Bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm

12:04 | 24/03/2022
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, đợt 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Với nhiều quy định mới, Dự luật được kỳ vọng sau khi ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý phù hợp, minh bạch hơn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời, giúp người tham gia bảo hiểm được bảo vệ quyền lợi tốt hơn.
Sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chưa phải sử dụng Doanh nghiệp bảo hiểm không được quấy nhiễu khách hàng Cần quy định rõ về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong kinh doanh bảo hiểm

Bổ sung quy định bảo hiểm vi mô

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô tại Dự thảo Luật nhưng một số ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc quy định này vì bảo hiểm vi mô có tính chất tương hỗ, an sinh xã hội, phi lợi nhuận, trong khi phạm vi của luật có tính chất kinh doanh.

Bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp.

Theo ông Thanh, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Bảo hiểm vi mô thường phát triển ở các nước đang phát triển và được coi là một cấu phần quan trọng trong chính sách tài chính toàn diện của quốc gia, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước.

“Việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam”, ông Thanh cho biết.

Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong Dự thảo Luật và chỉ quy định nguyên tắc triển khai, đối tượng được triển khai tại Dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thống nhất quan điểm nên giao cho Chính phủ quy định gói cụ thể, chi tiết đối với bảo hiểm vi mô. Vì bảo hiểm vi mô gắn liền với an sinh xã hội cho những người nghèo, những người hoàn cảnh khó khăn và ở vùng sâu, vùng xa, vừa bảo hiểm vừa thực hiện an sinh xã hội.

Không công khai thông tin về xử phạt vi phạm hành chính

Một nội dung được các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm rất quan tâm là quy định về công khai thông tin bất thường. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Dự thảo Luật đã bỏ quy định về việc công khai thông tin quyết định của Đại hội đồng cổ đông bất thường do liên quan đến bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, chỉ công khai các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được công bố trên cổng thông tin điện tử của Tòa án liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài. Chỉ công khai thông tin liên quan quyết định khởi tố người quản lý của doanh nghiệp khi việc khởi tố liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc điều chỉnh các quy định trên vẫn bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh và hỗ trợ khách hàng có thể khai thác thông tin khi truy cập vào trang thông tin của doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…

Dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Đáng quan tâm, sau gần 12 năm trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Trước thực tế này, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp quỹ, ý kiến khác cho rằng nên có quy định này nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, người được bảo hiểm và người thụ hưởng(nếu có);

b) Đối tượng bảo hiểm;

c) Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;

d) Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm, điều kiện hoặc điều khoản bảo hiểm;

đ) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;

e) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;

g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;

h) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;

i) Phương thức giải quyết tranh chấp.

2. Ngoài những nội dung quy định khoản 1 Điều này, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuậnphù hợp với quy định của pháp luật.

(Theo Điều 17. Nội dung của hợp đồng bảo hiểm, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro. Do đó, đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và Dự thảo Luật quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Theo Ủy ban thẩm tra, việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ thể hiện tại Tờ trình số 307/TTr-CP ngày 26/8/2021, đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập.

Quy định chặt chẽ trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng một số đại biểu cho rằng Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi thỏa đáng của người mua bảo hiểm, đặc biệt cần quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.

Theo Dự thảo, việc thu nhận, sử dụng, lưu trữ và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm phải bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin, tuân thủ các quy định về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý do Ủy ban Kinh tế đề xuất về kết cấu của Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát để có kết cấu hợp lý hơn. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát lại về các loại hình bảo hiểm để đảm bảo đưa ra cách phân loại có hệ thống, nhất quán.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần nghiên cứu quy định rõ ràng và hợp lý vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, cần tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế, tiếp cận cập nhật xu hướng công nghệ mới để có bước phát triển đột phá và đảm bảo tính bền vững sau khi Luật được ban hành.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần thiết quy định bảo hiểm vi mô trong Luật Kinh doanh bảo hiểm; dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý sử dụng số dư quỹ.

Để góp phần cải cách hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định giấy phép thành lập hoạt động cũng chính là giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và khi doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính.

Theo chương trình, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới./.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này