Xin hãy lắng nghe hơi thở của con mình

12:02 | 07/04/2022
(LĐTĐ) Trong mấy tháng gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng đã xảy ra một số vụ trẻ em chán nản cuộc sống, xuất phát từ những lý do như áp lực học hành...Từ những vụ việc này, nhiều phụ huynh phải nhìn nhận lại áp lực mà con em mình đang gánh, họ cần biết lắng nghe từng hơi thở của con để tránh những điều đáng tiếc xảy ra…Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi không gợi lại những vụ việc thương tâm đã qua, mà chỉ mong muốn từ những câu chuyện của những người ít nhiều đã từng đi qua những tổn thương và ý kiến của các chuyên gia tâm lý mà chúng tôi chia sẻ, có thể giúp các bậc phụ huynh và con em mình tìm thấy “tiếng nói chung” để cùng thấu hiểu và chia sẻ trên hành trình trưởng thành của con.
Hệ lụy đau lòng khi cha mẹ chạy theo thành tích Điều gì quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm cho con mình? Tuyệt chiêu giúp con nuôi dưỡng tư duy “không sợ hãi”

Đồng hành cùng con, hạnh phúc cùng con

Nói về những câu chuyện đau lòng xảy ra gần đây liên quan đến các em học sinh, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cho biết, thời đi học anh chỉ học giỏi văn, còn nhiều môn như toán, lý, sinh đều như “vịt nghe sấm”. Học giỏi văn nhưng anh thi trượt trường báo chí đến 3 lần. Sau đó, anh ôn luyện mỹ thuật trong thời gian ngắn, đậu 3 trường đại học, cao đẳng.

Xin hãy lắng nghe hơi thở của con mình
Phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho con. Ảnh minh họa

Anh chia sẻ: “Có lẽ vì vậy mà khi có con, ngoài mong các con luôn khoẻ mạnh, vui vẻ, hạnh phúc, ngoan ngoãn, biết yêu thương, sống tử tế, còn chuyện học hành tôi luôn thấy nhẹ nhàng, chỉ mong các con đi học biết đọc, biết viết, hiểu tiếng Việt, biết tính toán cộng trừ nhân chia. Tôi luôn quan sát, tìm hiểu xem các con có khả năng gì, thích gì thông qua những hoạt động hàng ngày để từ đó hướng các con theo những gì thuộc về khả năng, sở thích.

Tôi luôn suy nghĩ các con đi học như đi chơi nên không bao giờ tạo bất kỳ áp lực nào, mong các con vui khoẻ là được. Những người tài năng, sẽ phát triển một cách bản năng, tự nhiên, và khi được sống với sở thích, đam mê đứa trẻ sẽ tự động nghiêm túc và cố gắng để đạt được điều mà con muốn. Quan điểm dạy con của tôi có thể đúng, có thể sai với một số người, nhưng quan trọng nhất các con của mình chắc chắn sẽ hạnh phúc”.

Là một chuyên gia tâm lý giáo dục, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, với tuổi học trò, ngoài hoạt động chủ đạo là học tập, học sinh cũng cần giao tiếp, kết nối với bạn bè, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ngoài môi trường xã hội. Việc bị đứt gãy các hoạt động này do dịch Covid- 19 khiến trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cảm thấy cô độc, sợ hãi.

Các em cũng phải chịu thêm áp lực học hành khi học trực tuyến không hiệu quả bằng trực tiếp nhưng vẫn phải hoàn thành các loại bài tập, việc tiếp xúc nhiều với máy tính dễ gây mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều trẻ còn bị áp lực từ cha mẹ khi bị giám sát suốt cả ngày. Thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần cho thấy tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tăng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân.

Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường mong muốn các bậc phụ huynh luôn là người bạn đồng hành để lắng nghe, chia sẻ, tâm tư của con để tránh những việc đau lòng xảy ra.

Nhà thơ Phong Việt nói từ những vụ việc đã xảy ra trước đây, anh rút kinh nghiệm rằng không đặt nặng áp lực học hành với con: “Ngày nào khi con đi học về, tôi cũng chỉ hỏi con vui không. Con vui là được, không cần quá giỏi, chạy đua. Ai đó có thể chê bai, miễn con vui, thoải mái là được. Tôi không bao giờ cần con có thành tích cao, chỉ cần lên lớp là được. Con phải sống vui, sống khoẻ”.

Chị Mai Hương (phụ huynh có con gái đang học lớp 8) nói chị luôn tự nhủ có thể chưa phải là người mẹ tốt, nhưng phải làm bạn tốt của con. Chị và ông xã đều không soi xét chuyện học tập của con, dẫu đôi lúc thấy con của phụ huynh khác học nhanh, nói tiếng Anh lưu loát chị cũng sốt ruột.

