Xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình: Có đủ sức răn đe?

10:40 | 05/02/2015
Theo đề xuất vừa được Bộ Tư Pháp đưa ra lấy ý kiến đối với dự thảo lần thứ 4, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/20013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình, người đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người khác, hoặc đang chung sống như vợ chồng với người khác sẽ bị phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng. Tuy nhiên, đề xuất vừa được đưa ra đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Được biết, ngay sau khi bản dự thảo được đưa ra cùng với đề xuất xử phạt người có hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể là việc xử phạt những người có hành vi ngoại tình, nhiều ý kiến cho rằng: Liệu mức xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng có quá nhẹ? Chị Hồng Châm, một nhân viên y tế ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Việc chồng hoặc vợ có quan hệ bất chính với người khác là một hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, vì thế việc xử phạt tiền là hợp lý. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng cho hành vi này là quá nhẹ. Mức xử phạt chưa khiến cho những người đang ngoại tình, hoặc có ý định ngoại tình sợ. Theo tôi nghĩ, với hành vi này thì pháp luật phải xử phạt ít nhất từ 10 triệu đồng trở lên”.

Cùng chung quan điểm với chị Châm, anh Duy Khánh một nhân viên công ty truyền thông ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay: “Hành vi ngoại tình gây ra những bi kịch trong gia đình như bạo hành, đánh ghen, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tự sát hoặc giết người vì ghen tuông. Như vậy mức xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng là quá nhẹ”.

Điều 48 của dự thảo quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng đề xuất mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một loạt hành vi như sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng/vợ; đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng/vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Cũng theo anh Khánh dự thảo còn nhiều bất cập. Ví như: Ngoại tình ở mức độ như thế nào thì sẽ bị xử phạt hoặc ngoại tình lần đầu sẽ xử phạt như thế nào và ngoại tình nhiều lần sẽ xử phạt ra sao? Hay như trường hợp “vô tình” và cố tình ngoại tình sẽ xử lý mức độ nào? Hành vi thế nào thì bị cho là “đang chung sống như vợ chồng với người khác?

Ở một góc độ khác, chị Lê Thị Vân ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, một người bạn chị có chồng ngoại tình, nhưng bạn chị vẫn chấp nhận vì bạn chị bị mắc bệnh tim “sức khỏe” yếu. Trong khi đó bạn chị lại không muốn ly hôn, và người chồng dù ngoại tình nhưng cũng không bỏ vợ. Trường hợp như vậy sẽ xử phạt như thế nào?
Khi được hỏi nhiều người đồng tình với ý kiến cho rằng, phạt tiền như dự thảo nghị định đưa ra sẽ không thể ngăn chặn được hành vi ngoại tình.

Sẽ có nhiều người chấp nhận nộp phạt để ngoại tình. Bởi thực tế với không ít người số tiền họ cho bồ hoặc người tình còn lớn hơn rất nhiều số tiền phạt. Thiết nghĩ, pháp luật nên tăng mức xử phạt, bên cạnh đó nếu phát hiện trường hợp nào ngoại tình thì nên công bố danh tính, địa chỉ, hoặc gửi thông báo về cơ quan…
Trao đổi với phóng viên báo LĐTĐ về dự thảo luật xử phạt hành vi vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, theo Nghị định 110/2013 của Chính phủ, luật sư Hà Đăng, giám đốc Công ty luật Hà Đăng cho rằng: “Dấu hiệu điển hình của tội danh "vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng" là ngoại tình và "chung sống với nhau như vợ chồng". Tuy nhiên, việc sống với nhau như vợ chồng thì khó đánh giá. Trên thực tế, người ngoại tình có thể chỉ sống với nhau vài ngày, vài tháng, hoặc có thể vài ngày. Bên cạnh đó họ không có tài sản chung nên khó xác định hành vi để áp dụng chế tài xử phạt. Trong khi đó dự thảo luật quy định xử phạt từ 1 – 3 triệu cho hành vi ngoại tình là quá nhẹ, khó răn đe”.

Thiết nghĩ, vi phạm hôn nhân gia đình, cụ thể là ngoại tình không chỉ vi phạm luật pháp mà con là sự suy đồi đạo đức, nhân cách. Vậy giá nào để có thể xử phạt hành vì này, đây cũng là một trong những câu hỏi của nhiều độc giả xung quanh dự thảo về xử phạt vi phạm hôn nhân gia đình.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này