê Đình Hùng nhấn mạnh.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, căn cứ để điều chỉnh mức lương tối thiểu có nhiều yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; mối tương quan giữa mức lương trên thị trường và mức lương tối thiểu; năng suất lao động; chỉ số giá tiêu dùng và điều kiện kinh tế xã hội; quan hệ cung cầu lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp…

Theo ông Lê Đình Quảng, xét những căn cứ nêu trên, từ năm 2020 đến nay, có rất nhiều yếu tố đã thay đổi, đảm bảo cho sự chín muồi để phải xem xét để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, những tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng rất nhanh, giá cả các mặt hàng tăng đồng nghĩa với tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút. Trong khi người lao động gặp vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19, lại thêm áp lực chỉ số giá tiêu dùng tăng cao khiến đời sống của họ càng gặp khó khăn.

Mặt khác, cung cầu lao động hiện nay đang thay đổi rất nhiều. Có những doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu theo đúng quy định thì rất khó thu hút được người lao động. Bên cạnh đó, lâu nay, các doanh nghiệp thường căn cứ vào sự điều chỉnh mức lương tối thiểu hằng năm để điều chỉnh tiền lương ở doanh nghiệp. Từ 2020 đến nay, do mức lương tối thiểu vùng không được điều chỉnh nên doanh nghiệp cũng không tăng lương cho người lao động dẫn đến tình trạng quan hệ lao động bất ổn.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế có bước phục hồi ngoạn mục. Như vậy, đã đủ các yếu tố cần thiết để điều chỉnh mức lương tối thiểu nhằm đảm bảo cho người lao động có cuộc sống tốt hơn, đồng thời đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định; giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do thiếu hụt lao động.

Đặc biệt, khi người lao động được điều chỉnh mức lương tối thiểu, được hưởng mức lương thỏa đáng thì họ sẽ có động lực để làm việc với tinh thần trách nhiệm, hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh, bản chất tiền lương là giá cả sức lao động, là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường. Như vậy, về lâu dài, bên cạnh việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng thì Công đoàn cần tăng cường vai trò đại diện người lao động để đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về mức tiền lương thực tế của người lao động theo đúng giá trị sức lao động của họ, đồng thời cần căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này