Minh bạch chính sách để hút vốn đầu tư vào ngành điện

19:43 | 09/04/2022
(LĐTĐ) Để thu hút dòng vốn đầu tư vào ngành điện, theo đánh giá của các chuyên gia, việc rõ ràng, minh bạch về chính sách là một trong những yếu tố then chốt để tìm ra được các nhà đầu tư dài hạn và sẽ loại bỏ những nhà đầu tư có tư tưởng "lướt sóng".
Hà Nội hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2022: Kiến tạo tương lai - bây giờ hoặc không bao giờ Ngành Điện miền Bắc hỗ trợ cộng đồng Tưng bừng Hội thao công nhân viên chức lao động EVN Hà Nội năm 2021

Chia sẻ tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện", ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam theo tính toán là 141,59 tỷ USD, trong đó phần nguồn điện là 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD. Bình quân vốn đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,16 tỷ USD/năm (trong đó phần nguồn khoảng 12,72 tỷ USD/năm và phần lưới khoảng 1,41 tỷ USD/năm)…

Minh bạch chính sách để hút vốn đầu tư vào ngành điện
Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện"

Thông tin thêm về định hướng phát triển nguồn điện, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cho hay, mục tiêu là xây dựng, phát triển ngành điện độc lập, tự chủ và hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là các nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Tăng cường nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng.

Bên cạnh đó, từng bước loại bỏ một cách mạnh mẽ các nguồn điện không thân thiện với môi trường và thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, nghiên cứu phương án chuyển đổi dần nhiên liệu cho nguồn điện than sang Biomass, Amoniac; chuyển đổi nhiên liệu cho điện khí sang sử dụng Hydrogen. Đồng thời, cân đối cung - cầu theo vùng, miền và toàn hệ thống điện quốc gia phải tối ưu, giảm truyền tải điện xa, giảm đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng.

“Việc đầu tư các nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới cần cụ thể hóa nhanh nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc trung hòa Carbon vào năm 2050”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến vấn đề trên, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ, từ năm 2020 đến nay, dự phòng do tăng trưởng phụ tải hầu như không có. Do đó, mỗi quốc gia cần cân đối tỷ trọng các nguồn điện hợp lý, cùng chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào ngành điện. Ông Nguyễn Tài Anh cũng chỉ ra: “Với 14 tỷ USD/năm đã tăng hơn nhiều mức 9 tỷ USD/năm của giai đoạn trước. EVN chỉ là một phần, chúng tôi không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế”.

Gợi ý về một số giải pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện, tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, để thu hút đầu tư mạnh mẽ cho ngành điện, việc quan trọng là cần giải quyết được các vấn đề như, hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, minh bạch về giá điện; tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả; hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo...

Minh bạch chính sách để hút vốn đầu tư vào ngành điện
Cần rõ ràng, minh bạch chính sách để hút vốn đầu tư vào ngành điện

Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhìn nhận, quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII đang tập trung tính toán nhu cầu phát triển, từ đó đưa ra quy mô vốn đầu tư. Vấn đề này cần bàn thêm nhiều, ngay cả khi Quy hoạch VIII được thông qua.

"Nhà đầu tư quan tâm chi phí có được tính toán vào giá điện hay không, nên phải đẩy mạnh thị trường, tìm được nhà đầu tư thực hiện dự án với chi phí thấp nhất để tăng tính hiệu quả. Và đặc biệt, cần tìm ra được nhà đầu tư dài hạn, loại bỏ những nhà đầu tư có tư tưởng "lướt sóng", ông Phạm Minh Hùng thẳng thắn.

Ngoài ra, để đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cho biết, trong thời gian tới, cần tập trung phát triển nguồn và phụ tải một cách cân bằng, hạn chế tối đa truyền tải liên miền và xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền giai đoạn tới năm 2030. Xã hội hóa việc đầu tư phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối các nguồn điện, nhằm giảm gánh nặng đầu tư cho ngành điện.

Đồng thời, chỉ đạo đảm bảo tiến độ các dự án nguồn đang trong quá trình xây dựng như thủy điện Hòa Bình mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch I; Đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào; tiếp tục đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc; Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là khu vực miền Bắc; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các đường dây 500 kV để tăng cường năng lực truyền tải liên miền Bắc - Trung, tăng cường cải tạo, nâng cấp lưới điện tại các khu vực tập trung nhiều nguồn năng lượng tái tạo để khai thác tối đa các nguồn hiện có…

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này