Giấc mơ về Thành phố ven sông

10:49 | 05/04/2022
(LĐTĐ) Xuyên suốt bức tranh tổng thể về phát triển không gian đô thị Hà Nội, dòng sông Hồng luôn được nhắc đến như là một điểm tựa để Thành phố phát triển cân bằng trong tương lai. Giờ đây, sau hàng chục năm chờ đợi, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Khơi dậy nguồn lực ven sông Hồng

Vì sự phát triển bền vững

Thông tin về việc Hà Nội phê duyệt phân khu đô thị sông Hồng là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất thời gian qua, trong đó có những người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Gần 20 năm sống trong căn nhà cũ ẩm thấp, đầu năm 2021, ông Nguyễn Linh, Tổ dân phố 9, phường Bạch Đằng mới có điều kiện xây mới căn nhà cũ bằng ngôi nhà 3 tầng khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, niềm vui của ông Linh cũng không được trọn vẹn khi trong giấy phép cấp phép xây dựng ngôi nhà 3 tầng của ông có ghi rõ sẽ không tính đến bù công trình xây dựng trên đất trong trường hợp Nhà nước có thu hồi do vướng quy hoạch.

Giấc mơ về Thành phố ven sông
Sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ảnh:Trung Nguyên

Tuy nhiên, trường hợp của ông Linh vẫn may mắn hơn hàng vạn hộ gia đình có nhà ở khu vực ngoài đê hiện vẫn đang chịu ảnh hưởng từ việc thiếu quy hoạch dẫn đến không được cấp giấy, xây mới nhà cửa, cùng với đó là việc thế chấp, vay vốn, chuyển nhượng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng là địa bàn chịu nhiều tác động từ quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, ông Bùi Quang Khải, Chủ tịch UBND phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng cho rằng, quy hoạch phân khu đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ tạo động lực mới cho địa phương phát triển, qua đó góp phần gỡ những “nút thắt” thực trạng đô thị tồn tại bấy lâu nay.

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm Thành phố. Từ đó đến nay, đã có rất nhiều đề xuất quy hoạch sông Hồng nhưng đều không thành công do chưa giải được bài toán về hành lang thoát lũ.

Quy hoạch chưa được triển khai kéo theo tình trạng nhiều diện tích đất bị bỏ hoang, lấn chiếm. Theo đó, tại địa bàn nhiều quận, huyện dọc hai bờ sông Hồng, thường xuyên diễn ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, hàng nghìn m2 đất bị san lấp cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích khi “biến” những khu đất này thành bãi tập kết vật liệu xây dựng, sân đỗ xe và nhiều công trình xây dựng không phép.

Xa hơn, dọc tuyến sông Hồng từ Đan Phượng tới Tây Hồ (Hà Nội) là một diện tích đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông khá lớn tới vài chục nghìn ha. Diện tích đất này phần lớn đang phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng do không được đầu tư nên sản lượng cũng rất hạn chế. Thực tế, năm nào UBND huyện Đan Phượng cũng có công văn xin thí điểm đề án mô hình nông nghiệp chất lượng cao tại đây, nhưng đều khó triển khai do vướng hành lang thoát lũ.

Tương tự, một số khu vực đất bãi ở huyện Gia Lâm, Đông Anh cũng trong tình trạng này. Những “tồn tại” trong quy hoạch, sử dụng đất bãi không chỉ gây khó khăn trong phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội phục vụ dân sinh mà còn khó cho cả công tác quản lý công trình đê điều. Do đó, việc thành phố Hà Nội “chốt” được quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ là tiền đề giúp người dân trong vùng bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, đồng thời “cởi trói” vướng mắc hàng chục dự án phát triển dân sinh.

Khát vọng về tầm nhìn sáng tạo

Theo TS.KTS, Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, sau hàng chục năm chờ đợi, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án cụ thể hoá quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hoá lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hoá dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Dẫn chứng về điều này, nguyên Kiến trúc sư trưởng Thành phố cho biết, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40km, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở và chạy qua địa phận của 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì. Phân khu quy hoạch có diện tích khoảng 11.000ha, trong đó, sông Hồng chiếm 3.600ha (33%), đất bãi sông trên 5.400ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng).

Quy hoạch cũng bố trí các dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, kết nối và hình thành trục không gian văn hóa cảnh quan sinh thái (trục tâm linh Hồ Tây - Cổ Loa) phù hợp với quy hoạch 1295 đã được Thủ tướng phê duyệt, cùng với đó là phát triển hệ thống đường trục và mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ và xe đạp, hệ thống cầu, hầm kết nối đô thị hai bên bờ sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy… tạo điều kiện và là động lực phát triển cho khu vực. Đồng thời cải tạo, chỉnh trang hệ thống nhà ở dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp với khai thác quỹ đất hai bên sông để tạo lập diện mạo kiến trúc đô thị theo hướng xanh, sinh thái và bền vững.

Có thể nói, với bản quy hoạch này, sông Hồng đã được hướng là trục cảnh quan trung tâm của thành phố Hà Nội, qua đó sẽ bổ trợ cho quỹ về cây xanh, cảnh quan thiên nhiên cho cả thành phố, cũng như trực tiếp cho từng quận, huyện. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm, ở đây có hệ thống bãi sông, công trình công cộng rất lớn, nếu khai thác thành những khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí thì nó sẽ tạo nên sự hấp dẫn, hay như quận Tây Hồ có thể kích thích sự phát triển của những làng sinh thái.

Như vậy sau hàng chục năm chờ đợi, với nhiều đề án, dự án quy hoạch bị tạm gác sang một bên, cuối cùng Hà Nội cũng hoàn thành đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng. Đây chính là là mốc lịch sử quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ “Thành phố bên sông”. Vấn đề đặt ra là làm sao từ quy hoạch phân khu trên bản vẽ đến thực địa là những công trình chất lượng, thuận tiện, hiện đại; đô thị xanh đáng sống mà vẫn giữ được đặc trưng của văn hóa sông Hồng./.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này