Người lao động TP.HCM xoay sở "sinh tồn" trong thời kỳ bão giá

08:22 | 05/04/2022
(LĐTĐ) Giá cả hàng hoá, nhiên liệu tăng cao nhưng lương tối thiểu lại vẫn dậm chân tại chỗ khiến cuộc sống của người lao động thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình cảnh khó khăn, nhiều người đã phải bỏ việc trở về quê nhà sinh sống.
Công an TP.HCM tìm bị hại của Công ty bất động sản KingLand Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số Tiễn đưa Phó Chủ tịch thường trực TP.HCM Lê Hòa Bình về nơi an nghỉ cuối cùng

Xoay sở trong "bão giá"

Mới đây, Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh đã công bố giá bán các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 và Tết Quý mão 2023 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh áp dụng từ ngày 2/4. Theo đó, giá bán thịt gia cầm được điều chỉnh tăng từ 7 - 14% so với năm 2021.

Cụ thể, sau khi tăng, thịt gà ta ở mức 90.000 đồng/kg, thịt gà tam hoàng 67.000 đồng/kg, gà công nghiệp 45.000 đồng/kg và thịt vịt 68.000 đồng/kg. Trứng gia cầm tăng 6 - 7% với trứng gà lên 29.500 đồng/chục (giá cũ 28.000 đồng); trứng vịt 35.000 đồng/chục (giá cũ 33.000 đồng).

Không chỉ ở các mặt hàng thực phẩm, giá gas – một hàng hoá thiết yếu cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Từ ngày 1/4 , hàng loạt công ty kinh doanh, phân phối gas gồm Saigon Petro, Gas Citi Petro, Vimexco Gas, Gas Pacific đồng loạt điều chỉnh tăng thêm 14.000 đồng/bình 12kg. Các công ty này cho hay, giá gas trong nước vào tháng 4 tăng là do diễn biến giá gas thế giới tăng mạnh.

Người lao động TP.HCM xoay sở
Sau đại dịch, anh Cường phải đối mặt với "bão giá" khiến cuộc sống đã vất vả nay càng vất vả hơn.

Khi nghe tin giá cả hàng hoá, nhiên liệu cùng nhau “nắm tay” tăng mạnh, nhiều người lao động thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp cảm thấy lo lắng khi từ đầu năm đến nay, chưa có một mặt hàng nào giảm giá. Trong khi thu nhập của họ thì vẫn giữ nguyên, không hề tăng từ năm ngoái đến nay, thậm chí trong thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến mạnh từ 2020, nhiều người phải chấp nhận “sinh tồn” với mức lương chia đôi, chia ba.

Sống trong căn trọ chật hẹp, ẩm thấp tại phường Linh Trung (thành phố Thủ Đức), anh Nguyễn Văn Cường cùng vợ con phải cố gắng chi tiêu tằn tiện, “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua những ngày tháng khó khăn sau dịch. Với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng từ chiếc xe bán rau tự chế, hai vợ chồng anh Cường phải cố gắng để chi tiêu hợp lý nhằm vượt qua thời kỳ “bão giá” hiện nay. Cuộc sống trước dịch vốn đã khó khăn, nay khi dịch đã được kiểm soát, giá cả hàng hóa lại tăng đột biến khiến cuộc sống của anh Cường rơi vào túng quẫn.

“Mỗi ngày, hai vợ chồng chạy cái xe chở rau củ đi bán rong tại mấy khu công nghiệp, thu nhập cũng được 100.000 – 200.000 đồng. Nhưng năm ngoái dịch bệnh quá, không đi làm được nên phải đi vay mượn để sống qua ngày. Giờ được đi làm lại, chưa hết khổ thì lại gánh thêm khoản giá xăng, giá hàng hoá tăng”, anh Cường nói.

Anh Cường cho biết, giai đoạn 2018 – 2019 công việc của vợ chồng anh khá suôn sẻ nên thu nhập ổn định, thậm chí cuối năm về quê còn có tiền biếu cho bố mẹ vài triệu đồng ăn Tết. Tuy nhiên, khi Covid-19 xuất hiện, cuộc sống của anh cũng như bao người lao động khác rơi vào cảnh khốn cùng, toàn bộ tiền tiết kiệm bấy lâu được lấy ra để chống chọi qua những ngày cách ly toàn xã hội, không đủ thì phải vay mượn thêm ở quê. Đến khi được đi làm lại, anh Cường tưởng chừng sẽ “đỡ khổ” thì lại gặp “bão giá”, thu nhập không đủ để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày.

