Hoàn thiện chính sách quản lý thương mại điện tử

10:29 | 22/03/2022
(LĐTĐ) Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến cho thói quen mua sắm trực tuyến phát triển mạnh mẽ. Mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhưng hiện tượng lợi dụng thương mại điện tử, kể cả các mạng xã hội để kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi.
Xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử: Lựa chọn để phát triển Nhóm hàng thương mại điện tử, hàng không, dịch vụ vận tải gia tăng đột biến về khiếu nại Quy định rõ tần suất sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế

Vi phạm diễn biến phức tạp

Báo cáo các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương cho biết tính đến hết năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng.

Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng, chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian. Nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời… Năm 2021, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm.

Hoàn thiện chính sách quản lý thương mại điện tử
Nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… cung cấp thông tin, rà soát và xử lý hàng trăm website, ứng dụng vi phạm mỗi năm. Qua đó, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xử lý nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự để làm rõ và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại trên quy mô lớn cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo Bộ Công Thương, một trong các nguyên nhân là do các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kĩ năng và thông tin để nhận biết. Đáng nói, công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả hàng nhái trong thương mại điện tử như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bảo vệ người tiêu dùng... vẫn còn hạn chế.

Xử lý nghiêm vi phạm

Để quản lý hoạt động thương mại điện tử, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung xây dựng, ban hành và trình ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó, đã bổ sung một số các quy định mới như: Minh bạch hóa thông tin sản phẩm, tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội và trách nhiệm tương ứng của đơn vị quản lý mạng xã hội; điều chỉnh các mô hình kinh doanh mới như trung gian cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, bán hàng xuyên biên giới…

Đồng thời, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó có chế tài xử lý việc cung cấp thông tin, buôn bán hàng giả, hàng cấm trên môi trường internet.

Tham gia trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngành Thuế đã thu gần 5.000 tỷ đồng từ kinh doanh trên môi trường mạng. Nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook nộp 1.694 tỷ đồng, Google nộp 1.618 tỷ đồng, Microsoft nộp 576 tỷ đồng, thu thuế từ thương mại xuyên biên giới đạt 1.317,7 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng Cục thuế xây dựng Cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới, trên mạng; Bộ cũng có hướng dẫn nộp thuế với sàn thương mại điện tử và mua bán online, sắp tới xây dựng app để tính trích nộp tự động. Cơ sở dữ liệu thuế cũng được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư để lấy mã định danh dân cư làm mã số thuế, từ đó mua bán online xác lập nhanh gọn, chính xác, loại bỏ mã số ảo, tài khoản ảo.

Mới đây, ngày 31/01/2022, Bộ đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều chế tài xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới hoạt động thương mại điện tử trong các lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí...

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thương mại điện tử đã trở thành một xu thế, có bước phát triển nóng gần đây, nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề như hiện tượng dùng thương mại điện tử để buôn bán hàng lậu, hàng cấm, trốn thuế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp để xử lý vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ chủ trì cùng với cơ quan, trước hết là thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, điều chỉnh với những cơ chế, chính sách chưa phù hợp hoặc chưa đủ sức răn đe.

Bộ Công Thương sẽ triển khai tổng kết thực tế thi hành chính sách, pháp luật, mặt khác sẽ cùng với các bộ, ngành học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển, những nước có thương mại điện tử phát triển, qua đó để thu thập kinh nghiệm trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực thi chính sách liên quan.

Nâng cao ý thức người dân

Trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án quan trọng như: Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Đề án nâng cao năng lực của cơ quan Quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; Đề án ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Đồng thời, tiếp tục triển khai Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành ngày 9/10/2020 về Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử giai đoạn 2020-2023.

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tổ chức thực hiện trên toàn quốc Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Từ chuyên đề này, các đơn vị thực hiện chia theo từng nhóm mặt hàng, để rà soát đối tượng, phương thức hoạt động, lập phương án kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó, chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác truyền thông đa dạng để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này./.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này