Nữ công nhân viên chức lao động Thủ đô thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

20:20 | 24/03/2022
(LĐTĐ) Mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã triển khai Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” trong nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) giai đoạn 2022-2026, với một trong những nội dung là thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Phú Xuyên: Kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 Thường Tín: Phối hợp tổ chức các hoạt động trong nữ CNVCLĐ giai đoạn 2022-2026 Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho nữ công nhân viên chức lao động

Cuộc vận động được triển khai tới 100% Công đoàn cơ sở trực thuộc các cấp Công đoàn Thành phố với 5 nội dung và 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Các nội dung vận động gồm: Thanh lịch, văn minh trong nói năng, giao tiếp; văn hoá ứng xử trong gia đình; thực hiện văn hóa ứng xử tại cơ quan, đơn vị; thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng; thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội...

Đáng chú ý trong đó đối với nội dung thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, LĐLĐ Thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn vận động nữ CNVCLĐ tuân thủ nghiêm các chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý mạng xã hội; sử dụng ngôn từ, hình ảnh chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội; không sử dụng mạng xã hội để phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, sai trái, phiến diện, một chiều gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Nữ công nhân viên chức lao động Thủ đô thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
Nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội trình diễn thời trang áo dài. Ảnh minh họa.

Công đoàn vận động nữ CNVCLĐ khi nhận xét, bình luận trên mạng xã hội cần khách quan, tế nhị, quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông với người khác; không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác; không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý; ưu tiên tuyên truyền, chia sẻ, lan tỏa về những điển hình tiêu biểu/cách làm hay/việc làm tốt trong lao động, sản xuất và cuộc sống thường ngày của nữ CNVCLĐ Thủ đô, góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Về giải pháp thực hiện, LĐLĐ Thành phố đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện Cuộc vận động trong nữ CNVCLĐ Thủ đô gắn với việc thực hiện các Bộ Quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội; tổ chức tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa và nội dung Cuộc vận động tới nữ CNVCLĐ trên địa bàn gắn với tuyên truyền các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Cùng đó, các cấp Công đoàn Thành phố chủ động cụ thể hóa các tiêu chí ứng xử đẹp phù hợp với từng nhóm đối tượng nữ CNVCLĐ và yêu cầu công tác tuyên truyền của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo sự chuyển biến trong ứng xử và hành động hàng ngày; lồng ghép các tiêu chí thực hiện nội dung ứng xử đẹp vào nội dung phong trào thi đua Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn việc đánh giá thực hiện các nội dung ứng xử đẹp với việc bình xét nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” hàng năm…

Ngoài ra, các cấp Công đoàn cần xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện Cuộc vận động; định kỳ hàng năm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn với đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà”, gặp gỡ và biểu dương các tập thể, cá nhân, mô hình tiêu biểu trong thực hiện cuộc Cuộc vận động.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này