Cô giáo dân tộc Chứt với mong muốn "đồng bào thoát nghèo"

22:07 | 23/03/2022
(LĐTĐ) Sinh ra và lớn lên ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), Cao Thị Giang, sinh năm 1988, trú tại xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã cố gắng học tập và thi đậu vào Trường Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành Địa lý. Ra trường, cô được tuyển dụng vào Trường Trung học cơ sở và trung học phổ thông Hóa Tiến. Sau đó, cô được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021.
Thành lập Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Nữ đại biểu Thủ đô đề xuất giải pháp giáo dục lối sống cho thanh niên

Tinh thần hiếu học và sự nỗ lực thành nữ giáo viên xuất sắc

Chúng tôi tìm về xã Hóa Tiến nép mình dưới chân những dãy núi đá vôi sát biên giới Việt - Lào, lắng nghe những chia sẻ, mong muốn từ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dân tộc Chứt Cao Thị Giang. Cô may mắn hơn chúng bạn, khi được về thành phố học Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình từ năm 2003-2006.

Ý thức được cuộc sống vất vả, khó nhọc ở quê hương, cô Giang chăm chỉ học tập với khát khao thoát nghèo. Bằng nỗ lực của bản thân, cô đã nỗ lực thi đỗ vào Trường Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành Địa lý.

Cô giáo dân tộc Chứt với mong muốn
Cô Cao Thị Giang (mũ cối xanh), trong một chuyến đi trao quà

"Sau khi có tấm bằng đại học, tôi vẫn rất chật vật trong việc kiếm tìm việc làm. Với tinh thần hiếu học, ý chí kiên cường tôi lại một lần nữa đi học lên thạc sĩ. Chính bố tôi đã nói rằng, phải học hành đầy đủ thì mới có hy vọng tìm được việc làm. Thế là tôi lại quyết tâm hơn", cô Giang kể lại.

Năm 2015, sau khi học xong thạc sĩ, cô may mắn được nhận vào công tác tại Trường THCS và THPT Hóa Tiến, huyện Minh Hóa ngay gần nhà.

Xa gia đình từ khi còn nhỏ và phải đi làm thêm khi học đại học đã rèn dũa cô gái người Chứt từ nhút nhát trở nên năng động và mạnh mẽ. Chính điều này đã giúp cô Giang rất nhiều trong công việc, nhất là khi được bầu làm Bí thư Đoàn trường.

Cô giáo dân tộc Chứt với mong muốn
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen cho cô giáo Cao Thị Giang

Trong căn nhà nhỏ, cô Giang tâm sự: “Vừa phụ trách bộ môn Địa lý, vừa là Bí thư Đoàn trường trong khi đó con còn nhỏ khiến tôi rất vất vả”. Dù vậy, cô vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được trò yêu, đồng nghiệp quý mến, Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng.

Thầy Hoàng Văn Hải, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hóa Tiến chia sẻ: “Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà giáo, cô Giang còn là thủ lĩnh Đoàn trường năng nổ, nhiệt huyết. Chính cô Giang đã sáng tạo ra mô hình “Lớp học sáng đèn”, cắt cử các giáo viên bộ môn, thường xuyên phụ đạo thêm cho các em vào mỗi tối để nâng chất lượng dạy học. Cô Giang đã tạo nên một sự ảnh hưởng rất tích cực đến toàn thể cô, thầy và học sinh trong Nhà trường”.

Nữ đại biểu với mong muốn đồng bào mình thoát nghèo

Hỏi về công việc khi là đại biểu Quốc hội, cô Giang kể lại: "Năm 2016, tôi còn bận con nhỏ. Nghe thông báo từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình, tôi nhờ nhà trường hoàn thiện hồ sơ để nộp ứng cử. Khi nhận thông tin mình được bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi bất ngờ lắm. Cảm giác hồi hộp, vui mừng, trong lòng luôn ấp ủ làm cách nào để giúp đồng bào đỡ khổ, đỡ vất vả, có cuộc sống ấm no hơn”.

Cô giáo dân tộc Chứt với mong muốn
Cô giáo Cao Thị Giang có nhiều hoạt động ngoài giờ với các giáo viên trong trường

Lúc đang là đại biểu Quốc hội, cô Giang luôn nghĩ rằng, giúp đồng bào mình thoát nghèo là một mệnh lệnh - một mệnh lệnh xuất phát từ trái tim đầy cảm thông và trách nhiệm của một đại biểu.

Mỗi năm 2 kỳ tiếp xúc cử tri, cô Giang đã ưu tiên nhiều hơn cho những chuyến đi đến những thôn, bản còn gặp nhiều khó khăn. Từ những chuyến đi ấy, những ý kiến, phản hồi, băn khoăn, lo lắng của người dân về chất lượng cuộc sống, cơ chế chính sách phát triển kinh tế, các giải pháp nâng cao đời sống, nâng cao nhận thức… đã được nữ đại biểu Quốc hội chuyển tải đến nghị trường.

Cô Giang tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng dân tộc thiểu số, tôi phải có trách nhiệm hơn trước khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần của bà con nơi đây. Những ý kiến phản ánh của tôi tới các kỳ họp sẽ góp thêm một tiếng nói, một kênh thông tin hữu ích để Quốc hội bàn thảo và có cái nhìn đầy đủ hơn về cộng đồng người dân tộc thiểu số".

Cô giáo dân tộc Chứt với mong muốn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen cho cô giáo Cao Thị Giang

Ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết, cô giáo Cao Thị Giang là một giáo viên nhiệt huyết, có nhiều thành tích đóng góp cho nhà trường. Sau khi trở thành đại biểu Quốc hội, cô Giang vẫn luôn luôn là người truyền cảm hứng tới dân bản, đặc biệt các chuyến đi thiện nguyện, cô Giang đã tuyên truyền nhiều kiến thức, pháp luật đến dân bản.

Đặc biệt, cô Giang đã trao đổi với các hộ dân về những hoàn cảnh khó khăn, nên từ 2018 đến nay, có nhiều hộ xin thoát nghèo để nhường cho các hoàn cảnh khó khăn hơn, ông Tuấn thông tin thêm.

Ông Trần Công Thuật, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khóa XIV nhận xét: “Suốt 5 năm làm đại biểu Quốc hội, cô Giang đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên nghị trường. Đại biểu Cao Thị Giang rất “đau đáu” trước những vấn đề được đưa ra tại các phiên chất vấn, thảo luận tổ liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dẫu còn trẻ nhưng cô Giang rất trách nhiệm, có ý thức và quyết tâm rất cao trong công việc”.

Nguyễn Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này