Nghịch lý ở 2 huyện Vũ Quang và Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh:

Nhiều hộ dân "khát nước" sạch vì nhà máy nước "đắp chiếu"!

13:09 | 08/04/2022
(LĐTĐ) Mặc dù đã xây dựng nhà máy nước sạch nhưng nhiều hộ dân ở 2 huyện Vũ Quang và Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang “khát nước”. Vì sao lại có nghịch lý này?
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kiểm tra tiến độ nhà máy nước thải Yên Xá Hà Nội: Tiếp tục nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch Hà Nội tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hệ thống cấp nước sạch Hà Nội tiếp tục lấy mẫu nước để tiến hành xét nghiệm

Theo phản ánh của người dân, cộng tác viên báo Lao động Thủ đô tiếp cận mục sở thị, tại xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ - nơi đã xây dựng nhà máy nước sạch để cung cấp nước cho người dân do ảnh hưởng từ nguồn nước nhiễm xăng dầu và nước phèn. Tuy đã được Nhà nước cũng như tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng, nhưng sau khi hoàn thành lại không phát huy được vai trò, khiến người dân vẫn chưa được sử dụng nguồn nước nhiều năm qua.

Tại nhà máy nước sạch này chúng tôi ghi nhận phản ánh của người dân, nhiều hạng mục tại nhà máy này đã xuống cấp do bị bỏ hoang nhiều năm nay. Được biết, nhà máy nước sạch này được đầu tư từ năm 2009 với số vốn 5,6 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình do Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Miền Trung (TP. Hà Tĩnh) thi công. Mục tiêu dự án sẽ cung cấp nước cho hàng trăm hộ dân đang thiếu nước sạch do nhiễm phèn và xăng dầu tại xã Đức Lạng. Nhà máy nước có công suất thiết kế 540m3/ngày, được xây dựng tại đỉnh núi Rú Trí, thôn Sơn Quang. Đơn vị thi công lắp ráp đường ống dẫn nối lấy nước thô từ sông Ngàn Sâu lên để xử lý cấp nước cho dân.

Nhiều hộ dân
Nhà máy nước sạch tại xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ đang bị bỏ hoang.

Ông Lê Minh, người dân nơi đây cho biết, “nhà máy nước sau khi được xây dựng xong từ năm 2011, khi hoàn thành, đưa vào hoạt động mỗi hộ phải đóng thêm 2 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, khi vừa đi vào vận hành được 2 tháng thì công trình bị hư hỏng liên tục rồi dừng cấp nước từ đó đến nay”.

"Vì thiếu nước sạch sử dụng, nhiều hộ dân tại địa phương đã xây dựng bể nước để lấy nước mưa dùng sinh hoạt. Thậm chí có nhiều hộ đầu tư kinh phí khoan giếng sâu hàng chục mét nhưng cũng không sử dụng được do bị nhiễm xăng dầu, nhiễm phèn nặng", ông Minh cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đình Chiểu - Chủ tịch UBND xã Đức Lạng thông tin: Công trình khi xây dựng xong được bàn giao cho xã sử dụng được một thời gian ngắn thì hư hỏng, mặc dù sửa nhiều lần nhưng vẫn không hoạt động được. Về nguyên nhân thì rất nhiều, như vị trí lấy nước không phù hợp, mưa lớn lắng bùn, bồi lấp sông Ngàn Sâu dẫn đến tắc đường ống... Chính quyền cũng đã nhiều lần cùng với ngành chức năng khảo sát xây dựng nhà máy mới tại 3 xã Đức Lạng, Đức Đồng và Hoà Lạc lấy nguồn nước từ kênh mương Ngàn Trươi, còn về nhà máy cũ đang đề xuất thanh lý, nếu không thanh lý được cũng để như vậy chứ không còn cách nào khác.

Nhiều hộ dân
Nhiều hạng mục bị bỏ hoang lâu nay, biến thành khối sắt vụn.

