Giỗ Tổ Hùng Vương - Hướng về nguồn cội dân tộc

11:26 | 09/04/2022
(LĐTĐ) Cứ đến ngày 10/3 âm lịch, dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, hướng về vùng đất cội nguồn, là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Thời tiết dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên cả nước diễn biến ra sao? Bến xe Mỹ Đình vắng khách trước dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Giỗ tổ Hùng Vương

Chuẩn bị chu đáo cho Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương Nhâm Dần 2022 gắn với lễ kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công tác tổ chức Giỗ Tổ năm nay được tỉnh Phú Thọ điều chỉnh để phù hợp và thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch với phương châm lấy người dân làm trung tâm, tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Hướng về nguồn cội dân tộc

Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần - 2022 tổ chức tổng duyệt Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương.

Với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”, phần Lễ tại Giỗ Tổ Hùng Vương gắn với các nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương năm nay tập trung vào các hoạt động chính: Lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/4/2022 (tức mùng 6/3 năm Nhâm Dần); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày 10/4/2022 (tức mùng 10/3 năm Nhâm Dần).

Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng do các địa phương chủ động, đảm bảo điều kiện, tình hình thực tế. Đối với Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu Di tích về Đền Hùng, điều chỉnh số lượng người tham gia nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, tỉnh Phú Thọ cũng lựa chọn 12 nội dung phần hội là các hoạt động hội truyền thống, được tổ chức ở quy mô phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Nổi bật là chương trình nghệ thuật gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; màn bắn pháo hoa tầm cao tại Hồ Công viên Văn Lang ngày 9/4/2022 (tức mùng 9/3 năm Nhâm Dần); Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy; Hội thi Bơi chải trên Hồ Công viên Văn Lang (không tổ chức Hội thi Bơi chải trên Sông Lô)…

Qua đó, giúp du khách được trải nghiệm nghi lễ thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ.

Đặc biệt, năm nay tỉnh Phú Thọ tiếp tục vận động, khuyến khích các gia đình trên địa bàn tỉnh tự chuẩn bị mâm cơm đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên của dân tộc trong ngày 10/3 âm lịch.

Phát huy thành công của công tác tổ chức lễ hội từ những năm trước, để Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần - 2022 diễn ra an toàn, trang nghiêm, thành kính, tỉnh Phú Thọ đã thành lập Ban Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần - 2022; phân công nhiệm vụ cho các thành viên để tổ chức tốt các hoạt động theo từng nội dung công việc cụ thể. Chỉ đạo Khu Di tích lịch sử Đền Hùng xây dựng kịch bản phần lễ đảm bảo phù hợp công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng chương trình hoạt động chi tiết, điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động, tạo điều kiện để người dân thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Chủ trương của tỉnh trong công tác tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay là tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động, tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên. Ban Tổ chức cũng đã xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, chống ùn tắc giao thông, công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Hướng về nguồn cội dân tộc

Lễ dâng hương sẽ được cử hành trọng thể vào lúc 7h00, ngày 10/4/2022 (tức mùng 10/3 năm Nhâm Dần).

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn” nên Giỗ Tổ Hùng Vương 1946 - sau khi Chính phủ mới được thành lập - là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học bách khoa Hà Nội)

Năm ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm.

Sau kháng chiến thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ (7/5/1954), ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975: Sau 30 năm gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang san thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch). Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày 02/4/2007, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc Lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ, nhân dân cả nước có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước. Mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin chói sáng của một nền văn hóa.

Từ trong ý thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: “Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi”.

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này