Người lao động TP.HCM xoay sở
Người lao động thu nhập thấp tại thành phố Hồ Chí Minh phải chật vật mưu sinh giữa thời kỳ "bão giá".

Tương tự, anh Cao Trung Đức (ngụ cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh) trở lại thành phố Hồ Chí Minh sau đợt “chạy dịch” vào tháng 7/2021. Với ước muốn quay lại Sài Thành kiếm việc làm, cuối năm có một khoản tiết kiệm nhỏ để dành cưới vợ, anh Đức sớm “vỡ mộng” vì vật giá tăng quá cao so với những thời điểm trước dịch Covid-19. Với mức thu nhập từ nghề phụ hồ trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, anh Đức cảm thấy lo lắng vì chưa biết liệu số tiền này có đủ chi phí sinh hoạt không, chứ chưa nói đến khoản để dành.

“Sau dịch Covid-19, cuộc sống của mấy công nhân như tôi khổ lắm. Tiền lương nếu làm đủ ngày thì được 7 triệu, nhưng mà nghề này đâu phải 30 ngày là làm đủ 30 ngày, nên thu nhập bấp bênh lắm. Giờ giá xăng tăng, giá gas tăng, cả cái trứng gà nó cũng tăng, tôi không biết bây giờ có cái gì là không tăng nữa… Chỉ có lương là từ mấy năm nay vẫn như thế”, anh Đức nói.

Chính sách hỗ trợ người lao động

Để hỗ trợ cho công nhân, người lao động trong thời kỳ bão giá như hiện nay, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Liên đoàn đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp cho người lao động giảm bớt khó khăn trong thời kỳ bão giá hiện nay, điển hình là tổ chức các Điểm phúc lợi đoàn viên, bán các mặt hàng thiết yếu, thường xuyên với giá tốt cho người lao động.

Cụ thể, tại Điểm phúc lợi đoàn viên, đoàn viên công đoàn, người lao động được mua hàng với giá ưu đãi từ 10%-30% so với giá thị trường. Các doanh nghiệp sẽ chủ động phối hợp đưa các sản phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng hàng ngày như gạo, dầu ăn, nước mắm, áo quần, giày dép… đến tay người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tặng phiếu mua hàng trị giá 20.000 đồng/1 phiếu cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi mua một số sản phẩm thiết yếu mang nhãn hàng của doanh nghiệp.

Người lao động TP.HCM xoay sở
Điểm phúc lợi đoàn viên tại quận Gò Vấp được Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư “Tươi Mart” cung cấp hàng hoá với từ mức giảm 5%-30% cho người lao động. Ảnh: Thành uỷ TP.HCM

“Điểm phúc lợi đoàn viên được tổ chức theo hình thức điểm cố định hoặc lưu động theo yêu cầu của các đơn vị doanh nghiệp, khu lưu trú, nhà trọ có đông công nhân. Hiện nay đã có 2 điểm tại quận Bình Tân và Gò Vấp, sắp tới sẽ tiếp tục triển khai tại nhiều quận, huyện khác. Trong tình hình bão giá như hiện nay, Điểm phúc lợi đoàn viên sẽ góp phần giảm gánh nặng cho người lao động”, ông Đô nói.

Đặc biệt trong “Tháng công nhân” năm 2022, Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn, đang nuôi con nhỏ, mắc bệnh hiểm nghèo… bằng việc tổ chức “Ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình” với 2 hình thức là bán trực tiếp và bán online. Song song đó là triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động khó khăn trong “Tháng công nhân” 2022.

“Năm nay, Liên đoàn lao động Thành phố sẽ không đưa ra số lượng chăm lo cụ thể, mà các cấp công đoàn cơ sở phải rà soát lại những trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ tổ chức chăm lo. Như vậy công tác chăm lo đoàn viên, người lao động sẽ được đầy đủ, phân kỳ, đảm bảo không trùng và có nhiều người được quan tâm nhất”, ông Đô nói thêm.

Liên quan đến vấn đề tăng lương cho công nhân, người lao động, ông Nguyễn Thành Đô cho biết, Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các tổ chức công đoàn cơ sở chủ động, kiên trì thương lượng với các chủ doanh nghiệp tăng lương cho người lao động trong năm nay.

“Hiện nay, lương không tăng nhưng giá cả hàng hóa lại tăng, như vậy buộc phải tăng lương cho người lao động để họ có thêm thu nhập. Vì mức lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo giúp cho người lao động tái tạo được sức lao động, gián tiếp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp” ông Đô chia sẻ.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này