Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số

14:21 | 04/04/2022
(LĐTĐ) Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) vừa có quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của Thành phố, trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh và xây dựng chính quyền điện tử.
Tiễn đưa Phó Chủ tịch thường trực TP.HCM Lê Hòa Bình về nơi an nghỉ cuối cùng TP.HCM: Rác thải, cá chết phủ kín mặt nước trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh 2022: Điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp du lịch

Theo quyết định, Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh có 23 thành viên. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức làm Phó Trưởng ban Thường trực; Giám đốc Công an Thành phố Lê Hồng Nam và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng làm Phó Trưởng ban.

Thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo một số sở ngành, doanh nghiệp, gồm: Công an, Sở Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Bộ Tư lệnh, Sở Nội vụ, Sở Khoa học – công nghệ, Viện Nghiên cứu phát triển, Sở Tài chính…

Tổ giúp việc của ban chỉ đạo cũng có 23 thành viên, do ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông làm Tổ trưởng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số
Ông Phan Văn Mãi làm Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm triển khai đề án đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số của thành phố. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy triển khai đề án và chương trình nêu trên.

Ban chỉ đạo theo dõi, đôn đốc thành phố Thủ Đức, các quận, huyện, sở, ngành và các đơn vị liên quan triển khai Đề án đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số của thành phố.

Chương trình Chuyển đổi số của thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 3 nội dung trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó tập trung vào lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền - người dân và ngược lại; tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực; xây dựng nền kinh tế số…

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, ít nhất 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này