Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn trong bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

09:34 | 31/03/2022
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác cũng như cơ chế bảo đảm để các tổ chức này thực hiện vai trò làm nòng cốt, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Sửa luật để phát huy, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân Lấy kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức

Tổng Thư ký Quốc hội vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 vừa qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc đổi tên Luật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về bố cục, đối với mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở cần thiết kế thành một chương riêng, trong đó phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trình tự, thủ tục thực hiện và tương ứng là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền...

Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn trong bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: QH)

Về phạm vi điều chỉnh gồm thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội; ở tổ chức kinh tế có sử dụng lao động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý việc xác định phạm vi “cơ sở” để thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan, tổ chức, đơn vị; phạm vi “cơ sở” tại tổ chức kinh tế có sử dụng lao động để thực hiện dân chủ.

Đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tính chất đặc thù, đề nghị làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc có điều chỉnh hay không điều chỉnh trong Luật, nếu có thì điều chỉnh ở mức độ nào là phù hợp.

Nghiên cứu phương án Luật này quy định các nguyên tắc chung về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội.

Cần nghiên cứu, bổ sung quy định về việc thực hiện dân chủ trong mối quan hệ giữa cơ quan, tổ chức, đơn vị với công dân trong quá trình giải quyết công việc của người dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Thiết kế nội dung thực hiện dân chủ ở tổ chức kinh tế có sử dụng lao động thành một chương riêng, trong đó có các quy định chung, quy định nguyên tắc, quy định đặc thù.

Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát, nội dung kiểm tra, giám sát, hiệu lực và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân; nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác cũng như cơ chế bảo đảm để các tổ chức chính trị - xã hội này thực hiện vai trò làm nòng cốt, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo đúng chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.

Bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng, lạm dụng dân chủ để vi phạm pháp luật...

Về chế định Thanh tra nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc chuyển các quy định về Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang quy định trong Luật này. Đề nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết đầy đủ việc thực hiện chế định Thanh tra nhân dân theo Luật Thanh tra hiện hành, trên cơ sở đó tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp, chỉ rõ những bất cập, hạn chế để sửa đổi, bổ sung và quy định trong dự thảo Luật này...

Thông báo kết luận cũng nêu rõ yêu cầu, Bộ Nội vụ có trách nhiệm báo cáo, tham mưu giúp Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chính thức của dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp 3 (tháng 5/2022).

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này