Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp

17:23 | 29/03/2022
(LĐTĐ) Dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới. Trong đó, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu gắn với chăm lo cho đoàn viên, lao động nữ Thi đua khen thưởng phải mang tính động viên, khích lệ

Tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) - một trong các dự án luật chuẩn bị được trình Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ ba sắp tới.

Báo cáo một số vấn đề về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 96 điều, ít hơn 02 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2.

Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp
Toàn cảnh phiên họp. (ảnh: QH)

Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến. Đồng thời, quy định hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho cựu Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, làm rõ về tên gọi, đối tượng, thời hạn, tiêu chuẩn xét tặng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Đối với việc xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng. Cùng đó, quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới. Trong đó, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.

Đồng thời, đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua. Nhiều ý kiến đánh giá cao các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong dự thảo Luật lần này thông qua việc giảm số lượng hồ sơ, thành phần hồ sơ, đơn giản hóa các loại giấy tờ trong hồ sơ để người dân dễ tiếp cận, dễ thực hiện.

Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại phiên họp. (ảnh: QH)

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, dự thảo Luật thực sự có sự đổi mới, có nhiều nội dung để đưa phong trào thi đua thiết thực, hướng về cơ sở và hạn chế tính hình thức trong thi đua.

Đại biểu nhấn mạnh việc dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định để giải quyết cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong công tác khen thưởng ở khu vực ngoài Nhà nước.

Theo đại biểu, khối doanh nghiệp tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học xứng đáng được khen thưởng vì thành tích của mình. Tuy nhiên, một số quy định hiện hành về tiêu chuẩn khen thưởng cho doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước chưa cụ thể, khó áp dụng.

Dự thảo sửa đổi đã quy định cụ thể đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học và các tổ chức kinh tế khác được khen thưởng Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của các bộ, ban, ngành, tỉnh; bổ sung những nguyên tắc xếp tôn vinh, trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp...

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) thống nhất theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ giới hạn phạm vi trao tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho lực lượng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Một số ý kiến cho rằng, thanh niên xung phong tham gia kháng chiến có đặc điểm, tính chất đặc biệt, thời gian tham gia trong lực lượng ngắn, tính chất công việc, yêu cầu nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm. Do vậy, cần quy định linh hoạt về thời gian, điều kiện tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để ghi nhận được sự đóng góp vào thành tích của thanh niên xung phong trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt, với thanh niên xung phong là liệt sĩ.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trên cơ sở các nội dung được các đại biểu góp ý, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo. Đồng thời đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định hướng dẫn để khi dự án Luật được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này