Dự án xanh hướng đi của tương lai

09:31 | 24/03/2022
(LĐTĐ) Việc phát triển bất động sản xanh có thể mang lại những thách thức nhất định, đặt ra nhiều bài toán khó về phát triển đô thị và đảm bảo môi trường sống bền vững. Nhưng, đó cũng là cơ hội gia tăng lợi nhuận cho các chủ đầu tư, trong bối cảnh Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, cùng với nguồn cung cầu mạnh mẽ của khách hàng.
Xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại Nâng chất lượng cuộc sống theo hướng đô thị xanh

Thách thức từ bất động sản xanh

Trong vài năm trở lại đây, những sản phẩm bất động sản xanh được phát triển rất nhiều ở nước ta. Bên cạnh ưu điểm vượt trội như tập trung vào các vật liệu thân thiện có thể tái chế, thì những sản phẩm này cũng gây ra nhiều ảnh hưởng và biến đổi bất lợi về mặt môi trường.

Dự án xanh hướng đi của tương lai
Nhiều dự án bất động sản xanh sẽ là xu hướng phát triển trong tương lai.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, các công trình xây dựng tiêu thụ đến 36% năng lượng và phát thải ra 39% tổng lượng khí thải CO2. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ đầu tư xây dựng khoảng 3-5% để làm công trình xanh, chi phí vận hành có thể giảm được từ 14-36% từ đó giảm lượng năng lượng tiêu thụ dẫn đến giảm phát thải khí nhà kính.

Tỷ lệ đô thị hoá tại Việt Nam sẽ đạt 40,91% (xấp xỉ 42,04 triệu người) vào năm 2025 và 44,45% (khoảng 47,25 triệu người) năm 2030; Nhu cầu nhà ở tăng mỗi năm 70 triệu m2 sàn (tương đương 17.500 tòa nhà 30 tầng). Đây là hai dự báo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng khi đề cập đến tốc độ đô thị hóa ở nước ta trong những năm tới.

Việc phát triển các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ là chìa khóa then chốt để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các thiết kế kết hợp việc sử dụng tài nguyên năng lượng, nước sẽ làm giảm thiểu tối đa hoá đơn điện, nước trong suốt vòng đời công trình.

Báo cáo mới nhất cuối năm 2021, đầu năm 2022 của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, tại thị trường Việt Nam mới có 208 dự án bất động sản được công nhận chứng chỉ Xanh và 5.578.000 m2 sàn đạt chứng nhận; bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh (LEED) cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC), chứng chỉ công nhận công trình xanh (EDGE) cấp bởi tổ chức IFC và Lotus cấp bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC).

Trong đó số lượng dự án đạt chứng nhận (của LEED, EDGE và Lotus) lần lượt là 117, 56 và 35; diện tích sàn GFA đạt chứng nhận cũng lần lượt là 2.476.475 m2, 2.735.308 m2 và 348.585 m2. Con số này được các chuyên gia đánh giá là rất khiêm tốn so với tiềm năng của ngành xây dựng Việt Nam.

Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) cũng khẳng định mục tiêu của 197 quốc gia về việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Cam kết này đồng nghĩa với mức giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và đến năm 2050. Những quốc gia tham gia Hiệp định cần đưa con số phát thải ròng về bằng 0.

Do đó, rất nhiều quốc gia đang phát triển các chính sách hướng tới mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, trong đó có Việt Nam. Cũng tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Công ty Savills - nhà cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu được niêm yết trên thị trường chứng khoán Luân Đôn dự báo, thập kỷ tới sẽ khó khăn hơn cho nhà phát triển bất động sản khi phải quyết định giữa việc phá dỡ và xây mới bất động sản, để có thể thực hiện đúng cam kết ESG - tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng), hoặc để phù hợp với quy định mới.

Tại buổi hội thảo trực tuyến: “Xu hướng Marketing xanh trong Bất động sản hậu Covid”, ông Trịnh Tùng Bách - Phó Tổng giám đốc Sen Vàng Group, Sáng lập Công ty Cổ phần sản xuất và xây dựng GBS Việt Nam nhấn mạnh: “Cân bằng chi phí đầu tư và cách thức đo lường năng lượng tiêu thụ sẽ là hai vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm. Một số khác không có nhu cầu đầu tư mới, hoặc cải tạo bất động sản sẽ tập trung vào việc mua lại những cái dự án đã đạt một số tiêu chuẩn nhất định”.