Chị kể, từ khi làm mẹ đã học được sự kiên nhẫn. Chị quan sát kỹ để tìm ra nguyên nhân con chưa học tốt nhưng không gây áp lực. Bởi, chị muốn con phải đến trường với tâm lý vui vẻ, thích thú. Cách đây không lâu, chị nằm nghe con tâm sự, rằng làm sao để học giỏi hơn, để bằng bạn bè... Chị trấn an con nhưng bé vẫn tự ý thức học tốt. Đó là điều xuất phát tự thân, không chịu bất kỳ áp lực nào từ gia đình. Theo chị, việc lắng nghe con rất quan trọng.

Anh Đức Long (đang là nhân viên kinh doanh) kể từ nhỏ anh đã phải chịu áp lực của việc học thêm, đến khi lên bậc phổ thông, vào đại học rất nhiều lần bật khóc vì áp lực từ bố mẹ. “Bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con cả, muốn con học hành tử tế để có vị trí tốt trong xã hội. Nhưng ánh mắt dò xét của xã hội vô tình tạo cho phụ huynh Việt Nam thói quen so sánh: Con mình phải hơn điểm người này người kia mới nở mày nở mặt. Khi ra đời đi làm, tôi cảm thấy việc học đạt điểm cao hay không không còn là vấn đề nữa. Điều cần học để thành công đó là học cách đối nhân xử thế, học làm người. Học để lấy kiến thức căn bản để làm nền móng vững chắc, chứ không phải học để chạy đua về điểm số. Học để có suy nghĩ tiến thủ, để bước ra đời không vì vấp ngã mà từ bỏ”, anh Long nói.

Là người đang có con trai theo học lớp 11, anh Nguyễn Thái Hòa chia sẻ anh rất đau lòng về những vụ việc xảy ra gần đây. Anh Hòa mong muốn, các bậc cha mẹ hãy thấu hiểu con mình như những người bạn. Hãy tôn trọng ý kiến của con và khi con tâm sự bất kì điều gì hãy làm ơn tin rằng nó đang thực sự rất nghiêm túc với vấn đề đó. Đừng để những ham muốn của bản thân vô tình đè nặng áp lực lên con cái đến mức xuất hiện sự trầm cảm muốn giải thoát.

Thường xuyên tương tác, trò chuyện cùng con

Bàn về việc nhiều bậc phụ huynh đặt quá nhiều áp lực đối với con em mình, khiến các em dần mất đi sự ngây thơ vốn có mà xen vào đó là cảm giác chán nản, sợ hãi, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thu nói, đối với mỗi đứa trẻ, tuổi thơ cần có nhiều niềm vui và kỷ niệm. Sau này khi lớn lên, những lúc nghĩ về thời thơ ấu của mình, các em sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.

Xin hãy lắng nghe hơi thở của con mình
Tạo cho các em học sinh những sân chơi bổ ích để phát triển.

Vì vậy khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con cái hơn. Nếu trẻ bị ép học quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy như cha mẹ không còn yêu thương mình nữa. Dần dần, trẻ sẽ không muốn nói chuyện và xa lánh cha mẹ. Tuổi thơ của một đứa trẻ thiếu thốn tình thương của cha mẹ sẽ là cái bóng lớn ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý và nhân cách.

Bi kịch của trẻ em là bố mẹ và người thân luôn xem chúng là trẻ con, thay vì nhìn nhận các con đang lớn rất nhanh. Mong các con thông cảm cho bố mẹ, họ cũng mong tốt cho các con nhưng có thể không phải là cách các con muốn.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thu cũng cho rằng, rất nhiều cha mẹ bắt ép con học theo ý mình thay vì lắng nghe sở thích và nguyện vọng của con. Khi một đứa trẻ không thích việc học nhưng lại hứng thú với những thứ khác, nếu cha mẹ không hiểu, không tôn trọng sự khác biệt đó sẽ vô tình ngăn cản sự phát triển tài năng của con mình và khiến trẻ cảm thấy bất hạnh.

Dưới áp lực nặng nề của việc học, cùng với việc cha mẹ không thấu hiểu, lắng nghe tâm tư của con cái, nhiều đứa trẻ chọn cách nổi loạn hay buông thả bản thân khi không thể tiếp tục chịu đựng được nữa. Từ đó, có nhiều đứa trẻ đã bị tự kỉ, bỏ nhà ra đi hoặc đau lòng hơn đã chọn cách tự tử để giải thoát.

Vì vậy, cha mẹ cần phải giảm bớt những áp lực, kỳ vọng, căng thẳng vào con cái mình, thường xuyên tương tác, trò chuyện để chúng nói ra những suy nghĩ của bản thân. Hãy lắng nghe, tôn trọng và tạo cảm xúc cho trẻ là điều quan trọng nhất./.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này