Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới

18:51 | 01/04/2022
(LĐTĐ) Sáng nay (1/4), trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức diễn đàn “Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới”.
Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh 2022: Điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp du lịch Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh: Ba địa phương - một điểm đến, nhiều trải nghiệm Khai mạc Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2022: Khởi đầu mới đầy sôi động

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, đại dịch Covid-19 như một cơn ác mộng với toàn thế giới trong hai năm qua. Những thiệt hại do Covid-19 gây ra cả về tính mạng con người, tài sản, tinh thần và di chứng của nó vô cùng to lớn. Hàng loạt ngành kinh tế trong đó có du lịch, hàng không bị tê liệt trong một thời gian dài, thiệt hại của du lịch Việt Nam trong 2 năm qua đã đẩy lùi ngành kinh tế năng động, phát triển mạnh mẽ trước đây lùi lại hàng chục năm.

Là một ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động du lịch liên quan đến nhiều ngành kinh tế và nhiều địa phương trong cả nước. Khi du lịch đóng cửa đã kéo theo nhiều ngành nghề có liên quan, nhiều địa phương là điểm đến du lịch cũng không hoạt động. Do vậy, khôi phục nhanh ngành du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành du lịch.

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động du lịch, các doanh nghiệp du lịch và đại diện là Hiệp hội Du lịch luôn chủ động, tranh thủ mọi cơ hôi khởi động ngay các hoạt động du lịch khi điều kiện cho phép. Hàng loạt chương trình kích cầu của doanh nghiệp, ở mức độ cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia đã được triển khai kịp thời, nhanh chóng trong hai năm qua, thể hiện sự năng động của ngành du lịch.

Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam trăn trở: "Tuy nhiên, sau thời gian dài tê liệt, không hoạt động, các doanh nghiệp, xương sống của ngành kinh tế du lịch sẽ không dễ dàng phục hồi được. Những thiệt hai to lớn từ dịch bệnh Covid-19 sẽ mang lại các bài học gì cho ngành du lịch? Ngành du lịch làm gì để phục hồi và phát triển, trở thành ngành kinh tế xanh và từng bước chuyển thành ngành kinh tế số? Bài học từ những thành tựu to lớn của du lịch trong giai đoạn 2017 -2019 sẽ có thể áp dụng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch không? Và cuối cùng kỳ vọng của Đảng, của cả xã hội với ngành du lịch sẽ được các doanh nghiệp triển khai ra sao?

Những nội dung đó cho thấy để phục hồi và phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch phải chuyển đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động. Đó là một công việc rất khó khăn phức tạp mà cả ngành phải vào cuộc và Diễn đàn hôm nay là một hoạt động đầu tiên bàn về những vấn đề cấp bách đó".

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng: "Du lịch, là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp không chỉ đối với nước ta mà cả trên phạm vi toàn cầu. Kinh tế du lịch ngày càng phát triển và trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến.

Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu thì nhu cầu đi du lịch, thăm thú những danh lam thắng cảnh, tìm hiểu nền văn hóa, nghệ thuật của các quốc gia, vùng lãnh thổ càng phát triển. Ngay tại Việt Nam khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên, đời sống người dân dần được cải thiện thì nhu cầu du dịch cũng tăng theo.

Do đó, để ngành sớm phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai thì việc đánh giá thực trạng chính sách tài chính, thuế hiện hành, bao gồm các gói giải pháp về gia hạn, miễn giảm thuế, phí...

Trong hai năm qua, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành du lịch. Nhờ đó, các giải pháp, cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính, thuế nhằm khuyến khích, khích lệ doanh nghiệp du lịch vượt khó, phục hồi và phát triển đã được thực thi và mang lại hiệu quả. Đây sẽ tiếp tục là cơ sở tiền đề giúp các địa phương, doanh nghiệp và ngành du lịch từng bước tháo gỡ khó khăn và phục hồi sau ngày mở cửa du lịch".

Về cơ chế hỗ trợ, tạo sức bật cho doanh nghiệp du lịch, theo ông Vũ Thế Bình, sau thời gian hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc khôi phục toàn ngành trong thời gian tới là điều vô cùng cần thiết. Tại diễn đàn Du lịch Quốc gia năm nay, chúng ta đã ghi nhận rất nhiều ý kiến của những chuyên gia đầu ngành trong tiến trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi như hỗ trợ giảm thuế, tăng thêm chính sách ưu đãi, chính sách cấp, miễn cấp visa... Đây là đều là những chính sách phù hợp, thực tế và đúng với mong mỏi của doanh nghiệp.

"Hiện nay, những thủ tục chồng chéo trong quy định đón khách chính là cản trở trong tiến trình đón khách du lịch vào Việt Nam. Do đó, những thảo luận tại hội nghị hôm nay mang tính cấp bách và vô cùng cần thiết. Tôi cho rằng sự phục hồi của toàn ngành du lịch chính là cơ sở và tiền đề thực tiễn trong hoạt động khôi phục du lịch, từ đó kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành kinh tế khác trong tương lai", ông Vũ Thế Bình cho hay.

Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và quản lý du lịch. Thời gian qua, nhiều ứng dụng đã được sử dụng để quảng bá và bán sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến du lịch như công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) nhằm giúp khách hàng trải nghiệm các điểm đến trước chuyến du lịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh, các công nghệ này càng được các doanh nghiệp du lịch sử dụng nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu và bán sản phẩm trực tuyến. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI), Robot, các dịch vụ không chạm cũng được sử dụng triệt để trong việc quản lý và phục vụ khách hàng của doanh nghiệp. Một số cơ quan quản lý du lịch cũng đang tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý du lịch, tạo ra các ứng dụng di động về du lịch an toàn, về hộ chiếu vắc xin điện tử...

Ngoài ra, ông Nguyễn Trùng Khánh cũng nêu 5 định hướng trong phục hồi du lịch trong thời gian tới như: Định hướng về thị trường; định hướng về sản phẩm; định hướng về xúc tiến, quảng bá du lịch; định hướng về chuyển đổi số trong ngành du lịch; định hướng về phát triển nguồn nhân lực cho việc phục hồi du lịch...

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này