Tuyệt đối không chủ quan dù đã qua đỉnh dịch

12:43 | 29/03/2022
(LĐTĐ) Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, hiện Thành phố đã bước qua đỉnh dịch Covid-19, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Do số ca mắc F0 trên thực tế vẫn cao, nên Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát chuyển tầng, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống y tế.
Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh Giải pháp chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19

Số ca mắc Covid-19 giảm gần 40%

Theo Sở Y tế Hà Nội, một tuần trở lại đây, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Thành phố liên tục giảm mạnh. Cụ thể, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết từ 18 đến 24/3, Thành phố ghi nhận 123.134 ca mắc Covid-19, 28 trường hợp tử vong. Số ca bệnh mỗi ngày trung bình giảm 39,3% so với tuần trước. Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, Thành phố đã bước qua đỉnh dịch, tuy nhiên không được phép chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới.

Tuyệt đối không chủ quan dù đã qua đỉnh dịch
Tiêm vắc xin vẫn là biện pháp chủ động phòng, chống dịch Covid-19 đơn giản và hiệu quả nhất.

Đặc biệt, do số ca mắc F0 trên thực tế vẫn cao, nên Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát chuyển tầng, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống y tế; đồng thời chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Cũng theo ông Vũ Cao Cương, đến nay, tổng số mũi vắc xin mà Thành phố Hà Nội đã tiêm được là 16.351.353 mũi. Thành phố đang quản lý, điều trị cho 264.820 bệnh nhân ở tầng 1 (nhẹ, không triệu chứng), tỷ lệ 99,34%; 1.404 bệnh nhân ở tầng 2 (triệu chứng trung bình), tỷ lệ 0,53%; 345 bệnh nhân ở tầng 3 (nặng, nguy kịch), tỷ lệ 0,13%.

Đáng chú ý, số ca F0 trên địa bàn giảm mạnh; công tác hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà cùng với việc bảo đảm cho học sinh đi học trực tiếp tại trường vẫn được triển khai hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo chung của Thành phố. Bên cạnh đó, công tác thu gom, xử lý rác thải của bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được phân loại, xử lý đúng quy định.

Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Lãnh đạo Thủ đô yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì, siết chặt các biện pháp phòng chống, không để lây lan, mất kiểm soát về tình hình dịch. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch của Trung ương cũng như Thành phố, trong đó tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là phải đeo khẩu trang 100%.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung vào 3 hướng chính là: Tiêm vắc xin; tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3 và đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

Thành phố đã phát huy cao độ vai trò, hiệu quả hoạt động của hơn 4.600 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và hơn 5.000 tổ Covid-19 cộng đồng, thường xuyên tiếp nhận thông tin, tư vấn, quản lý và cấp phát thuốc cho người mắc Covid-19; báo cho nhân viên y tế những trường hợp có triệu chứng nặng; tiếp nhận thông tin về nhu cầu cấp giấy hưởng bảo hiểm xã hội để phối hợp với trạm y tế cấp giấy tại nhà cho người dân mắc Covid-19…

Ông Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm nguyên tắc "4 tại chỗ"; tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; tiếp tục rà soát và kiện toàn, bổ sung lại các Tổ theo dõi, hỗ trợ người nhiễm Covid-19 tại nhà và Tổ Covid-19 cộng đồng để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà trên địa bàn kịp thời và thực chất. Phó Chủ tịch Thành phố lưu ý các địa phương tiếp tục bảo vệ nhóm người thuộc nguy cơ cao mà Kế hoạch số 53 của Thành phố đã chỉ đạo; tiếp tục kiểm soát chặt số ca F0 chuyển nặng và hạn chế số ca tử vong.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng

Hiện, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 của Thành phố đạt khoảng 85%, vì thế Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Y tế cần đôn đốc các địa phương rà soát các trường hợp chưa tiêm để hoàn thành tiến độ trong thời gian sớm nhất.

Thực tế cho thấy, tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng mắc bệnh Covid-19. Mặc dù, không có một loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100% sau tiêm chủng mà vẫn còn một tỷ lệ nhất định bị mắc bệnh, nhưng các triệu chứng thường nhẹ và không để lại di chứng, biến chứng nặng nề...

Đến nay, 95% số người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn Thành phố đã được tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19. Bên cạnh đó, gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng. Khi tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 tại Hà Nội đạt mức cao thì người dân mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, nơi cư trú được xem là mô hình điều trị phù hợp nhằm giảm tải áp lực cho các cơ sở y tế tập trung; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn mới. Do đó, các địa phương của Hà Nội đang nỗ lực tập trung hoàn thành tiêm phủ vắc xin mũi 3 trong tháng 3/2022.

Thời gian qua, ngành Y tế và ngành chức năng tại các địa phương đang hoàn tất công tác chuẩn bị để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc xin Covid-19. Đây được coi là “mảnh ghép” cuối cùng tạo miễn dịch cộng đồng để trở lại cuộc sống bình thường mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin Covid-19 rất cần thiết, là biện pháp tốt nhất để tạo kháng thể bảo vệ lâu dài cho trẻ, nhất là trẻ từ 5 - 11 tuổi và những người xung quanh trước dịch bệnh. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện một số ít trẻ vẫn bị tình trạng hậu Covid-19 từ nhẹ tới nặng. Bởi vậy, để bảo vệ trẻ trước đại dịch, cũng như hậu Covid-19, thì việc tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn là khuyến cáo hàng đầu.

Tuyệt đối không chủ quan dù đã qua đỉnh dịch
Người dân nên thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Tại một số bệnh viện đã ghi nhận việc lây nhiễm biến chủng Omicron nhiều hơn ở trẻ em chưa tiêm chủng. Vì vậy, theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, việc tiêm chủng cho trẻ có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm lây nhiễm cho những người trong gia đình, nhất là những người già, có bệnh nền.

Bộ Y tế đã lựa chọn vắc xin phòng Covid-19 Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất để tiêm cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi tại nước ta. Đây là vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Sắp tới Bộ Y tế cũng đang làm các thủ tục để sẵn sàng tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc hoàn thành tiêm chủng giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia học tập tại trường và các hoạt động xã hội khác.

“Cha mẹ cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; thực hiện 5K đầy đủ; tăng cường sức đề kháng cho trẻ như bổ sung dinh dưỡng, tập luyện thể chất, tránh thừa cân béo phì; kiểm soát tốt các bệnh mãn tính; tránh để trẻ bị nhiễm lạnh; đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập cho trẻ”, Phó Giáo sư Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này