Sửa luật để phát huy, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân

16:50 | 23/03/2022
(LĐTĐ) Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Lấy kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức Gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với chống Covid-19 và phát triển kinh tế

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Đồng thời, Dự luật bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Sửa luật để phát huy, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình tại phiên họp. (Ảnh: QH)

Qua thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, tán thành với tên Luật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về việc xác định phạm vi “cơ sở” để người dân thực hiện dân chủ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xác định thôn, tổ dân phố cũng là đơn vị cơ sở để người dân thực hiện dân chủ.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc xác định “cơ sở” để thực hiện dân chủ là xã, phường, thị trấn theo Dự thảo Luật là phù hợp bởi việc thực hiện dân chủ phải xét trong mối quan hệ giữa công dân với các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Trong hệ thống tổ chức bộ máy ở nước ta, thôn, tổ dân phố không phải là cấp chính quyền.

Về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tham gia thẩm tra cũng có 2 loại ý kiến.

Cụ thể, một số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ là Luật này chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhưng để bảo đảm tương xứng, cân bằng với các loại hình dân chủ ở cơ sở khác, đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp..

Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật nên tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra, có ý kiến còn đề nghị không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp vì cơ chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp khác rất nhiều so với dân chủ trong cơ quan Nhà nước hay ở xã, phường, thị trấn.

Thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dự án luật quan trọng và khó vì phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều loại hình, nhiều chủ thể. Do đó cần được nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dịp thể chế hoá chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Phương châm là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ.

Bên cạnh đó, nội dung dự thảo cần xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ ở cơ sở với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Qua luật này thể chế hoá cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Luật được ban hành phải đảm bảo chất lượng, khả thi đi vào cuộc sống, tránh hình thức, phô trương.

Sửa luật để phát huy, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật. (Ảnh: QH)

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, thiết kế luật sao cho thể hiện được rõ 3 nhóm dân chủ cơ sở (ở xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị, tổ chức; doanh nghiệp và tổ chức kinh tế) với 6 phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Cùng với đó là đánh giá tác động sâu sắc hơn về các chính sách, nhất là về hạn chế, yếu kém bất cập.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường dẫn chứng tình trạng đình công, lãn công, khiếu kiện đông người có nguyên nhân không công khai thông tin cho người lao động như về tăng giờ làm, trả lương, phúc lợi xã hội. Ở chính quyền địa phương còn xuất hiện nhiều mâu thuẫn, nhất là liên quan phương án đấu giá, đấu thầu, cho thuê, giao đất...

Vì vậy, Dự luật cần bổ sung thêm nội dung về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện dân chủ. Đồng thời, phải quy định chặt chẽ, đồng bộ để tránh việc không muốn thông tin những cái quy định cần có, chỉ công khai những cái không cần thông tin...

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật. Theo đó, phải kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và có bước phát triển; khắc phục được các hạn chế, yếu kém hiện nay và bảo đảm mở rộng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này