Ngày xưa ơi...

10:57 | 22/03/2022
(LĐTĐ) Đêm muộn, một người bạn nhắn cho tôi về việc con trai sa đà vào chơi game nên chểnh mảng học hành. Khi bị thu điện thoại, quản lý giờ online, cháu bức xúc và có những hành vi, lời nói hỗn hào. Bạn tôi rất buồn và bối rối. Trong câu chuyện, tôi nhận ra, giờ đây các con dường như ít giao tiếp với bên ngoài mà ngày càng thu mình trong thế giới mạng xã hội. Thốt nhiên, tôi chợt nhớ về tuổi thơ với những trò chơi tuy giản đơn nhưng ngập tràn niềm vui.
Nơi in dấu những ngày xưa xa... Đừng để tre thành quá khứ

Ngày đó, mỗi khi tới giờ ra chơi, lũ con gái chúng tôi thường chơi trò nhảy dây trong sân trường. Chỉ với sợi dây, hai bạn quay, các bạn khác nhảy mà chúng tôi nghĩ ra khá nhiều trò vui. Nào là quay dây đơn, quay dây đôi, bịt mắt nhảy dây, thua ra được vào. Những tiếng cười trong veo cứ thế lan trong nắng, rộn rã cả sân trường.

Ngày xưa ơi...
Ảnh minh họa

Một số bạn không chơi nhảy dây thì kẻ ô gạch trên sân trường chơi ô ăn quan. Có lẽ, những thế hệ trước đây, ai cũng đã từng biết đến trò chơi này. Muốn trở thành người chiến thắng, bạn phải tính toán sao cho “ăn” được ô quan giàu sụ. Nhiều khi, chỉ vì không tính kỹ mà mất lượt khi gần chạm vào ô quan, thật là tiếc.

Mùa hè, chúng tôi thường chơi chuyền (cũng có nơi gọi là trò chơi banh đũa). Trò chơi đòi hỏi người chơi phải nhanh tay nhanh mắt, kết hợp nhịp nhàng giữa tung bóng và nhặt que. Hồi đó, sáng cuối tuần, chúng tôi thường rủ nhau đi lên phố Tràng Tiền, nơi đó có hiệu kem nổi tiếng. Nhưng... chúng tôi không phải đến đó ăn kem mà là để nhặt những chiếc que kem về làm que chuyền. Một số bạn tự vót que chuyền rồi dùng giấy ráp đánh cho bóng lên. Với một trái bóng cao su nhỏ vừa trong lòng bàn tay, cả hội bắt đầu chơi đầy hào hứng. Đôi khi, không có bóng, chúng tôi thay bằng quả cà, quả bóng bàn, quả bưởi non... Có một điều khá thú vị, khi tung quả bóng lên cao và nhặt que, người chơi còn phải đọc đồng dao thật khớp với từng bàn, từng chặng chơi như: “Chuyền chuyền một, một đôi/ Chuyền chuyền khoai, hai đôi/ Chuyền chuyền cà, ba đôi...”.

Nhà tôi gần khu vực Văn Miếu, các bạn trai thường vào đây hái quả cơm nguội về bắn súng phốc. Cũng có hôm không hái được quả thì các bạn vo giấy thật nhàu, thấm nước ướt rồi véo thành từng viên nhỏ, nhồi vào súng phốc mà bắn. Quân chia thành hai phe, ẩn nấp sau các gốc cây trong khu vườn rợp mát bóng cây, bắn nhau đầy hồi hộp. Đám con gái chúng tôi lẽo đẽo đi theo xem một cách say mê.

Sẩm tối, trong khi chờ mẹ nấu cơm, chúng tôi tranh thủ rủ nhau chơi trốn tìm. Một bạn úp mặt vào tường đếm: “5 – 10 – 15 – 20...” đến 100, trong khi đó, mọi người nhanh chóng tìm chỗ trốn. Buồn cười, có những bạn trốn kỹ quá, mãi mà bạn kia không tìm ra, muỗi đốt sưng chân. Thế là tự bò ra đầu thú.

Nếu không chơi trò trốn tìm, chúng tôi sẽ chơi trò tạt lon. Chúng tôi thường xin bố mẹ những lon sữa bò, lon bia để chơi. Theo kinh nghiệm, bạn phải chọn chiếc dép thật nặng để khi lia ra thì dép dễ trúng vào lon. Cả đám bạn chơi một cách hào hứng, toát hết cả mồ hôi. Không ít lần, có đứa phải loay hoay đi tìm dép vì quăng mạnh quá, dép văng vào bãi cỏ rậm gần đó.

Năm tháng trôi, dường như, những trò chơi xưa cũ đã mai một dần. Đôi khi, trong giấc mơ của tôi, vẫn văng vẳng đâu đây bài đồng dao chơi chuyền: “Cái mốt, cái mai, con trai, cái hến... Đôi tôi, đôi chị, đôi cành thị, đôi cành na...”. Thức dậy, tôi chợt nhớ về miền ký ức vô ưu với những trò chơi đong đầy niềm vui, nhớ tiếng cười giòn như nắc nẻ khi chơi cùng chúng bạn. Và tôi thầm hỏi: “Có ai còn nhớ những trò chơi của ngày xưa?”.

Tường Vy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này