Đề nghị tiếp tục tổ chức cấp phòng tại một số vụ đặc thù

21:20 | 25/03/2022
(LĐTĐ) Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục duy trì phòng thuộc một số vụ đặc thù có quy mô từ 30 biên chế trở lên, nhiều mảng công việc và có chức năng xây dựng pháp luật, quản trị nhân sự.
Thí điểm cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng

Ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Theo Báo cáo tại phiên thẩm định, trên cơ sở Nghị định số 96/2017/NĐ-CP, các đơn vị của Bộ Tư pháp được tổ chức khoa học, hợp lý để thực hiện chuyên sâu, toàn diện, hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, nhiều quy định của Nghị định đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp với các văn bản mới được ban hành cũng như thực tiễn thực hiện tổ chức, hoạt động của Bộ.

Đề nghị tiếp tục tổ chức cấp phòng tại một số vụ đặc thù
Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 96/2017/NĐ-CP (ảnh: An Như)

Hiện, Bộ Tư pháp có 22 tổ chức hành chính thuộc Bộ, bao gồm: 1 tổng cục, 11 cục, 8 vụ, 2 tổ chức tương đương (Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ) và 5 đơn vị sự nghiệp công lập. Số lượng các phòng thuộc vụ, cục thuộc Bộ đã thực hiện thu gọn, giảm bớt 13 phòng (có 11/22 đơn vị đã cắt giảm đầu mối đơn vị cấp phòng). Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn có 6 đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị đã được Bộ Tư pháp phân định rõ ràng, không có sự trùng lặp, chồng chéo; phương thức và lề lối làm việc khoa học hơn, mở rộng dân chủ, phân cấp quản lý được đẩy mạnh đi đôi với việc tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong thực hiện...

Dự thảo Nghị định bổ sung chức năng “trợ giúp pháp lý” - chức năng đã được giao cho Bộ Tư pháp theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Về cơ cấu tổ chức, dự thảo Nghị định tiếp tục giữ ổn định mô hình tổ chức đối với 19 đơn vị. Đồng thời, chuyển đổi Cục Con nuôi thành Vụ Con nuôi; chuyển đổi Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức lại Cục Công tác phía Nam thành Cục Tư pháp địa phương; đổi tên Viện Khoa học pháp lý thành Viện Chiến lược và khoa học pháp lý.

Đáng quan tâm, Bộ Tư pháp đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục duy trì phòng thuộc một số vụ đặc thù có quy mô từ 30 biên chế trở lên, nhiều mảng công việc và có chức năng xây dựng pháp luật, quản trị nhân sự, hoặc tham gia đàm phán quốc tế, hoạt động đối ngoại cần có lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên.

Theo Bộ Tư pháp, việc duy trì cấp phòng đối với các đơn vị nêu trên là đáp ứng quy định về thành lập phòng thuộc vụ (có 30 biên chế trở lên, bố trí tối thiểu 7 biên chế/phòng) đáp ứng tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 101/2020/NĐ-CP. Duy trì cấp phòng ở các vụ là rất cần thiết để đảm bảo tính chuyên sâu, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ công tác.

Qua thời gian tổ chức cấp phòng ở các vụ, đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình này phù hợp với tính chất công việc của các vụ thuộc Bộ Tư pháp là đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, chủ yếu tập trung về thẩm định, góp ý, nghiên cứu chính sách, luật để phục vụ cho công tác của Bộ Tư pháp và công tác hoàn thiện thể chế chung của Chính phủ. Do vậy lãnh đạo cấp phòng đóng vai trò như một bước sàng lọc, kiểm soát chất lượng của các công việc chuyên môn.

Bên cạnh đó, cấp phòng có tính chất là trung gian để bảo đảm tham mưu, giúp lãnh đạo vụ quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các công việc được bao quát, thông suốt, bài bản.

Việc duy trì cấp phòng để tạo môi trường đào tạo, rèn luyện công chức trong vai trò lãnh đạo, quản lý, tạo tiền đề trước khi có thể bổ nhiệm vào các vị trị lãnh đạo cấp cao hơn; khuyến khích sự phấn đấu rèn luyện của công chức, viên chức...

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tại phiên thẩm định, hoàn thiện hồ sơ để Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này