Tương tự, tại xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang vào năm 2013, người dân xã Hương Điền (nay là xã Thọ Điền) đã di dời lên khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Tại nơi ở mới, nước giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng nên người dân không có nước sạch để sử dụng. Để đảm bảo nhu cầu cuộc sống của người dân. Ban chuyên trách bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đã đầu tư xây dựng nhà máy nước với tổng mức hơn 6 tỷ đồng.

Đến năm 2017, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, ngay khi đưa vào sử dụng, công trình đã xảy ra tình trạng nước bị rò rỉ nguồn nước, hệ thống lọc còn nhiều tạp chất bẩn không xử lý được, nguồn nước dẫn từ đập vào bể quá bẩn, có mùi tanh hôi không sử dụng được để ăn uống, chỉ dành dùng nước sinh hoạt.

Nhiều hộ dân
Nhà máy nước tại Thọ Điền hoạt động cầm chừng vì nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Ông Nguyễn Thanh Phong sống cách nhà máy nước khoảng chừng 150m cho biết: “Mặc dù khi chuyển về đây tái định cư chúng tôi vẫn nghe cán bộ hứa là điện - đường - trường - trạm và nguồn nước là đảm bảo đầy đủ cho người dân. Vậy nhưng, khi được đầu tư xây dựng nhà máy nước đến nay người dân vẫn không tin tưởng dùng là vì, nước tại nhà máy không được đảm bảo, chỉ dùng để tưới cây, giặt đồ. Còn nước sinh hoạt phải dùng từ giếng đào và nước mưa. Tại đây có khoảng hơn 130 hộ dân tại khu tái định cư không có nước sạch để sinh hoạt. Cách để duy trì cuộc sống là sử dụng nước mưa, nước từ giếng đào và khe suối để nấu ăn, tắm giặt. Về mùa nắng nóng việc thiếu nước sinh hoạt là điều đương nhiên".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết: “Thời gian qua, nhiều lần chính quyền địa phương báo cáo sự việc nguồn nước tại nhà máy nước sạch không đảm bảo lên các đơn vị liên quan để kiểm tra. Tuy nhiên, chất lượng nước hiện đã qua xử lý vẫn không đảm bảo, không thể sử dụng cho việc ăn uống. Việc này, cần có sự đồng bộ từ các ngành chức năng mới giải quyết được”.

Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Quang cho biết: "Trước khi về tái định cư mỗi hộ dân đã được Nhà nước hỗ trợ khoan cho một cái giếng khoan, sau khi về ở người dân lại đề xuất xây dựng thêm nhà máy nước sạch, khi xây dựng xong họ chê nước không đảm bảo, họ không dùng để ăn uống mà dùng tưới cây. Việc khử khuẩn là phải cho Clo vào khử khuẩn nhưng người dân cho rằng nước không đảm bảo mới cho thuốc vào xử lý họ tuyệt đối không dùng ăn, uống. Sắp tới huyện sẽ cấp kinh phí để nâng cấp lên và tuyên truyền họ dùng nước máy mới đảm bảo được vệ sinh, lâu nay người dân cho rằng nước khe suối tốt hơn nên họ vẫn dùng nước khe suối ăn, uống".

Thiết nghĩ, xây dựng nhà máy nước mà người dân không dùng thì phía nhà máy cũng không thu lại được vốn, việc này địa phương nên có nhiều định hướng như tuyên truyền, tập huấn cho người dân hiểu như thế nào là nước sạch, xử lý nước từ đầu nguồn về nhà máy là cần qua cái gì, Clo là thuốc gì... người dân mới nhận thức được. Chứ người dân nơi đây từng sinh sống trong vùng sâu vùng xa, khi về đây tái định cư họ chưa hiểu được sự cần thiết từ nước máy là như thế nào cả. Ngoài ra muốn người dân tin tưởng thì cán bộ địa phương cũng là người đi đầu trong việc sử dụng, đây là việc cần sự đồng thuận từ người dân và chính quyền.

Nguyễn Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này