Phải siết chặt hơn nữa các cơ sở làm đẹp

10:30 | 22/03/2022
(LĐTĐ) Nhiều năm qua, đã có rất nhiều lời cảnh báo về hệ lụy khi phẫu thuật thẩm mỹ. Nhất là khi xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui”, không có giấy phép kinh doanh, một số bác sĩ hành nghề không có chứng chỉ hoặc “tay ngang” chuyển sang cầm dao, kéo.
TP.HCM: Điều tra vụ người phụ nữ tử vong sau khi nâng ngực tại Bệnh viện 1A Coi chừng tai biến vì làm đẹp ''cấp tốc'' Vẫn là câu chuyện tiền mất tật mang

Từ những vụ điển hình về coi nhẹ sinh mạng con người...

Mấy ngày gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng trước việc chị Phạm Thị Diễm H. (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội) rơi vào trạng thái hôn mê hơn hai tháng rồi qua đời sau khi tiến hành nâng mũi tại một cơ sở làm đẹp ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo lời kể của người nhà, chị H. được một người đàn ông tên Giang giới thiệu đến nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ nằm trong ngõ 147A Tân Mai (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Trưa ngày 14/1/2022, theo lịch hẹn, chị H. đến cơ sở trên. Chiều cùng ngày, người giới thiệu chị H. đến nâng mũi gọi điện báo người nhà chị H. đến ngay Bệnh viện Bạch Mai vì sức khỏe của chị H. rất yếu. Lập tức, người nhà chị H. từ Long An phải vội vàng thu xếp ra Hà Nội.

Khi bố, anh rể và chị gái của chị H. ra đến Bệnh viện Bạch Mai thì được các bác sĩ thông báo chị H. đang hôn mê, tình trạng nguy kịch, chỉ có 20% cơ hội sống sót, nếu sống thì 80% thành người thực vật.

Phải siết chặt hơn nữa các cơ sở làm đẹp
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, song phải chọn cơ sở có giấy phép và uy tín. Ảnh minh họa

Sau hơn một tháng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai không có tiến triển, ngày 25/2, gia đình đã đưa chị H. về Bệnh viện Đa khoa Long An để tiếp tục theo dõi, điều trị. Tuy nhiên, đến 23h ngày 16/3, chị H.đã tử vong.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở mà chị H. đến để nâng mũi là ngôi nhà trông khá sang trọng, nhưng không treo biển hiệu liên quan phẫu thuật thẩm mỹ.Ngôi nhà này thuộc tổ 20, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Thông tin về vụ việc trên, lãnh đạo Phòng Y tế quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị đã trực tiếp xuống kiểm tra. Cơ sở thực hiện nâng mũi cho nạn nhân là ngôi nhà biệt thự liền kề, không có biển bảng quảng cáo. Đây được xác định là nhà riêng chứ không phải cơ sở thẩm mỹ.

Bà Đào Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND phường Tương Mai, quận Hoàng Mai cũng cho hay, qua rà soát, trên địa bàn phường không có cơ sở thẩm mỹ nào tại địa chỉ mà chị H. đã đến để thực hiện nâng mũi.

Cũng liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định, cơ sở làm đẹp tại ngõ 147A Tân Mai, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai -nơi nạn nhân Phạm Thị Diễm H. tiến hành phẫu thuật nâng mũi hành nghề không phép.

Để làm sáng tỏ sự việc trên, hiện Công an quận Hoàng Mai đang phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàng Mai, Đội Kỹ thuật hình sự - Công an quận Hoàng Mai, Công an phường Tương Mai tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ nguyễn nhân vụ việc.Bước đầu, Công an xác định những người có mặt tại hiện trường xảy ra sự việc hôm 14/1 gồm: Nguyễn Sỹ Giang (sinh năm 1995, quê quán Yên Thành, Nghệ An), Lê Ngọc Anh (sinh năm 1990, trú tại quận Long Biên, Hà Nội; là bác sĩ gây mê), Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1991, trú ở huyện Đan Phượng, Hà Nội), Nguyễn Thiện Lễ (sinh năm 1999, quê quán Lục Nam, Bắc Giang). Hai người khác cũng liên quan trong vụ việc là Trần Thế Anh (sinh năm 1991, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Hoàng Minh Phong (sinh năm 1994, trú ở quận Ba Đình, Hà Nội).

