Tiết thanh minh

09:57 | 05/04/2022
(LĐTĐ) Tháng Ba âm lịch, đất trời đang trong khoảnh khắc giao mùa giữa mùa Xuân dịu dàng và mùa Hạ nồng nàn. Bầu trời dường như xanh hơn, những vạt nắng non trải dài trên cỏ non lộc biếc. Gió xuân mơn man, hương xuân thoảng nhẹ từ những loài hoa đang bừng khoe sắc. Tiết thanh minh đã tới.
Văn minh lễ vọng mùa Thanh minh

Theo lịch dân gian, tiết thanh minh bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 dương lịch (tức vào khoảng tháng 3 âm lịch). Tiết Thanh minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí của lịch pháp cổ đại. Còn tết Thanh minh là một ngày trong tiết Thanh minh và mỗi năm có sự xê dịch khác nhau. Trong ngày này và những ngày trong tiết Thanh minh, các gia đình Việt Nam thường có một nghi thức rất quan trọng, đó là tục tảo mộ đầu năm.

Tiết thanh minh
Ảnh minh họa

Tết thanh minh là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính với gia tiên, người thân đã khuất. Trong tiết xuân ấm áp, các gia đình nô nức đi tảo mộ và sắm lễ dâng cúng gia tiên tại mộ phần. Trước hôm đi tảo mộ, mẹ tôi thường sắp xếp sẵn đồ lễ vào chiếc làn. Tôi để ý thấy đồ lễ ra mộ giản dị thôi, chỉ cần: Trầu cau, hoa quả, bánh kẹo, hương nến, nước sạch là đủ.

Sáng sớm hôm sau, gia đình tôi khởi hành về quê. Vì đã hẹn trước nên khi về tới khu vực mộ phần gia tiên, các anh chị em trong họ đã tề tựu đông đủ. Bác trưởng họ bày đồ lễ của các gia đình lên ban thờ chung, thành kính xin phép Thổ địa, Thần linh cai quản khu mộ phần, mời gia tiên về chứng giám và đọc bài khấn lễ âm phần long mạch thổ phủ sơn thần, xin phép được sửa sang lại mộ. Sau đó, các gia đình tỏa đi thắp nhang trên những ngôi mộ của gia đình mình, khấn xin gia tiên tiền tổ chứng giám lòng thành. Các bác lớn tuổi và bố mẹ thường nhắc chúng tôi thắp nhang cho cả những ngôi mộ không có bia, vô thừa nhận. Mẹ tôi bảo: “Mình thắp nén nhang cho người đã khuất cảm thấy ấm áp, đỡ tủi thân trong ngày thanh minh”.

Mấy anh em chúng tôi mang theo xẻng, cuốc để rẫy hết cỏ dại, cây mọc hoang trùm lên mộ sau đó đắp thêm đất lên mộ cho đầy. Các bà các cô dùng những chiếc khăn sạch lau bia mộ và phần ốp đá quanh mộ. Chẳng mấy chốc, khu vực mộ đã gọn gàng sạch đẹp. Những đóa cúc vạn thọ ánh lên sắc vàng tươi bên màu đỏ rực rỡ của hoa mẫu đơn khiến khu mộ bừng sáng trong nắng xuân. Lúc này, hương cũng đã gần tàn, bác trưởng họ thành kính lễ tạ, chia lộc cho con cháu và mọi người trở về làm lễ gia thần, gia tiên tại nhà.

Về tới nhà, cả gia đình cùng chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên Tết Thanh minh với đầy đủ các món cổ truyền. Mâm cỗ được các bà các mẹ bày biện vừa ngon vừa đẹp được chủ gia đình thành kính dâng lên ban thờ cùng trầu cau, hoa quả, bánh kẹo. Trong làn hương trầm ngan ngát, bảng lảng, bố tôi thường chậm rãi kể cho con cháu nghe những câu chuyện từ thời các cụ tổ của dòng họ đến gia tiên, họ hàng đã khuất các đời gần đây. Bố tôi thường dặn: “Họ hàng năng đến mới nên thân. Dù bận rộn nhưng các con luôn phải giữ sự gắn kết tình cảm với nhau và nhớ ơn các cụ gia tiên tiền tổ đã có công gây dựng nên dòng họ như ngày nay”.

Đôi khi, cuộc sống cuốn ta vào vòng xoáy mưu sinh, nhưng cần có những ngày như Tết Thanh minh để ta lắng lại, tỏ lòng thành kính, biết ơn với gia tiên đã khuất. Với tôi, Tết Thanh Minh luôn là dịp gia đình sum họp quây quần ấm áp bên nhau và tình cảm sẽ mãi được nối dài qua nhiều thế hệ, bền chặt theo năm tháng.

Tường Vy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này