Nhiều lợi ích từ phân loại rác tại nguồn

09:56 | 05/04/2022
(LĐTĐ) Nhằm góp phần giảm nguồn rác thải, biến rác thải thành phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt hướng đến bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, từ việc triển khai thí điểm chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại 3 xã đến nay huyện Đông Anh nhân rộng, triển khai mô hình tại 23 xã, thị trấn. Thông qua mô hình người dân đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn.
Bắt đầu từ những hành động nhỏ Hiệu quả từ việc phân loại rác tại nguồn

Biến rác thải thành phân hữu cơ

Với sự đồng hành của Chi cục Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt sự vào cuộc nghiêm túc của người dân, năm 2021, huyện Đông Anh bắt đầu triển khai chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác. Ban đầu chương trình được triển khai thí điểm tại 3 xã gồm: Liên Hà, Việt Hùng và Dục Tú, trong đó lựa chọn 3 thôn Hà Lỗ, Nghĩa Vũ, Lương Quán làm điểm.

Nhiều lợi ích từ phân loại rác tại nguồn
Rác hữu cơ được người dân phân loại, ủ thành phân bón giúp bảo vệ môi trường.

Thực hiện mô hình, mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào 3 thùng riêng biệt. Đối với rác hữu cơ (chủ yếu là rau, củ, quả, thức ăn thừa) ngoài cách xử lý là chôn lấp, các hộ gia đình đã tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Các loại rác tái chế gồm chai, lọ nhựa, giấy, kim loại, một vài loại rác điện tử... được bỏ riêng để bán cho các đơn vị tái chế. Đối với rác thải vô cơ được tập kết, chờ xe thu gom rác của huyện đến đưa đi xử lý.

Để người dân hiểu và tích cực hưởng ứng thực hiện, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh đã tổ chức triển khai các cuộc hội thảo, hội nghị, xây dựng các video, clip... hướng dẫn việc phân loại, xử lý rác thải, ủ rác hữu cơ, nuôi trùn quế, kiểm kê rác cho cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, các xã, thôn cũng thành lập các nhóm Zalo để kịp thời chia sẻ, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật triển khai.

Thông qua mô hình, nhận thức về việc phân loại rác thải của người dân được nâng cao. Ban đầu các hộ còn ngại khó nhưng nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hình thành việc ứng dụng, sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt. Ghi nhận tại xã Việt Hùng từ mô hình điểm được bắt đầu triển khai vào tháng 3/2021 tại thôn Lương Quán, đến nay chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác đã thu được nhiều kết quả tích cực. Từ 126 hộ tham gia thí điểm, hiện nay toàn xã có hơn 1.000 hộ tham gia chiếm khoảng gần 30% số hộ tham gia phân loại.

Chị Nguyễn Thị Ánh (thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng), một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình, đến nay chị đã thực hiện thành công việc phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình. Chia sẻ về câu chuyện phân loại, xử lý rác tại nhà, chị Ánh cho biết: “Thời gian đầu triển khai, mặc dù đã được hướng dẫn nhưng do thiếu kinh nghiệm, quá trình ủ rác hữu cơ gặp khó khăn, phân bón bị ướt. Sau vài lần thực hiện, tôi đã làm thành công, đến nay rác sau khi xử lý thu được lượng phân bón tơi xốp, vừa phục vụ trồng trọt, vừa giúp gia đình tiết kiệm chi phí mua phân hoá học, đồng thời giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường. Việc thực hiện phân loại và xử lý rác tại nhà là rất cần thiết”.

Nhận thấy lợi ích của việc phân loại, xử lý rác tại nhà, không chỉ thực hiện tại gia đình chị Ánh tham gia tuyên truyền tới từng hộ gia đình trong thôn. Chị “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các chị em hội viên phụ nữ cùng tham gia, vận động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của thôn, ngoài ra còn dành thời gian đi kiểm tra tiến độ của từng hộ gia đình, sau đó mọi người cùng thảo luận, trao đổi chia sẻ những khó khăn vướng mắc để cùng nhau giải quyết và rút kinh nghiệm. Trong hành trình lan tỏa đó, chị Ánh cùng với các thành viên trong nhóm gặp nhiều khó khăn khi bà con từ chối phân loại rác. Không dừng lại ở đó, với sự nhiệt tình, trách nhiệm, chị Ánh và nhóm nòng cốt vẫn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân từng bước trong công đoạn ủ rác, đồng hành cùng họ những lúc khó khăn và động viên mỗi khi người dân nản lòng.

Đánh giá về mô hình phân loại rác thải tại nguồn, bà Quang Thị Ngà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng, cho biết: “Đây là mô hình tốt góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, phân ủ rác dùng để bón cây rất hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình triển khai chúng tôi phát tờ rơi, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện, phát cho các hộ gói vi sinh để thực hiện phân loại rác thải. Bên cạnh đó Hội phụ nữ xã thành lập các nhóm nòng cốt thực hiện tuyên truyền đến các hộ gia đình, hướng dẫn các hộ thực hiện đúng các bước quy trình về ủ rác thành phân hữu cơ, phục vụ cho việc bón cây trồng cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn xã”.

Đánh giá về mô hình phân loại rác thải tại nguồn, bà Quang Thị Ngà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Hùng, cho biết: “Đây là mô hình tốt góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường, phân ủ rác dùng để tưới cây rất hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Trong quá trình triển khai chúng tôi phát tờ rơi, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện, phát cho các hộ gói vi sinh để thực hiện phân loại rác thải. Bên cạnh đó Hội phụ nữ xã thành lập các nhóm nòng cốt thực hiện tuyên truyền đến các hộ gia đình, hướng dẫn các hộ thực hiện đúng các bước quy trình về ủ rác thành phân hữu cơ, phục vụ cho việc bón cây trồng cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn xã”.

Nhân rộng để môi trường thêm xanh, sạch hơn

Hiệu quả tại các thôn, xã triển khai thí điểm, huyện Đông Anh đã nhân rộng mô hình, tính đến ngày 30/3/2022 trên địa bàn huyện có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 3 xã đã triển khai 100% đến các thôn trong xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng), 20 xã và thị trấn còn lại (mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất một thôn hoặc tổ dân phố làm điểm). Đến hết tháng 2/2022 có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ; số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn ban đầu (5.191 người).

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên môi trường huyện Đông Anh, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 là 227 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày (do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình).

Theo kết quả kiểm kê từ hộ gia đình, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 - 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình) thì lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ là 59%, rác tái chế thu gom là 12% và rác còn lại để đổ rác là 29%.

Những con số về lượng rác giảm sau phân loại và xử lý tại các xã thí điểm là minh chứng rõ ràng cho thấy sự chung tay, nỗ lực của các hộ gia đình tại huyện Đông Anh. Với những kết quả đạt được tại huyện Đông Anh, có thể thấy mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn là mô hình hay, cần tiếp tục được quan tâm, nhân rộng trên địa bàn Thủ đô./.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này