Độc đáo Cầu Khum

10:30 | 22/03/2022
(LĐTĐ) Với thiết kế độc đáo, vừa là cầu, vừa là nơi thờ tự, Cầu Khum (làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) từng là con đường độc đạo đóng vai trò như cổng đi vào làng. Tuy bây giờ cầu Khum không còn nhiều giá trị về giao thông nhưng vẫn là một địa điểm văn hóa, tâm linh quan trọng của người dân địa phương.
Sơn Tây nỗ lực đưa tuyến phố đi bộ vào hoạt động Độc đáo cầu Khum có hình thuyền nan úp ngược ở Hà Nội

Một buổi sáng cuối tuần, chị Nguyễn Lan Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) có dịp tìm về xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất) để tìm hiểu văn hóa xứ Đoài. Đi qua làng Yên, chị Hương không thể rời mắt khỏi Cầu Khum (thường gọi là Cầu Mới), một cây cầu có kiến trúc khá đặc biệt và cổ kính nằm ở phía Đông của làng, tiếp giáp với trục đường giao thông liên xã Thạch Xá - Hữu Bằng. Đây là cây cầu làm kiểu Thượng gia hạ kiều - tức trên nhà dưới cầu là kiểu kiến trúc cổ đặc trưng của Việt Nam, hiện còn lại khá ít ỏi.

Độc đáo Cầu Khum
Cầu Khum - một cây cầu cổ độc đáo, quanh năm soi bóng xuống ao đền tạo cho khung cảnh nơi đây thật lung linh, cổ kính. ảnh: K.Tiến

Người dân trong làng không ai biết chính xác tuổi thọ của cây cầu là bao nhiêu, tài liệu ghi chép tại đây cho biết, Cầu Khum trước kia được làm bằng gỗ, được sửa chữa vào năm Ất Hợi 1935, trong đó phần hạ kiều được làm lại hoàn toàn như ngày nay. Sở dĩ, cây cầu được gọi là Cầu Khum là bởi đúng ở xa xa, nhìn thượng gia có hình khum khum như chiếc thuyền nan nằm úp.

Trong tập “Di sản văn hóa làng Yên” do ông Khương Anh biên soạn, lời tựa của Giáo sư sử học Lê Văn Lan xuất bản năm 2013 có ghi rằng: Đi từ phía Đông vào theo đường liên thôn là vào cửa Cầu phía trên dốc cầu có 2 chữ “Đông Môn”, nghĩa là cửa phía đông. Hai bên trụ có 2 câu đối: “Khê thượng nguyên tự Bùi thủy viễn/ Kiều đầu lộ tiếp Đỗng hoa xuân”. Đi qua 2 gian là gian giữa của Cầu, đây là gian thờ “Thần linh”. Trên bức hoành phi ghi 3 chữ “Kính như tại”; nghĩa là kính thần như thấy thần tại đây. Hai bên có 2 câu đối làm bằng gỗ có khắc chữ: “Hùng trấn nhất phương tư địa mạch/ mạc Phù hạp hảnh gián xuân phong”, có nghĩa là: Thần trấn giữ nơi này, mang lại điều tốt lành cho dân.

Theo sử sách chép lại, mảnh đất xứ Đoài xưa kia có 5 cây cầu xây dựng theo kiểu thượng gia hạ kiều: 1 cây cầu ở Đường Lâm bắc qua một nhánh của sông Tích; 2 cây cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều ở chùa Thầy (Quốc Oai) và 2 cây cầu ở khu vực Tam thôn (Thạch Thất). Đến nay chỉ còn lại cầu Khum và 2 cây cầu ở chùa Thầy. Đây là những công trình kiến trúc rất độc đáo cần được gìn giữ và bảo tồn nhằm làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa lịch sử của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đi tiếp 2 gian cuối là cửa phía Tây đi từ trong làng ra. Trên dốc cửa có chữ “Xuất tắc cát” có nghĩa là như 1 lời chúc người ta đi khỏi làng gặp nhiều điều tốt, hai bên trụ cổng có 2 câu đối: “Bồ vãng, bồ lai xa mà khách/ Tương phùng, tương kế, cổ kim hương”. Hai câu đối cho ta biết ngày xưa thường xuyên có ngựa xe qua lại, chứng tỏ làng Yên ngày xưa là nơi giao lưu văn hóa bốn phương.

Ông Phạm Văn Toại, thành viên Ban quản lý di tích đình, đền làng Yên cho biết, Cầu Khum còn là một trong những cây cầu hiếm hoi của Thủ đô xây dựng theo kiểu kiến trúc này còn được gìn giữ đến ngày nay. Trước kia con đường độc đạo đi vào làng Yên phải qua Cầu Khum và cây cầu đóng vai trò là cổng làng. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, thông thương của dân làng đều đi qua cây cầu này. Toàn bộ phần tường xây bằng đá ong cổ kính, còn lại hệ thống kèo, xà nhà được làm bằng gỗ khá chắc chắn, trên mái lợp loại ngói vảy cá đặc trưng của vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ.

Từ hơn 20 năm nay, khi làng Yên đã có con đường cái khác, Cầu Khum dù không còn nhiều giá trị về giao thông nhưng vẫn được người dân trong thôn lưu giữ lại như một phần không thể thiếu của ngôi làng bé nhỏ này. Cứ đến dịp lệ làng vào ngày 20/2 và 20/8 Âm lịch hàng năm, dân làng Yên lại tổ chức lễ rước, dâng hương long trọng từ cầu vào làng, vừa để bày tỏ lòng thành kính với các vị thần linh, vừa để cầu chúc cho quốc thái dân an, dân làng làm ăn thuận chèo mát mái…

“Hiện nay, Cầu Khum không còn nhiều ý nghĩa về mặt giao thông nhưng nó vẫn là điểm đến thường xuyên của khách vãng lai cũng như người dân quanh vùng. Đặc biệt, nhiều người tìm đến thắp hương cầu khấn những điều tốt lành, xin lộc làm ăn vào các ngày lễ, Rằm. Người dân chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ di sản kiến trúc - giao thông quý giá mà cha ông đã để lại. Bởi, đối với người dân làng Yên, Cầu Khum không chỉ đặc biệt về hình thức kiến trúc mà còn là nơi níu giữ con người ở lại, chia sẻ những cảm xúc chậm rãi”, ông Toại bày tỏ.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này