Hướng tới Đại hội Công đoàn các cấp: Xây dựng chương trình hành động mang tính đột phá

10:49 | 05/04/2022
(LĐTĐ) Đại hội Công đoàn các cấp thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2023-2028 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ, là ngày hội của cán bộ, đoàn viên Công đoàn và của các cấp Công đoàn Thành phố theo phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”. Đặc biệt, LĐLĐ Thành phố yêu cầu, tại Đại hội, cần thảo luận, làm rõ các thách thức đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, các chương trình hành động mang tính đột phá của nhiệm kỳ.
Tích cực thi đua, hướng tới Đại hội Công đoàn các cấp Đại hội Công đoàn cấp cơ sở được tổ chức và hoàn thành trước 31/5/2023 Nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố Hà Nội

Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển

Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường mới đây đã ký ban hành Kế hoạch số 19/KH-LĐLĐ về tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028. Theo đó, Đại hội Công đoàn các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ, là ngày hội của cán bộ, đoàn viên Công đoàn và của các cấp Công đoàn thành phố theo phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”.

Hướng tới Đại hội Công đoàn các cấp: Xây dựng chương trình hành động mang tính đột phá
Đại biểu dự Đại hội XVI Công đoàn thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2018 - 2023 nêu ý kiến trong buổi đối thoại với lãnh đạo Thành phố.

Đại hội Công đoàn các cấp có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ qua, đánh giá đúng thực trạng tình hình công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn, rút ra bài học kinh nghiệm, chỉ rõ yếu kém tồn tại và nguyên nhân để đề ra mục tiêu, chỉ tiêu và xây dựng phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ mới; quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các Nghị quyết, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, đặc biệt là Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” vào phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Công đoàn Thủ đô.

Trong Kế hoạch, LĐLĐ Thành phố đưa ra những yêu cầu cụ thể, chi tiết về nội dung; thời gian, tiến độ tổ chức Đại hội, Hội nghị Công đoàn các cấp; phương thức tiến hành; hình thức tổ chức và một số yêu cầu khác. Trong đó, Báo cáo trình Đại hội, Hội nghị phải cần ngắn gọn, có số liệu cụ thể để phân tích, đánh giá đúng, thẳng thắn, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn; vai trò, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trong nhiệm kỳ qua; đồng thời đi sâu phân tích, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các Nghị quyết và chương trình của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn thành phố Hà Nội, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên trực tiếp đã đề ra. Từ đó, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (chủ quan, khách quan), rút ra bài học kinh nghiệm để nhiệm kỳ mới thực hiện tốt hơn.

Làm rõ các thách thức đặt ra với tổ chức Công đoàn

LĐLĐ Thành phố yêu cầu, về phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới đề cập trong Báo cáo chính trị Đại hội, Hội nghị phải bám sát nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Nghị quyết của cấp ủy Đảng; Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Công đoàn cấp trên.

Trong đó, Báo cáo cần nghiên cứu xây dựng các chương trình đột phá, chương trình hành động mang tính nhiệm kỳ để trình Đại hội; cần tập trung vào nội dung, giải pháp thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; công tác phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Báo cáo tổng kết phải có các phụ lục về số liệu để minh hoạ.

Về tham luận tại Đại hội, LĐLĐ Thành phố yêu cầu tham luận tập trung thảo luận các thách thức đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức và nội dung hoạt động Công đoàn, các chương trình đột phá, chương trình hành động mang tính nhiệm kỳ ở đơn vị, ngành, địa phương; bổ sung những nội dung quan trọng cần được các cấp Công đoàn quan tâm giải quyết và các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đoàn viên Công đoàn Việt Nam.

Các Đại hội cần tăng cường thảo luận nhóm, thảo luận tổ và khuyến khích tranh luận về những vấn đề cụ thể được cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động quan tâm, đề xuất, kiến nghị. Trong trường hợp cần thiết, khuyến khích tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, chuyên môn hoặc chính quyền đồng cấp về những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng khuyến khích các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong quá trình chỉ đạo Đại hội, Hội nghị Công đoàn cơ sở tiến tới Đại hội Công đoàn ở cấp mình nên lựa chọn những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; những nội dung quan trọng cần được tổ chức Công đoàn quan tâm giải quyết; các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đoàn viên; những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau... để tổ chức các hội thảo, hội nghị tọa đàm chuyên đề để thảo luận và tổng hợp đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội và đề xuất với Công đoàn cấp trên./.

Về thời gian tổ chức Đại hội, Hội nghị Công đoàn các cấp, LĐLĐ Thành phố đặt ra như sau: Đối với Đại hội, Hội nghị cơ sở: (Bao gồm cả Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội) được tổ chức và hoàn thành trước ngày 31/5/2023. Đối với những Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quản lý từ 200 Công đoàn cơ sở trở lên được tổ chức Đại hội, Hội nghị Công đoàn cơ sở sớm hơn, bắt đầu từ tháng 12/2022.

Đại hội Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ được tổ chức sau khi hoàn thành việc chỉ đạo tổ chức Đại hội, Hội nghị Công đoàn cơ sở trực thuộc đơn vị mình được phân cấp quản lý, hoàn thành trước ngày 31/7/2023.

Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII được tiến hành sau khi hoàn thành việc chỉ đạo tổ chức Đại hội Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố Hà Nội, hoàn thành trước 31/10/2023.

Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội yêu cầu các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai đến các cấp Công đoàn để tổ chức thành công Đại hội, Hội nghị Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023- 2028 và nhấn mạnh: Việc tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp phải tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, coi trọng chất lượng, tiết kiệm về thời gian và kinh phí, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này