Xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái:

Nhiệm vụ không của riêng ai!

21:44 | 23/03/2022
(LĐTĐ) Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xử lý hàng nghìn vụ việc bạo lực, xâm hại, quấy rối phụ nữ, trẻ em gái, trong đó có nhiều vụ việc xảy ra nơi công cộng, gây bức xúc trong xã hội. Thực tế cho thấy, việc xây dựng không gian công cộng an toàn cho phụ nữ và em gái là vô cùng cần thiết và cần có sự ủng hộ, chung tay góp sức từ tất cả các đơn vị cũng như cả cộng đồng.
Xây dựng thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em gái Nỗ lực vì tương lai phụ nữ và trẻ em gái được bảo vệ tốt hơn Tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của trẻ em gái

Không phải vấn đề của riêng ai

Dù không phải vấn đề mới nhưng tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng, đặc biệt với các nhóm như trẻ em gái, phụ nữ… vẫn đang diễn ra khá phổ biến với tính chất ngày càng phức tạp.

Theo một khảo sát về An toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện công cộng của Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện năm 2014 cho thấy, có 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.

Quanh câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ vấn nạn quấy rối xảy ra với con số đáng báo động như vậy bởi những biểu hiện của nó luôn ẩn mình và được ngụy biện dưới những lời yêu thương, câu đùa vui... Chính vì vậy mọi người thường thờ ơ, hoặc không nhận ra tính nghiêm trọng của những hành vi đó. Đặc biệt, đa phần trong các trường hợp quấy rối tình dục, nạn nhân và cả những người chứng kiến đều có xu hướng im lặng.

Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng, Viện Phát triển Sức khoẻ Cộng đồng Ánh Sáng cho biết, với phụ nữ và em gái nói chung, họ đều gặp phải vấn đề rất lớn tại nơi công cộng bao gồm địa điểm hữu hình như xe buýt, công viên, và vô hình là trên môi trường mạng.

Đối với các nhóm LGBT+, nhóm yếu thế khác như: Trẻ em, phụ nữ và em gái dân tộc thiểu số, người khuyết tật… còn gặp nhiều hạn chế trong cả cách tiếp cận thông tin, nhận thức vấn đề và di chuyển.

Nói cách khác, những vấn đề và “rào cản” bủa vây em gái, phụ nữ, người khuyết tật, các nhóm yếu thế khác đến từ nhiều chiều chứ không chỉ từ môi trường, điều kiện cơ sở vật chất và cộng đồng xung quanh mà còn từ sự chủ quan các đối tượng.

Nhiệm vụ không của riêng ai!
Xây dựng không gian công cộng an toàn cho phụ nữ và em gái là vô cùng cần thiết và cần có sự ủng hộ, chung tay góp sức hành động của cả cộng đồng. (Ảnh: Giang Nam)

Thực tế cho thấy, để khắc phục câu chuyện này, thời gian qua các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp, nhằm xây dựng không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Trần Thị Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, với những nỗ lực thời gian qua, một trong những điểm tiến bộ thấy trước tiên là khuôn khổ chính sách pháp luật về bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ngày càng được hoàn thiện. Cụ thể, đó là Luật Bình đẳng giới và các Nghị định hướng dẫn thi hành; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người…

Đáng chú ý, nằm trong nỗ lực xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và em gái, đại diện Vụ Bình đẳng giới chia sẻ, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục có những hành động cụ thể nhằm ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thúc đẩy phối hợp liên ngành và xây dựng các mô hình thí điểm về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các đơn vị để cùng nhau tạo ra những thay đổi tích cực.

Xây dựng không gian an toàn

Ở phía các tổ chức xã hội, được biết những năm gần đây, Plan International Việt Nam cùng các tổ chức đối tác đã triển khai thí điểm dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”, “Hành trình an toàn cho phụ nữ tại đô thị” ở một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Những dự án này đã tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho hàng nghìn cán bộ giao thông; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, quấy rối tình dục ở những nơi công cộng cho hàng vạn phụ nữ, trẻ em gái.

Ngoài ra, các dự án còn hỗ trợ xây dựng hệ thống sân chơi an toàn, cộng đồng an toàn cho một số địa phương. Ở Hà Nội, những mô hình này được thí điểm triển khai tại một số địa phương thuộc huyện Đông Anh.

Qua một thời gian triển khai, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đông Anh chia sẻ, Đông Anh đến với dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái” từ tháng 10/2016. Sau một thời gian triển khai trên địa bàn, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của người dân và tăng không gian an toàn cho nhóm phụ nữ, trẻ em gái.

Quanh vấn đề này, chia sẻ ở góc độ truyền thông, anh Nguyễn Việt Anh - Nhóm 1977Vlogs đưa ra sáng kiến: “Chúng ta cần truyền thông một cách khéo léo, những nội dung sáng tạo lồng ghép thông điệp tích cực, dễ chạm đến người xem để các bạn trẻ sống tốt hơn, nâng cao nhận thức để giúp các bạn trẻ khi gặp những tình huống như vậy biết cách xử lý và bảo vệ bản thân.

Ngoài truyền thông, tôi vẫn mong có các hoạt động giáo dục giới tính ngay từ khi còn nhỏ, trước khi chờ người khác bảo vệ, các bạn nữ hay yêu chính bản thân mình, đừng tự ti bất kì điều gì từ bản thân mình. Chỉ có sự tự tin mới giúp các bạn vượt qua những khó khăn đến từ bên ngoài”.

Rõ ràng, việc xây dựng không gian công cộng an toàn cho phụ nữ và em gái là vô cùng cần thiết và cần có sự ủng hộ, chung tay góp sức hành động từ tất cả các đơn vị cũng như cả cộng đồng. Khi tất cả đồng lòng lên tiếng, đoàn kết hợp tác và nỗ lực hành động, tin rằng mọi hành vi quấy rối phụ nữ, em gái dù ở đâu, dù dưới hình thức nào đều sẽ phải chấm dứt. Phụ nữ và trẻ em gái được sống, làm việc, học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, văn minh.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này