Lợi ích từ đầu tư phủ xanh

Cũng theo ông Trịnh Tùng Bách, dù các dự án xanh bền vững, tiết kiệm tài nguyên đều quan mang tính trọng; nhưng phần lớn các chủ đầu tư khi nhìn vào công trình xanh chỉ tính toán chi phí đầu tư ban đầu, mà không nghĩ đến những lợi ích lâu dài. Bởi, thường khi bán một công trình xanh, chi phí ban đầu là chủ đầu tư phải bỏ ra; trong khi lợi ích về mặt vận hành như giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên, hay cải thiện về sức khỏe đời sống thì thuộc về người sử dụng.

Dự án xanh hướng đi của tương lai

Dự án Khu nhà ở Ecohome 3 tại Khu Bắc Cổ Nhuế, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đạt chứng chỉ Xanh EDGE với mức tiết kiệm năng lượng 25%, nước 36% và năng lượng hàm chứa vật liệu 32%.

Từ các nghiên cứu và bài học thực tế tại Việt Nam đều cho thấy chỉ cần tăng 1-3% vào đầu tư ban đầu, thậm chí nếu tiếp cận đúng cách, công trình xanh còn không làm đội chi phí đầu tư. Bên cạnh đó năng lượng và nước tiết kiệm được trong quá trình sử dụng của một công trình có thể lên tới 20-40% và chỉ mất 1-2 năm để “thu hồi vốn”. Từ đó, người sử dụng cũng như xã hội nói chung sẽ được lợi ích lâu dài trong cả vòng đời 50-100 năm của công trình.

Khi xét về chi phí, công ty Savills có báo cáo, bất động sản xanh tạo ra sự chênh lệch về giá dựa trên những yếu tố: Chi phí tiêu hao năng lượng thấp hơn là tiền đề cho giá thuê cao hơn. Bất động sản mang đến những tiềm năng về lợi nhuận tốt hơn không chỉ thể hiện ở yếu tố xanh mà còn đi kèm với nhiều giá trị khác. Nhờ đó, thương hiệu của một tòa nhà xanh tuy khó đo lường, nhưng sẽ được cân nhắc bởi chủ đầu tư và khách thuê. Chi phí đền bù lượng khí thải đến từ những bất động sản khó khử carbon thường cao hơn.

Những năm qua, thị trường toàn cầu đã xuất hiện những nhà phát triển với tất cả bất động sản trong danh mục đạt tiêu chuẩn cao nhất về ESG. Người đầu tư vào sản phẩm này sẽ nhận được lợi nhuận tổng gộp, bao gồm doanh thu từ yếu tố môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, họ có thể sử dụng các phần mềm trong quản lý lĩnh vực bất động sản xanh, công cụ đo lường nguy cơ carbon, để xác định lộ trình hàng năm cho mức tiêu thụ năng lượng và sản sinh khí thải của từng sản phẩm đến năm 2050.

Như vậy cần phải có sự hiểu biết tương đồng trong tất cả các bên rằng, công trình xanh không chỉ đem lại lợi ích về mặt tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, mà còn đem lại lợi ích cho các nhóm khách hàng khác nhau trong công trình, từ chủ đầu tư người sở hữu đến người sử dụng công trình.

Liên Hợp Quốc đã thông qua một kế hoạch với trọng tâm của “Chương trình nghị sự 2030” là 17 mục tiêu phát triển bền vững, nhằm giải quyết những thách thức quan trọng nhất về kinh tế, xã hội và môi trường của thế giới. Bởi vậy, hành động của mỗi doanh nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt để đạt được các mục tiêu thông qua các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, áp dụng mô hình kinh doanh mới, hoạt động đầu tư, đổi mới và công nghệ, và sự hợp tác.

Xu hướng bất động sản xanh trong nước đang tiếp tục được đẩy mạnh nhờ các chính sách của Chính phủ và nguồn cung của thị trường. Quy định của Bộ Tài chính năm 2020 yêu cầu các doanh nghiệp công bố đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESG) trong báo cáo thường niên.

Thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững sẽ là điều kiện tiên quyết, để bất động sản xanh tại Việt nam có cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh trên trường quốc tế./.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này