Các di chứng hậu Covid-19 ở trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết

17:24 | 22/03/2022
(LĐTĐ) Trong thời gian gần đây, số trẻ em mắc Covid-19 ở nước ta tăng cao. Mặc dù triệu chứng của trẻ mắc Covid-19 nhẹ hơn so với người lớn, số chuyển nặng và nhập viện ít, nhưng một tỉ lệ nhất định trẻ sau khi khỏi bệnh vẫn tồn tại kéo dài các triệu chứng như ho, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn hành vi, mất vị giác...
Người dân Hà Nội và khách du lịch hào hứng với phố đi bộ Bãi biển Xuân Hải hoang tàn trước mùa du lịch cận kề Ngày 21/3: Cả nước ghi nhận 131.713 ca Covid-19

Nhiều triệu chứng dai dẳng

Theo các chuyên gia y tế, biến chứng hậu Covid-19 không chỉ diễn ra ở người lớn, mà trẻ em cũng bị mắc hậu Covid-19. Có cháu đang học lớp 2 từng mắc Covid-19, bà Nguyễn Thanh Hà (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết, sau khi khỏi bệnh cháu gày rộc người vì ăn uống kém và ho khạc kéo dài. Theo lời bà Hà, sau một tuần mắc Covid-19, may mắn triệu chứng bệnh của cháu rất nhẹ chỉ sốt và đau mỏi người… nên gia đình tham vấn ý kiến bác sĩ và điều trị theo triệu chứng tại nhà. “Tuy nhiên đã nửa tháng sau khi có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2, cháu vẫn bị mất ngủ kéo dài, chán ăn kèm theo ho khạc như người bị hen…", bà Thanh cho biết.

Các di chứng hậu Covid-19 ở trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết
Phim chụp phổi bị tổn thương do di chứng hậu Covid-19.

Hay trước đó, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện có tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc di chứng hậu Covid-19, triệu chứng từ nhẹ tới nặng. Điển hình như trường hợp bé gái B.H (2 tuổi, ở Thanh Hoá) nhập viện Khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 13/2 trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, sốt rét run, ho, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề, viêm kết mạc. Trước đó, ngày 23/12/2021 trẻ bị nhiễm Covid-19 nhưng chỉ húng hắng ho và 3-4 ngày sau thì đã tự khỏi.

Ngày 7/2 (gần 2 tháng sau khi khỏi Covid-19), trẻ sốt cao trên 39 độ kèm co giật. Kết quả xét nghiệm RT-PCR Covid-19 của bé H âm tính nhưng nồng độ kháng thể cao (tương đương sức miễn dịch của người tiêm vắc xin hoặc F0 từng mắc bệnh, trong khi bé chưa tiêm vắc xin). Qua thăm khám, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), đây là 1 hội chứng mắc phải sau nhiễm Covid-19. Bé nhanh chóng được điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị di chứng hậu Covid-19 sau khi khỏi bệnh. Tình trạng này đang tạo ra một mối quan tâm của ngành Y tế và các bậc phụ huynh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra khái niệm: Tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở các cá thể có tiền sử nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định mắc SARS-CoV-2, thường 3 tháng kể từ khi bệnh khởi phát, với triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng mà không tìm được chẩn đoán thay thế.

Với trẻ em, hậu Covid-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…) trẻ gặp phải sau mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương: Tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng dai dẳng sau mắc Covid-19 khá dao động tùy theo nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau, ở các lứa tuổi và quần thể khác nhau, cũng như cách xác định thời gian xuất hiện triệu chứng khác nhau. Hơn nữa, các triệu chứng hay gặp của hậu Covid-19 ở trẻ em cũng đa dạng và thay đổi, tỷ lệ mắc các triệu chứng cũng khác nhau. Do đó, hiện nay con số chính xác tỷ lệ mắc hậu Covid-19 ở trẻ em chưa rõ.

