Việt Nam dự kiến là thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất vào năm 2026

18:29 | 23/03/2022
(LĐTĐ) Với dân số vào khoảng gần 100 triệu người, trong đó có đến 61 triệu người dùng điện thoại thông minh, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam được dự báo phát triển mạnh vào năm 2026 với doanh số khoảng 56 tỷ USD. Đó là thông tin vừa được đưa ra tại Hội thảo “Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới”.
Hoàn thiện chính sách quản lý thương mại điện tử Xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử: Lựa chọn để phát triển Yêu cầu gỡ bỏ hơn 13.7 ngàn sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 vi phạm trên các sàn thương mại điện tử

Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, cùng sự hỗ trợ của hạ tầng internet và công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành một trụ cột quan trọng trong phát triển thương mại.

Mặc dù, đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của mọi thành phần kinh tế, nhưng TMĐT Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, năm 2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt 18%, quy mô 11,8 tỷ USD, và là quốc gia duy nhất ở khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng TMĐT 2 con số.

Việt Nam dự kiến là thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất vào năm 2026
Việt Nam dự kiến là thị trường phát triển TMĐT nhanh nhất vào năm 2026 với doanh số 56 tỷ USD

Đề cập đến sự tăng trưởng của TMĐT, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kinh tế Việt Nam có bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số, ở đó nhà sản xuất và khách hàng cùng sử dụng ứng dụng số khác nhau để thu thập thông tin, kết nối và giao dịch sản phẩm.

TMĐT là phần quan trọng của xu thế đó, đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. TMĐT đang trở thành nhân tố cốt lõi trên toàn cầu và là xu thế tất yếu không quốc gia nào đứng ngoài cuộc được.

Chia sẻ thêm về cơ hội, bà Trần Như An - Cố vấn năng lực cạnh tranh và Quản lý dự án IPSC - USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) cho biết: Dưới ảnh hưởng Covid-19, phương thức tiêu dùng và năng lực mua sắm có nhiều thay đổi. Cũng trong bối cảnh này, doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, vận hành nhằm đảm bảo sự cạnh tranh.

Tại Việt Nam có 61 triệu người dùng smartphone, tỷ lệ này thúc đẩy sự phát triển TMĐT phát triển. Việt Nam dự kiến là thị trường phát triển TMĐT nhanh nhất vào năm 2026 với doanh số 56 tỷ USD.

Cũng tại hội thảo, bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) dẫn chứng điều tra với 47 quốc gia trên thế giới từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho thấy, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch với khoảng 14,9% so với trước thời điểm đó vào năm 2019 với 10,3%. Đây cũng chính là cơ hội cho Việt Nam phát triển TMĐT xuyên biên giới.

Dù có tiềm năng cho thị trường TMĐT tại Việt Nam rất rộng mở, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo, hiện thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, do hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ trong nước chưa thể cạnh tranh với đối thủ toàn cầu, chưa đáp ứng nhu cầu người dùng, chất lượng, thiết kế sản phẩm trong nước, không tạo sự khác biệt trong sản phẩm.

Do đó cần đào tạo nâng cao năng lực các đơn vị, đầu tư hệ thống, năng lực kho bãi, giao thông vận tải, hệ thống thanh toán, bảo mật thông tin... Tuy nhiên, những những yếu tố này doanh nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có đủ niềm tin và hướng tiếp cận đúng đắn với TMĐT.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này