Về hệ lụy của việc làm đẹp không đúng cách, các chuyên gia cho hay, đó không chỉ là biến chứng nhất thời như sưng tấy, đau đớn, mà còn là các nguy cơ lây truyền các bệnh lý nguy hiểm như HIV, viêm gan B khi người dân can thiệp bằng xâm lấn ở các cơ sở không đảm bảo vô trùng, vô khuẩn, nhân viên thực hiện không đảm bảo công tác vệ sinh.

Trong đó, Nguyễn Sỹ Giang là người đứng ra nhận khách, nhận tiền đặt cọc, Hoàng Minh Phong là chủ cơ sở. Trên trang Facebook cá nhân, Giang thường xuyên đăng những hình ảnh bản thân cầm “dao, kéo” hay đang trong phòng phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hoặc những hình ảnh về đào tạo nâng mũi, tiêm filler.

Việc bị biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ rồi dẫn đến tử vong như trên không phải mới xảy ra lần đầu ở Hà Nội. Nhiều năm qua, đã có rất nhiều lời cảnh báo về hệ lụy khi phẫu thuật thẩm mỹ. Nhất là khi xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở làm đẹp không đảm bảo chất lượng, không có bảng biển, không có giấy phép kinh doanh, bác sĩ hành nghề không có chứng chỉ,…

Còn nhớ, vào cuối năm 2019, dư luận từng bàng hoàng khi nghe tin về vụ tử vong của một người đàn ông do hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn. Theo kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội, cơ sở này không được phép thực hiện các dịch vụ xâm lấn có gây chảy máu hoặc tiêm, truyền, phẫu thuật, chỉ được cấp phép làm dịch vụ chăm sóc da, phun, xăm thẩm mỹ (không dùng phẫu thuật, không gây chảy máu), mua bán mỹ phẩm.

... Đến dùng nhiều “chiêu” đối phó cơ quan chức năng

Theo quy định pháp luật, trong quá trình hoạt động nếu đơn vị nào hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến y tế như hoạt động chảy máu, xâm lấn thì ngoài việc hoàn thành các thủ tục quy định như đăng ký kinh doanh, bắt buộc gửi hồ sơ về Sở y tế để Sở xem xét cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.

Chẳng hạn như, phẫu thuật thẩm mỹ phải đáp ứng tiêu chí như bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ có thời gian thực hành 54 tháng, có trình độ chuyên môn nằm trong danh sách được phê duyệt; phòng khám có các trang thiết bị chuyên dụng. Sau khi cơ quan y tế thẩm định thấy đủ thì cấp phép. Nếu phòng khám hoạt động quá phạm vi sẽ bị xử phạt 50-70 triệu đồng, tước giấy phép, tạm dừng hoạt động.

Để đối phó với cơ quan chức năng và “lấy lòng” các khách hàng, một số cơ sở làm đẹp thường trưng ra những “giấy chứng nhận”, “bằng khen” do các tổ chức hội không rõ ràng trao tặng. Tuy nhiên, các loại “chứng nhận”, “bằng khen” đó không thể thay thế được các giấy tờ theo quy định pháp luật như giấy phép hành nghề, giấy phép đăng ký kinh doanh.

Đề cập đến công tác quản lý các cơ sở làm đẹp, Thanh tra Sở Y tế cho biết, hằng năm Thanh tra Sở Y tế phối hợp với phòng y tế các quận, huyện tổ chức nhiều đợt tăng cường công tác thanh, kiểm tra… Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở dùng các “chiêu” để đối phó với đoàn kiểm tra, như liên kết, giới thiệu khách hàng cho nhau qua điện thoại, hẹn địa điểm, giờ thực hiện các kỹ thuật làm đẹp ở nhiều nơi khác nhau và thường xuyên thay đổi. Có những cơ sở, Thanh tra Sở phải phối hợp với Công an Thành phố theo dõi hai tháng để có đầy đủ bằng chứng pháp lý mới có thể lập được biên bản vi phạm và xử lý…

Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, qua kiểm tra, các sai phạm mà các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ thường mắc nhiều nhất vẫn là quảng cáo sai sự thật, thổi phồng các giá trị thật của các dịch vụ làm đẹp… Có trường hợp, nơi quảng cáo không phải là nơi trực tiếp thực hiện các dịch vụ làm đẹp mà chỉ là trung gian nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, việc các cơ sở làm đẹp đăng ký với tên gọi chung là thẩm mỹ viện cũng dễ khiến người dân hiểu lầm nơi đây có thể thực hiện các phẫu thuật làm đẹp. Chính vì đặt niềm tin nhầm địa chỉ nên không ít chị em đã phải trả giá đắt, trở thành nạn nhân của những ca phẫu thuật xẻ mí, hút mỡ, nâng ngực, xăm mắt… không thành công.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, để tránh “tiền mất, tật mang”, những người đi làm đẹp nên tìm hiểu kỹ các dịch vụ về lĩnh vực này. Ngoài những thông tin từ đội ngũ tư vấn viên spa, nên tham khảo thêm các thông tin khuyến cáo từ ngành Y tế. Riêng với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ bụng, hút mỡ chi, nâng ngực… không được phép thực hiện tại thẩm mỹ viện. Chỉ có các bệnh viện lớn như Bệnh viện 108, Bạch Mai, Hữu nghị Việt - Đức, Đa khoa Xanh Pôn… mới được tiến hành các thủ thuật này.

Đây là những kỹ thuật bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện, nơi có đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn như phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24 giờ, chăm sóc hậu phẫu... Các thẩm mỹ viện, dù có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh cũng không được phép tiến hành những phẫu thuật trên.

Cảnh giác với những lời quảng cáo đường mật

Hàng ngày, trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo,… tràn ngập những dòng tin, quảng cáo về các dịch vụ làm đẹp. Nhiều địa chỉ còn cam kết có chuyên gia nước ngoài uy tín hỗ trợ công nghệ làm đẹp. Trước những lời giới thiệu như “rót mật” vào tai, nhiều người đã tin tưởng tìm đến các cơ sở làm đẹp này. Thế nhưng, đẹp đâu chưa thấy mà lại rước họa vào thân.

Phải siết chặt hơn nữa các cơ sở làm đẹp
Trên Facebook cá nhân, Nguyễn Sỹ Giang quảng cáo biết nâng mũi, tự nhận mình là bác sĩ.

Vốn sở hữu đôi mắt to hai mí nhưng khi bước vào tuổi trung niên, da mắt chị Mai H. (ở Thái Bình) bắt đầu chùng xuống khiến mí bị nhỏ lại. Thấy một cơ sở thẩm mỹ tại Hà Nội quảng cáo công nghệ bấm mí mắt Ấn Độ, chị đã tìm đến với mong muốn lấy lại tuổi thanh xuân thuở nào. Thế nhưng, sau khi bấm mí, mắt chị H. bỗng bị lệch, bên to bên nhỏ, thậm chí vết khâu xuất hiện mủ và nhiễm trùng. Chị H. cũng đã quay lại cơ sở thẩm mỹ thì nhận được lời giải thích, hiện tượng trên là bình thường, chờ thêm thời gian nữa mắt sẽ to đẹp... Tuy nhiên, đã 3 tháng trôi qua nhưng mắt chị H. vẫn bị lệch.

Tương tự, chị Nguyễn Thu T. (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước đây mặt chị có một số sẹo thâm, lỗ chân lông trên da mặt to. Muốn sở hữu một làn da đẹp, chị đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ và được nhân viên tư vấn sử dụng phương pháp lăn kim. Tuy nhiên, đẹp chưa thấy đâu, chị T. tá hỏa khi thấy mặt nổi nhiều mụn, có mủ, một số cục viêm tấy gây đau nhức hai bên quai hàm. Sau khi dừng sử dụng dịch vụ của thẩm mỹ viện, chị T. đến khám tại khoa da liễu một bệnh viện công. Bác sĩ cho biết, chị bị viêm da mủ (nhiễm khuẩn) sau lăn kim do trong quá trình thực hiện kỹ thuật can thiệp có xâm lấn không bảo đảm vô trùng…

Bác sĩ Bạch Minh Tiến, công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cho biết, trong quá trình điều trị, bệnh viện đã gặp không ít trường hợp bệnh nhân sau khi sử dụng dịch vụ tại nhiều spa, thẩm mỹ viện bị biến chứng. Đa phần biến chứng là nhiễm trùng tại chỗ. Điều đáng lo ngại, theo bác sĩ Bạch Minh Tiến, nhiều cơ sở làm đẹp không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn như diện tích, ánh sáng, điều kiện vô khuẩn, không đủ phương tiện y tế cần có… nên dễ gây biến chứng cho khách hàng. Trong khi đó, đa số chị em khi đi phẫu thuật thẩm mỹ đều không muốn cho người khác biết, do đó họ thường chọn nơi kín đáo và ngại đến bệnh viện công...