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá đây là tình trạng chưa có căn nguyên xác định, kết hợp nhiều yếu tố bao gồm đặc điểm của vi rút, yếu tố miễn dịch, di chứng sau điều trị hồi sức tích cực. Một số tình huống khác cũng có thể gây ra các triệu chứng mới hay tiếp diễn như: Vi rút tồn tại lâu hơn bình thường do phản ứng miễn dịch không hiệu quả; tình trạng tái nhiễm (bởi 1 chủng khác của vi rút); thể lực yếu do thiếu vận động khi ốm; stress hậu sang chấn hoặc di chứng tâm thần khác, đặc biệt ở người có tiền sử lo âu, trầm cảm, mất ngủ, hay bệnh lý tâm thần khác; giảm trao đổi oxy do hậu quả của các cục máu đông dai dẳng; sự hình thành các kháng thể tự miễn sau nhiễm vi rút.

Trẻ béo phì, bệnh mãn tính nguy cơ bị hậu Covid-19 cao

Hiện, nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm vấn đề là có dự đoán được một trẻ mắc Covid-19 cấp tính sẽ bị mắc hậu Covid-19 hay không, nếu xuất hiện thì triệu chứng và mức độ thế nào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, tới nay chưa có yếu tố đặc hiệu nào giúp tiên đoán trẻ sẽ bị hậu Covid-19 sau mắc cấp tính. Một trẻ mắc Covid-19 với mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu Covid-19.

Các di chứng hậu Covid-19 ở trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết
Tiêm vắc xin là các phòng bệnh Covid-19 cho cả người lớn và trẻ nhỏ hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu một trẻ mắc Covid-19 cấp tính nguy kịch cần thở máy hoặc chăm sóc ở các đơn vị hồi sức tích cực, trẻ sẽ dễ bị mắc các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ… là những triệu chứng hay gặp ở người đã phải điều trị hồi sức. Một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ béo phì, có tiền sử các bệnh dị ứng, các bệnh lý mạn tính, trẻ trên 5 tuổi có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của hậu Covid-19 cao hơn các nhóm trẻ khác.

Các chuyên gia y tế cho biết: Hậu Covid-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, ở trẻ em và trẻ vị thành niên thường biểu hiện các triệu chứng nhiều nhất trên cơ quan thần kinh như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác,.. Trẻ cũng có thể có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập. Các triệu chứng hô hấp hay gặp khác là ho kéo dài, đau họng, khó thở,… Ngoài ra trẻ có thể đau khớp, đau cơ, nặng ngực, hồi hộp đánh trống ngực.

Hội chứng Viêm đa hệ thống (MIS-C) sau nhiễm SARS-CoV-2 tuy hiếm gặp nhưng là tình trạng nặng và có thể nguy hiểm. Theo tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương: Viêm đa hệ thống hậu Covid-19 thường xảy ra sau khi em bé bị mắc Covid-19 từ 2-6 tuần lễ. Biểu hiện lâm sàng của trẻ là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc…

Bởi vậy, khi cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như mô tả ở trên hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào mà trước khi mắc Covid-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý. Trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc Covid-19 cấp tính, nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có). Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu Covid-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng thời gian 4-12 tuần sau mắc Covid-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương: Cần lưu ý rằng, không phải tất cả các triệu chứng xuất hiện ở trẻ sau mắc Covid-19 đều là hậu Covid-19. Trước khi kết luận triệu chứng đó do hậu Covid-19, cần loại trừ các nguyên nhân khác. Ví dụ như một em bé đến khám vì ho kéo dài, sụt cân sau mắc Covid-19, trẻ hoàn toàn có thể bị bệnh viêm phổi hoặc các bệnh lý hô hấp khác.

Khi tới khám, trẻ sẽ được các bác sĩ nhi khoa thăm khám, đánh giá sức khỏe tổng thể, xác định các triệu chứng chính hiện tại. Nếu cần thiết, có chỉ định, trẻ sẽ được hội chẩn hoặc thăm khám lại bởi các bác sĩ chuyên khoa khác nhau. Trẻ sẽ được kiểm tra các xét nghiệm, các biện pháp thăm dò như chụp phim, siêu âm, đánh giá chức năng hô hấp… và có kế hoạch điều trị cụ thể cho từng trẻ. Cụ thể, với trẻ bị đau ngực sau mắc Covid-19 sẽ được khám với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, trẻ ho sẽ được khám với các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, trẻ có các vấn đề về tâm lý kéo dài sẽ được thăm khám bởi các bác sĩ tâm bệnh…

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này