Nhiều giải pháp kết nối cung cầu lao động

12:19 | 24/03/2022
(LĐTĐ) Để kết nối cung - cầu lao động trong bối cảnh thị trường lao động đang từng bước sôi động trở lại, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện các giải pháp như: Rà soát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc của người lao động để tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối; tăng cường đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho người lao động để đáp ứng nguồn cung của doanh nghiệp...
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Kết nối cung – cầu lao động với hơn 31.299 chỉ tiêu Giải bài toán cung - cầu lao động Kết nối cung- cầu lao động hiệu quả từ giao dịch tuyển dụng trực tuyến

Nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, thị trường lao động của Hà Nội đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan của Thành phố tích cực tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có những chính sách và các giải pháp hữu hiệu, tích cực để nhanh chóng phục hồi thị trường lao động của Thủ đô.

Nhiều giải pháp kết nối cung cầu lao động
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm online kết nối 7 tỉnh, thành phố.

Theo đó, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND về việc hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022, với những giải pháp hết sức thiết thực và cụ thể đồng thời đặt đặt ra chỉ tiêu trong năm 2022 sẽ giải quyết việc làm cho 160.000 người lao động.

Ghi nhận từ thực tiễn cũng cho thấy, thị trường lao động của thành phố Hà Nội đang từng bước sôi động trở lại với nhu cầu tuyển dụng tăng cao từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Tại các phiên giao dịch việc làm mà Thành phố tổ chức, nhiều đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến hàng nghìn chỉ tiêu/phiên, với các vị trí việc làm đa dạng, mức thu nhập từ 5-20 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, do tác động của dịch bệnh khiến lượng lao động là F0, F1 tăng cao; nhiều doanh nghiệp phục hồi đã tăng cường quy mô, mở rộng sản xuất, nên trên địa bàn Thủ đô hiện vẫn còn có sự thiếu hụt lao động nhất định, vào khoảng hơn 50.000 lao động thuộc các ngành, nghề như: Dịch vụ, sản xuất, xây dựng…

Để kết nối doanh nghiệp với người lao động, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, tạo việc làm như trên, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, Sở đã có những giải pháp cụ thể. Trước hết, thông qua việc thống kê, khảo sát về thị trường lao động, Sở đã có sự phân tích, đánh giá những ngành nghề thiếu hụt các lực lượng lao động nào; nguồn lực lao động có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng trong thời điểm hiện tại của doanh nghiệp hay không.

Đối với nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về trình độ hoặc ngành nghề, Sở tổ chức đào tạo ngắn hạn, dài hạn tùy theo tình hình để đáp ứng nguồn cung cho doanh nghiệp, qua đó giúp việc kết nối cung - cầu lao động được tiệm cận gần nhau hơn, doanh nghiệp nhờ đó sẽ tuyển dụng được nguồn nhân lực qua đào tạo để nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.

“Thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố tiếp tục khảo sát, rà soát nhu cầu tìm việc làm của người lao động và nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị để tiếp tục thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết.

Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm

Theo lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, một trong những giải pháp quan trọng kết nối cung cầu lao động là tăng cường hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm cũng như tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Những năm vừa qua, hệ thống điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát huy được hiệu quả hết sức tích cực, qua đó đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nhà tuyển dụng, người lao động được kết nối cung cầu lao động với nhau tại các điểm giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn quận, huyện.

“Thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố tiếp tục khảo sát, rà soát nhu cầu tìm việc làm của người lao động và nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đơn vị để tiếp tục thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết.

Phát huy kết quả này, trong năm 2022, Sở đã tham mưu và được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”; giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành và quận, huyện triển khai hiệu quả nhất.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, với Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn Giao dịch việc làm giai đoạn 2021- 2025, Sở tập trung vào thực hiện mấy nội dung, trước hết là chuyển đổi các điểm Giao dịch việc làm vệ tinh thành hệ thống sàn giao dịch việc làm vệ tinh.

Hiện nay Hà Nội có 1 sàn Giao dịch việc làm trung tâm và 13 sàn giao dịch việc làm vệ tinh đặt ở các quận, huyện. Thứ hai, với bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn hết sức phức tạp, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Sở tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin cho việc kết nối cung cầu lao động bằng hình thức kết nối online với nhà tuyển dụng, người lao động ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, năm 2022 tổ chức khoảng 15 phiên giao dịch việc làm lưu động và 4 phiên giao dịch việc làm chuyên đề. Đối với phiên giao dịch việc làm lưu động, chúng tôi tập trung chủ yếu cho các quận, huyện có đông doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn.

Chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện để cùng tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động. Đối với các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, chúng tôi có sự lựa chọn để tổ chức; ví dụ như phiên dành cho thanh niên, phiên dành cho người khuyết tật, phiên dành cho bộ đội xuất ngũ, phiên bán thời gian vào dịp cuối năm. Những phiên giao dịch việc làm lưu động và phiên giao dịch việc làm chuyên đề, chúng tôi thực hiện kết nối cung cầu lao động; giúp cho người lao động gặp gỡ nhà tuyển dụng ở tại các quận, huyện, không phải đến các sàn giao dịch việc làm trung tâm” - ông Nguyễn Hồng Dân cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Dân, hiện Sở đã có kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm thường xuyên từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần ở hệ thống sàn trung tâm và các sàn giao dịch việc làm vệ tinh để nhà tuyển dụng và người lao động gặp gỡ, đáp ứng được các điều kiện của nhau để có việc làm ngay sau khi phỏng vấn./.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này