Khi xảy ra sự cố rõ ràng trách nhiệm thuộc về các chủ cơ sở thẩm mỹ, ê kíp trực phẫu thuật, song nhìn xa hơn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng từ phường, quận, sở, ngành. Tại sao có những cơ sở hoạt động trá hình, hoạt động không phép, hoạt động không đúng giấy phép mà các cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời. Đây là câu hỏi cần sớm có câu trả lời từ các cơ quan thực thi pháp luật.

Một số chuyên gia y tế khẳng định, bất kỳ can thiệp dao kéo nào cũng đều có một tỷ lệ nhất định các biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết, tụ máu, chảy dịch… do vậy, các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ bụng, nâng mũi, nâng ngực… không được phép thực hiện tại thẩm mỹ viện, đặc biệt là các cơ sở làm đẹp không đảm bảo chất lượng.

Nói về tình trạng biến chứng sau phẫu thuật tại một số cơ sở làm đẹp không phép, bác sĩ Trần Thương, một chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ phải thốt lên: “Có những bác sĩ học chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ gần mười năm trời còn chưa thực sự tự tin cầm dao, cầm kéo, huống hồ một số người cứ mặc cái áo blue rồi tự xưng là bác sĩ, lôi khách hàng lên mổ như đúng rồi. Mỗi lần xem họ livestream phẫu thuật mà chân tay mình toát cả mồ hôi. Lạ thay là giá cả ở mấy cơ sở ấy cũng không hề rẻ hơn các cơ sở có giấy phép đàng hoàng hay các bệnh viện có uy tín là mấy. Có lẽ các cơ quan chức năng cũng phải ra tay mạnh lên chứ cứ để các cơ sở “chui” này “mọc lên như nấm sau mưa” thì nguy hiểm quá”.

Các bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cho biết, Bệnh viện từng tiếp nhiều nhận nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler. Đa số bệnh nhân thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ không phép, người tiêm không phải là bác sĩ và không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ, không được học về các biến chứng của tiêm chất làm đầy cũng như cách để phòng tránh các biến chứng này.

Với các trường hợp biến chứng muộn, thường do tiêm filler giá rẻ, trôi nổi, không được cấp phép. Trong quá trình tiêm, người thực hiện không đảm bảo vô trùng, vô khuẩn, đưa hoạt chất vừa dễ dị ứng lại thêm các yếu tố nhiễm khuẩn từ bên ngoài vào.

Phản ứng muộn này có thể gặp sau tiêm một thời gian, với các biểu hiện viêm như sưng đỏ, tạo thành khối cục, có triệu chứng nhiễm trùng từ đó tạo mủ, vỡ mủ… Nguy hiểm nhất là tình trạng viêm sưng tái diễn nhiều lần tạo ổ áp xe mang tính mãn tính, kéo dài.

Bác sĩ Trần Trương khuyến cáo, trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật để làm đẹp, mọi người nên tìm đến những bác sĩ nhiều kinh nghiệm và đã được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ để tham khảo kỹ; thực hiện tại các khoa, bệnh viện thẩm mỹ đã được cấp phép, có uy tín.“Tuyệt đối không nên phó thác số phận và nhan sắc của mình cho các cơ sở chui, không có giấy phép; các nhân viên spa không có bằng cấp chuyên ngành”, bác sĩ Thương nói.

Trong bối cảnh công tác quản lý còn lỏng lẻo, nhu cầu làm đẹp gia tăng, để an toàn cho bản thân, chỉ còn cách mỗi người trước khi đi làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ phải tự tìm hiểu thật kỹ “lý lịch” về cơ sở mình muốn đến mà thôi!/.

H.Phong – C.Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này