Trường Đại học Giao thông vận tải: Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

18:58 | 21/03/2022
(LĐTĐ) Kể từ khi thành lập đến nay, Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) luôn xác định phải nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp đã làm nên thương hiệu của Nhà trường để xứng đáng là trường đại học đầu ngành cả nước về lĩnh vực GTVT.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hợp tác đào tạo với Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và cơ sở đào tạo Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam bổ nhiệm tân Phó Hiệu trưởng

Bề dày truyền thống

Trường Đại học GTVT có tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính Việt Nam, được khai giảng lại dưới chính quyền cách mạng ngày 15/11/1945 theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 8/1960, Ban Xây dựng Trường Đại học GTVT được thành lập và tuyển sinh khóa 1 trình độ Đại học. Ngày 24/3/1962, Trường chính thức mang tên Trường Đại học GTVT theo Quyết định số 42/CP ngày 24/3/1962 của Hội đồng Chính phủ.

Trải qua nhiều khó khăn, Trường Đại học GTVT ngày càng trưởng thành. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo được hàng vạn kỹ sư, cử nhân, hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ. Họ đã và đang có mặt trên mọi miền của Tổ quốc, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong lĩnh vực GTVT.

Trường Đại học Giao thông vận tải: Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo
Công tác đào tạo được Trường Đại học GTVT quan tâm chú trọng với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. (Ảnh chụp thời điểm an toàn về dịch Covid-19)

Đáng chú ý, với bề dày truyền thống, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn xác định phải nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp đã làm nên thương hiệu trường đại học đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực GTVT. Công tác đào tạo được quan tâm chú trọng với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất có những bước đột phá lớn. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Trường được các giải thưởng lớn như Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); nhiều công trình nghiên cứu của các giảng viên được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín ở trong nước và trên thế giới; một số sản phẩm nghiên cứu đã được thương mại hóa.

Các nhà khoa học, các chuyên gia của Trường cũng tham gia giải quyết nhiều vấn đề lớn của ngành GTVT được xã hội đánh giá cao như: Vệt hằn bánh xe, mặt cầu Thăng Long, cầu treo dân sinh, vật liệu xây dựng ở vùng biển và hải đảo, máy móc thiết bị xây dựng nội địa hóa, tự động hóa giao thông, tổ chức giao thông, cơ khí chế tạo, điện tử bán dẫn …

Thời gian qua, số lượng bài báo khoa học Web of Science (thường gọi ISI) của cán bộ giảng viên đã tăng lên nhanh chóng. Những thành tích trên đã góp phần giúp Trường Đại học GTVT vinh dự nhận được đánh giá 4 sao trên mức tối đa là 5 sao về tổng thể các mặt hoạt động của Nhà trường.

Theo bảng xếp hạng Webometrics công bố tháng 1/2022, Trường Đại học GTVT xếp hạng 21 trong các cơ sở giáo dục đào tạo bậc đại học (bao gồm các Đại học Quốc gia và Đại học vùng) của Việt Nam và có tên trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Trong top 100 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, Nhà trường đứng đầu các trường đại học trong lĩnh vực GTVT.

Trường Đại học Giao thông vận tải: Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo
Trường Đại học GTVT nhận Giải thưởng Sản phẩm khoa học công nghệ Điện tử Viễn thông Việt Nam (REV Award 2021)

Mạng lưới các trường, viện đối tác quốc tế của Nhà trường không ngừng được mở rộng. Trường Đại học GTVT đã trở thành thành viên tích cực của các mạng lưới quốc tế như: Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ AUF; Hội đồng Anh; Hiệp hội nghiên cứu giao thông Đông Á (EASTS); Mạng lưới các trường đại học Á-Âu (ASEA-UNINET); Mạng lưới Phát triển Giáo dục Đại học trực thuộc Tổ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO RIHED); Hiệp hội các trường đại học khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UMAP). Trường Đại học GTVT luôn tự hào là một trong những trường đi đầu trong đổi mới và quốc tế hóa hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học các ngành thuộc lĩnh vực GTVT.

