Chuyển đổi số thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững

18:01 | 26/03/2022
(LĐTĐ) Thích ứng với tình hình dịch Covid-19 trong giai đoạn mới, các di tích, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đang có những thay đổi để phát triển mạnh mẽ hơn. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ để vừa phòng dịch, vừa mang lại sự tiện lợi cho khách đang được các đơn vị làm du lịch triển khai.
Cơ hội phát triển doanh nghiệp nhờ ứng dụng tài nguyên dữ liệu số Tham mưu cho Thành phố chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch, tuy nhiên đây cũng là thời điểm để những đơn vị làm dịch vụ du lịch thay đổi thích ứng. Điều đáng nói, những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính thì nay dịch Covid-19 đẩy doanh nghiệp phải chọn lựa giữa chuyển đổi số để phát triển mạnh hơn hoặc tạm ngừng phát triển.

Chuyển đổi số thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững
Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển trong đó có đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Bởi vậy có thể nói dịch Covid-19 khiến ngành công nghiệp không khói thiệt hại nặng nhưng nhìn ở một góc độ khác, dịch bệnh chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình.

Ghi nhận thực tế hiện nay các khu di tích, cơ quan quản lý ngành du lịch cũng đã nhanh nhạy khi chuyển cách làm mới, thích nghi để tồn tại. Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích nhằm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo an toàn cho du khách.

Công tác truyền thông du lịch trên các nền tảng số cũng ngày càng được đẩy mạnh. Hệ thống nền tảng số của Tổng cục Du lịch ngày càng được bổ sung, hoàn thiện với hệ thống website, mạng xã hội, các ứng dụng thông minh… Hình ảnh du lịch Việt Nam trên các nền tảng số ngày càng sống động, hấp dẫn và đến gần hơn với du khách.

Đầu năm 2021, dự án Google Arts & Culture - Kỳ quan Việt Nam ra đời, đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam xuất hiện trên nền tảng trực tuyến nổi tiếng Google Arts & Culture.

Ngay sau đó, chương trình truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam trên nền tảng YouTube do Trung tâm Thông tin du lịch thực hiện có tên “Việt Nam: Đi để yêu!” được ra mắt với sự hưởng ứng tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng, đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều nền tảng tiện ích mới cũng đang được Trung tâm phát triển phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch như Trang vàng du lịch Việt Nam (https://trangvangdulichvietnam.vn/), là một nền tảng kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ uy tín trong lĩnh vực du lịch; Hệ thống vé điện tử cho phép người dùng tìm kiếm và đặt vé các chương trình văn hóa nghệ thuật, vé tham quan du lịch, vé dịch vụ vận chuyển...

Thông qua các nền tảng số này, những thế mạnh nổi bật của du lịch Việt Nam như di sản, văn hóa, ẩm thực, cảnh quan… đã được quảng bá rộng rãi đến đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Điều này rất phù hợp trong bối cảnh làn sóng công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, cũng như tình hình mới do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cùng với đó các di tích, Trung tâm bảo tồn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các ứng dụng công nghệ hiện đại đã được áp dụng triển khai như: Hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế; Ứng dụng tương tác thông tin di sản đa phương tiện trên điện thoại thông minh (tương tác mã QR); Hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI...

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giới thiệu trang trưng bày trực tuyến, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify...

Không chỉ riêng các khu di tích, nhà quản lý du lịch, hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng đang khai thác thế mạnh của công nghệ.

Chia sẻ về chuyển đổi số đang được triển khai tại Tập đoàn trong buổi đối thoại chuyên đề "Mở cửa du lịch hậu Covid - Những vấn đề nóng cần giải quyết" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Sun Group, cho biết: “Đầu tư chuyển đổi số trong ngành du lịch cần sự bền bỉ và chọn lọc. Dịch Covid-19 là cái cớ để quá trình chuyển đổi số phải diễn ra nhanh hơn. Thói quen của du khách thay vì đặt dịch vụ qua các kênh truyền thống, họ đã chuyển qua đặt trực tuyến. Chúng tôi áp dụng chuyển đổi số, trong đó triển khai hành trình một chạm, chạm thông minh…”.

Không thể phủ nhận lợi ích mà ứng dụng công nghệ đem lại cho ngành du lịch, tuy nhiên trên thực tế với nhiều doanh nghiệp việc bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số không phải là điều dễ dàng nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhấn mạnh chuyển đổi số là sân chơi của những doanh nghiệp có tài chính và “dám nghĩ dám làm”, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel, cho biết hiện tại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số với 80% vẫn sử dụng các phần mềm thông minh đơn giản để tiếp cận và quản lý khách hàng.

“Chuyển đổi số để chúng ta phát triển một cách bài bản, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực trước, phải có người làm, phải có người hiểu về kỹ thuật, công nghệ thông tin về mã nguồn mở, tiếp đến là nguồn tài chính để đầu tư dài hạn”, ông Khánh phân tích.

Từ những sự thay đổi điển hình nêu trên có thể thấy trong xu thế chung, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là một quá trình chuyển đổi tư duy, cách thức hoạt động của ngành du lịch, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ và nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các bên liên quan.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này