Thị trường ô tô: Nhiều sản phẩm ra mắt nhưng đại lý không có xe để bán

08:16 | 29/03/2022
Bất chấp hàng loạt xe mới nối đuôi nhau ra mắt trong những tháng đầu năm, hầu hết các mẫu ô tô phổ biến đều chứng kiến tình trạng thiếu hàng, “bia kèm lạc”.
“Cú hích” kích cầu thị trường ô tô nội địa Thị trường ô tô sôi động trở lại
Thị trường ô tô: Nhiều sản phẩm ra mắt nhưng đại lý không có xe để bán
Vừa ra mắt với nhiều kỳ vọng, Veloz Cross và Avanza Premio đã không đủ xe giao cho khách mua.

Xe sang: Có thể chờ tới 2 năm

Xe nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề vì hệ thống kinh doanh trong nước phụ thuộc vào nhà máy ở nước ngoài. Hiện nay, người mua Porsche phải chờ 6-9 tháng, thậm chí lâu hơn với những xe có lựa chọn các tính năng điện tử cao cấp. Trong khi đó, trận động đất 7,3 độ richter mới đây tại Nhật Bản đã buộc 14 nhà máy của Toyota phải dừng hoạt động, ảnh hưởng tới hầu hết các mẫu xe ăn khách, trong đó có Land Cruiser LC300/Prado, Yaris cùng Lexus LS, NX, LX… bán tại thị trường Việt Nam. Ước tính, sản lượng bị hao hụt lên tới 20.000 xe.

Thông tin từ hệ thống phân phối Mercedes-Benz cho biết, tình trạng hiếm hàng được ghi nhận ở mọi phân khúc sản phẩm. Theo người đứng đầu mảng kinh doanh ở một đại lý thương hiệu ô tô Đức, tình trạng thiếu xe trong năm 2022 là trầm trọng, đồng thời cảnh báo một số xe bán ra không đầy đủ tùy chọn do thiếu linh kiện bán dẫn.

Được biết, nhiều thương hiệu ô tô cũng đang phải áp dụng chính sách “đổi tùy chọn”, tức tùy vào lượng linh kiện sẵn có để điều chỉnh các tính năng xe, bảo đảm sản lượng. Một điển hình là GL300 sẽ thiếu kính cách âm, nhưng bù lại có thêm đá mở cốp sau. Trong khi đó, một số dòng xe Audi lại tạm thời giao xe với chìa khóa cơ thay vì chìa khóa thông minh. “Bế tắc” nhất là S-Class hầu như đã bị cắt màn hình “chính hãng” ở hàng ghế sau và thay bằng máy tính bảng Samsung.

Tuy nhiên, tất cả những thủ thuật trên dường như chưa đủ để vãn hồi tình trạng thiếu xe. Hiện nay, GLC thay vì có xe giao ngay, đã buộc khách hàng phải chờ ít nhất 1-2 tháng. S-Class cũng buộc phải chờ nửa năm, trong khi những biến thể cao cấp Maybach và AMG đều phải chờ ít nhất 1-2 năm.

Xe phổ thông: “Bia kèm lạc”

Không chỉ riêng xe sang, việc nguồn cung từ Thái Lan và Indonesia bị hạn chế cũng khiến nhiều dòng xe phổ thông trong nước bị hiếm hàng. Một nhân viên kinh doanh tại đại lý Toyota cho biết, hiện việc ký hợp đồng đặt cọc Raize mới đã phải tạm dừng, do không thể bảo đảm các lô hàng về đúng thời điểm. Khảo sát một số trường hợp ký hợp đồng trong những tháng qua đối với chiếc crossover tí hon này, ít nhất tới tháng 11 mới có xe giao.

Thị trường ô tô: Nhiều sản phẩm ra mắt nhưng đại lý không có xe để bán
“Siêu xe” Mercedes-AMG G63 chính hãng hiện buộc người mua phải chờ 2 năm từ thời điểm đặt cọc.

Thậm chí, hai mẫu xe mới của Toyota là Veloz Cross và Avanza Premio - vốn được kỳ vọng sẽ trám chỗ trống của Innova và Rush để cạnh tranh cùng Xpander - đều nhỏ giọt nguồn cung. Điều này ngay lập tức làm nảy sinh tình trạng bán xe “bia kèm lạc”, khiến người mua phải bỏ thêm khoảng 50 triệu đồng cho phụ kiện để nhận xe vào tháng 4, thay vì chờ tới mùa hè.

Tình trạng thiếu nguồn cung cũng xảy ra với xe lắp ráp trong nước. Thiếu linh kiện để xuất xưởng xe mới cũng đã khiến mẫu bán tải đình đám Ford Ranger trong tháng 2 chỉ bán được 230 xe, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua và lần đầu mất ngôi bán tải bán chạy nhất Việt Nam. VinFast dù thông báo đã tiếp nhận hơn 25.000 đơn đặt hàng đối với mẫu xe điện đình đám VF e34 nhưng suốt quý vừa qua chỉ bàn giao được chưa tới 200 xe. Trong khi đó, Hyundai tiếp tục gặp khó với Tucson và Santa Fe - dẫn tới tình trạng hợp đồng kèm “lạc” phụ kiện, bảo hiểm…

Theo ghi nhận, hầu hết những thương hiệu tạm thời có đầu vào “đủ dùng” đều nằm trong nhóm doanh số không cao tại Việt Nam như Subaru, Suzuki, Volkswagen… Ngày 26-3, đại diện THACO cho biết, việc kinh doanh xe BMW ở Việt Nam tới nay chưa ghi nhận hạn chế.

Khó khăn dự báo còn kéo dài

Qua các trao đổi, hầu hết giới kinh doanh ô tô Việt Nam đều chung nhận định khó dự đoán thời điểm tình trạng thiếu hàng kết thúc, đặc biệt là khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, thiên tai xảy ra ở một số khu vực là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng ngành ô tô.

Trong bối cảnh đó, tuy các thương hiệu đều có kế hoạch nhập xe, linh kiện đi kèm dự trù hoạt động kinh doanh 3-4 tháng để không đứt gãy nguồn cung, nhưng chắc chắn, việc đầu vào thu hẹp sẽ ảnh hưởng đáng kể tới doanh số. Đây là điều đáng ngại bởi thị trường ô tô đang từng bước phục hồi sau giai đoạn giãn cách kéo dài và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.

Cũng theo một số ý kiến chuyên môn, tình trạng chung của ngành ô tô toàn cầu nói chung và thị trường xe Việt Nam nói riêng là các mẫu xe càng nhiều công nghệ điện tử, tức dùng nhiều chip, càng phải chờ đợi lâu. Ngoài ra, việc nhiều mẫu xe giờ đây xuất xưởng thiếu tính năng, đồng nghĩa người dùng sẵn sàng tâm lý thoải mái để đón nhận những thay đổi bất ngờ nếu muốn có phương tiện đi lại.

Theo Hoàng Linh/hanoimoi.com.vn

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1027907/thi-truong-o-to-nhieu-san-pham-ra-mat-nhung-dai-ly-khong-co-xe-de-ban

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này