Nhạc sĩ Hồng Đăng - một nghệ sĩ lớn với dấu ấn đặc biệt trong nền âm nhạc Việt

20:29 | 22/03/2022
(LĐTĐ) Ngoài sáng tác và giảng dạy âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng còn viết báo và là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng quê xứ Nghệ, nhạc sĩ Hồng Đăng và nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều dịp hội ngộ, tâm tình. Trong mắt nhà báo Hồ Quang Lợi, nhạc sĩ Hồng Đăng là một nghệ sĩ lớn tài hoa nhưng rất gần gũi và luôn truyền lửa cho mọi người.
Nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả ca khúc nổi tiếng "Hoa sữa" qua đời Khơi dậy tình yêu Hà Nội bằng âm nhạc

Chia sẻ những ấn tượng của bản thân về nhạc sĩ Hồng Đăng, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết, nhạc sĩ Hồng Đăng trước hết là một nghệ sĩ lớn, là nhạc sĩ có dấu ấn đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Ông được rất nhiều người yêu âm nhạc mến mộ và những tác phẩm của ông đã đi vào đời sống âm nhạc, tạo thành những dấu ấn rất đặc biệt.

Nhạc sĩ Hồng Đăng - một nghệ sĩ lớn với dấu ấn đặc biệt trong nền âm nhạc Việt
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, ông đã nghe nhiều nhạc sĩ nói rằng, Hồng Đăng là một trong những nhạc sĩ có số lượng các tác phẩm nhiều nhất, khoảng 700 tác phẩm. Trong số đó, ông ấn tượng nhất với 3 nhạc phẩm của nhạc sĩ.

Đầu tiên là tác phẩm “Biển hát chiều nay”, nó thật sự là một tác phẩm âm nhạc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi đất nước ở bên bờ biển Đông, một đất nước có biển và biển đã trở thành máu thịt thiêng liêng đối với đất nước ta.

Bài hát “Biển hát chiều nay” của Hồng Đăng là một biểu tượng để khẳng định, để tôn vinh đất nước chúng ta, với một vẻ đẹp hùng vĩ có biển cả. Và từ đó, bồi đắp lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc để chúng ta làm giàu từ biển, vươn lên để khẳng định chủ quyền ở trên biển Đông.

“Tôi thấy Biển hát chiều là một tác phẩm nghệ thuật đạt tới những giá trị về tư tưởng. Vì thế chúng ta thấy rằng, trong những năm gần đây khi mà ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền đang ngày càng được nâng cao, thì trong tất cả các chương trình về biển gần như lúc nào cũng cất lên bài hát của Hồng Đăng.

Nhạc sĩ Hồng Đăng - một nghệ sĩ lớn với dấu ấn đặc biệt trong nền âm nhạc Việt
Nhạc sĩ Hồng Đăng nhận kỷ niệm chương của giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2021.

Ngoài tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về một đất nước có biển hùng vĩ bao la, thì chúng ta thấy niềm lạc quan yêu đời vượt qua muôn trùng khó khăn thử thách của dân tộc, của đất nước chúng ta. Những câu hát làm chúng ta xúc động như: “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương, biển lại hát tình ca kể chuyện quê hương”. Đó là những cảm hứng rất đẹp mà âm nhạc đã đưa lại”, nhà báo Hồ Quang Lợi cho hay.

Tác phẩm tiếp theo là bài hát “Lênh đênh”. Khi nghe những giai điệu này, lời ca của tác phẩm cứ dâng lên mãi trong lòng nhà báo Hồ Quang Lợi và tạo cho ông một cảm giác xao xuyến, bâng khuâng. Đây là một tác phẩm âm nhạc có tính triết lý rất cao; và nói về về một nỗi buồn, con người ở trong vũ trụ trong cuộc sống với một khát vọng, và ở đó có tình yêu. Tình yêu sẽ giúp cho con người vượt qua tất cả.

“Đây cũng là một trong những bài hát mà tôi đánh giá cực kỳ cao. Một bài hát của thân phận con người, một bài hát của tình yêu cuộc sống, của tình yêu đôi lứa. Trong một đất nước có rất nhiều khó khăn, có rất nhiều thử thách, trước mắt chúng ta cơ hội có, nhưng thách thức gần như lúc nào cũng song hành với cuộc đời của mỗi con người và cuộc đời của cả dân tộc”, nhà báo Hồ Quang Lợi nhận xét.

Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh năm 1936 ở Nghệ An, là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Năm 1956, ông ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Trong suốt sự nghiệp, ông sáng tác khoảng 700 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng được yêu thích như: Hoa sữa, Biển hát chiều nay, Lênh đênh… Nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ là để lại những sáng tác nổi tiếng cho nước nhà mà ông còn giảng dạy những thế hệ sau ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, viết sách và báo… Ông là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV và V, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.

Cuối tháng 10 năm ngoái, Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2021 đã xướng tên nhạc sĩ Hồng Đăng vì những cống hiến xuất sắc của ông cho nền âm nhạc Thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như "Hoa sữa", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ"...

Ông vừa qua đời sáng 21/3, hưởng thọ 86 tuổi. Sự ra đi của ông là mất mát to lớn của nền âm nhạc nước nhà, để lại niềm thương tiếc cho nhiều nghệ sĩ và khán giả yêu nhạc.

Cuối cùng là tác phẩm “Hoa sữa”, sinh ra trên mảnh đất Nghệ An nhưng làm việc tại Hà Nội, có thể nói Hồng Đăng cũng giống như nhiều người khác, là một người con của Hà Nội. Cho nên tình yêu Hà Nội đã thấm đẫm vào tâm hồn của anh ấy. Bài hát “Hoa sữa” thể hiện niềm tin yêu cuộc sống, tình yêu đối với đất Thăng Long Hà Nội, với Hà Thành, với những con người Tràng An.

Đây là một bài hát về tình yêu nhưng không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa, mà còn là tình yêu đối với thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Lời bài hát của Hồng Đăng làm Hoa sữa Hà Nội trở thành một hình ảnh có tính biểu tượng, nói về tâm hồn, nói về những cảm xúc đối với cuộc sống. Đi đâu xa mà nhớ về Hà Nội, nhớ về hoa sữa thì bao giờ cũng sẽ nhớ đến bài hát của Hồng Đăng.

Hồng Đăng luôn luôn nói về quê hương, về đất nước với một tông giọng hết sức thủ thỉ, tâm tình, không bao giờ có điều gì là "đao to búa lớn" đối với nhạc sĩ cả. Trong những câu chuyện, ông luôn gieo vào trong lòng người nghe một tình cảm ấm áp.

Bên cạnh là một nhạc sĩ tài hoa, nhà báo Hồ Quang Lợi còn ấn tượng với Hồng Đăng bởi ông còn là một người rất gần gũi với một tâm hồn đa cảm, có trách nhiệm với cuộc sống. Nhà báo Hồ Quang Lợi kể một câu chuyện khi chào tạm biệt người nghệ sĩ già ra về: “Khi mà chúng tôi chia tay nhau, đối với những người mới quen anh bao giờ cũng có một kỷ vật tặng, đó là một ngọn lửa về trách nhiệm đối với cuộc sống, về tình yêu cuộc sống. Nhưng anh ấy cũng thể hiện bằng một kỷ vật, giống như tôi đã từng được anh ấy tặng một cái bật lửa. Anh nói rằng, anh ấy muốn truyền lửa cho mọi người.

Tôi cảm thấy, từ cuộc đời sáng tác của anh cũng như những kỷ vật nhỏ là một điều gì đó nhất quán, để nhân lên ngọn lửa về tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống. Điều đó làm tôi hết sức cảm động.

Tôi vẫn cứ tự hỏi, rằng cái gì đã bồi đắp, đã làm nên một con người nghệ sĩ, một nhạc sĩ tài hoa và có khối lượng tác phẩm đồ sộ, mà trong đó có những tác phẩm đỉnh cao như vậy”.

Mặc dù trong sáng tác của Hồng Đăng, không có những tác phẩm nói trực tiếp về quê hương Yên Thành, Nghệ An nhưng tâm hồn của người nghệ sĩ đã được bồi đắp bởi tình yêu quê hương và nó được nâng lên thành tình yêu đất nước; và từ đó, nó là sự khởi nguồn, là động lực, là cảm hứng cho những sáng tác của anh sau này, để lại những dấu ấn hết sức tốt đẹp và sâu sắc.

Trong con người của Hồng Đăng, tình cảm quê hương và tình cảm yêu đất nước hòa quyện vào nhau. Đây là khởi nguồn cảm hứng âm nhạc, nhờ vậy mà chúng ta được dâng tặng những tác phẩm âm nhạc có giá trị đặc biệt. “Hồng Đăng sẽ mãi mãi ghi dấu ấn của mình ở trong lòng của những người yêu âm nhạc”, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này