Năm 2022, Trường đã hoàn thành đánh giá ngoài và được cấp giấy chứng nhận kiểm định trường lần 2 (lần 1 năm 2016) và cũng là trường đầu tiên cấp giấy chứng nhận kiểm định trường giai đoạn 2022-2026.

Đổi mới, khẳng định vị thế

Với mục tiêu xây dựng Trường trở thành một trường đại học nghiên cứu, môi trường học tập, cơ sở thực tập, thực hành, hệ thống các phòng thí nghiệm luôn được Nhà trường đặc biệt quan tâm. Trong điều kiện nguồn kinh phí còn rất hạn hẹp, nhà trường vẫn luôn ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất. Trong giai đoạn vừa qua, Nhà trường đã tích cực tìm kiếm, huy động các nguồn lực đầu tư để cải tạo hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm.

Trường Đại học Giao thông vận tải: Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo
Trường Đại học GTVT luôn ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất. (Ảnh chụp thời điểm an toàn về dịch Covid-19)

Đến nay 100% giảng đường tại Hà Nội được lắp đặt trang thiết bị phòng học thông minh đạt chuẩn khu vực. Hệ thống phòng làm việc của khối hành chính được cải tạo lại hiện đại, chuyên nghiệp, văn minh. Nhà trường đã xây dựng thành công khung kiến trúc nhà trường điện tử và đưa vào vận hành từ đầu năm 2021 với cơ chế quản trị hành chính điện tử và một cửa liên thông; các dịch vụ hành chính đạt chuẩn dịch vụ hành chính công cấp độ 3, nhiều dịch vụ đạt chuẩn hành chính công cấp độ 4. Hệ thống thông tin, thư viện được nhà trường được hiện đại hóa. Hệ thống mạng Internet tốc độ cao và các phần mềm quản lý được áp dụng đồng bộ.

Trong giai đoạn 2021-2025, nhà trường xác định mục tiêu tổng quát là “Trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực GTVT, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á”.

Để đạt được mục tiêu này, nhà trường đã xác định 8 nhóm giải pháp cơ bản: Thứ nhất, xây dựng trường đại học tự chủ với mô hình quản trị tiên tiến, hệ thống và phương thức quản lý chuyên nghiệp đạt tới mô hình của trường đại học thông minh; thứ hai, đa dạng hóa ngành, phương thức và loại hình đào tạo phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ; thứ ba, khẳng định vai trò tiên phong, vị thế hàng đầu Việt Nam về khoa học công nghệ trong lĩnh vực GTVT nhằm phục vụ công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước; thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ năm, tăng cường và hiện đại hoá cơ sở vật chất; thứ sáu, phát triển nguồn lực tài chính theo hướng đa dạng hoá và bền vững; thứ bảy, kiến tạo môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm cho viên chức, người lao động, người học, phát huy niềm tự hào, bản sắc riêng và uy tín thương hiệu của Trường Đại học GTVT thông qua các hoạt động phục vụ cộng đồng; cuối cùng, tăng cường mở rộng các hoạt động đối ngoại trong nước và quốc tế, xây dựng các quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu thực chất, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế của Trường Đại học GTVT.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, với những đóng góp bền bỉ, liên tục của các thế hệ cán bộ, sinh viên Nhà trường vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của nhà trường qua những danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (2011), Danh hiệu Anh hùng Lao động (2007), Huân chương Hồ Chí Minh (2005), 2 Huân chương Độc lập Hạng Nhất (2000 và 2015), Huân chương Độc lập Hạng Nhì (1995), Huân chương Độc lập Hạng Ba (1986), 3 Huân chương Lao động Hạng Nhất (1982, 1990, 2020), 2 Huân chương Lao động Hạng Nhì (1977 và 2004), 2 Huân chương Lao động Hạng Ba (1966 và 1999), Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì (1973).

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này